Đấu thầu minh bạch quyền thu phí
Việc thu phí cần đảm bảo nguyên tắc cho người tham gia giao thông có sự lựa chọn, đồng thời việc vận hành phải thực hiện theo Luật đối tác công - tư (PPP).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã “nhắc” Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế Nhà nước thu phí đối với các tuyến đường do Nhà nước đầu tư.
Không thu phí gây bất công bằng
Trước đó, từ năm 2020, đề án thu phí tại các tuyến đường do Nhà nước đầu tư thông qua các trạm thu phí cũng đã được Bộ GTVT nghiên cứu xây dựng. Đây được xem là giải pháp quan trọng để có thêm nguồn lực đầu tư các tuyến cao tốc khác và bảo trì tốt hơn các tuyến đã đầu tư.
Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trước mắt sẽ tập trung nghiên cứu phương án thu phí tại một số dự án có yêu cầu cấp bách như cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, tuyến La Sơn - Túy Loan và 6 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công của cao tốc Bắc Nam. Tùy vào từng dự án sẽ có mức thu và thời gian thu phí khác nhau.
Bên cạnh những lo ngại về việc phí chồng phí, lại có nhiều ý kiến ủng hộ việc thu phí để có nguồn lực tái đầu tư. Theo GS., TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, nguồn vốn đi vay ngày càng khó khăn, việc thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư các tuyến cao tốc khác là cần thiết.
Theo quy hoạch đến năm 2030, Việt Nam có hơn 6.400 km đường cao tốc, nhu cầu thực tế đang được cho là có thể lên tới 10.000 km. Nhưng thực tế hiện chỉ mới đầu tư xây dựng được 2.000 km.
“Với con số km đường cao tốc còn chưa xây dựng lớn như vậy, trong bối cảnh vốn ngân sách còn hạn hẹp thì việc thu phí trên đường cao tốc là hết sức cần thiết. Đây là dịch vụ chất lượng cao, nhân dân có thể lựa chọn đường cao tốc hoặc là quốc lộ”, TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Cũng theo TS. Hoàng Văn Cường, việc chưa thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư còn là một sự bất hợp lý, không công bằng giữa người được sử dụng đường cao tốc và người không được sử dụng đường cao tốc. Bất hợp lý giữa địa phương được đầu tư đường cao tốc và địa phương không được đầu tư loại đường này.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Thành, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định: “Không thể cứ đi vay vốn ODA về làm đường cao tốc rồi miễn phí để sau này con cháu trả nợ. Thế hệ này đi đường cao tốc thì trả chi phí đầu tư, có tiền đầu tư một hệ thống đường cao tốc hiện đại sẽ tốt hơn cho con cháu sau này”.
Thực hiện bằng cách nào?
Nhiều ý kiến cũng cho rằng cần thực hiện thu phí với đường cao tốc do nhà nước đầu tư, tuy nhiên cần có tuyến đường song song, tức có sự lựa chọn cho người dân không muốn đi cao tốc và trả phí. Nói như TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng cho rằng, việc thu để hoàn vốn cho các dự án cao tốc Nhà nước đầu tư cần đảm bảo nguyên tắc có sự lựa chọn cho người tham gia giao thông.
"Hiệu quả vận tải ở đây là rút ngắn được thời gian vận hành, giao hàng, giảm chi phí khấu hao máy móc, giảm chi phí nhiên liệu, giảm chi phí tác động lên môi trường. Đây là những cái lợi khi sử dụng hạ tầng đồng bộ và hiện đại. Còn những phương tiện không sử dụng kết cấu hạ tầng mới thì có thể vẫn sử dụng kết cấu hạ tầng cũ", ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho hay.
Như vậy, các chuyên gia cho rằng việc thu phí cần đảm bảo nguyên tắc cho người tham gia giao thông có sự lựa chọn. Thậm chí nhiều ý kiến còn cho rằng, cho phép thu phí cao tốc thì việc vận hành phải thực hiện theo Luật Đối tác công - tư (PPP).
Theo đó, khi Nhà nước làm xong đường cao tốc, cần đấu thầu công khai, minh bạch bán quyền thu phí để tư nhân cùng tham gia thực hiện dịch vụ công bằng nguồn lực của tư nhân.
“Nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, Singapore, Australia… cũng làm theo hình thức này. Nhà nước đầu tư xong đường cao tốc, quá trình khai thác vận hành được đấu thầu công khai minh bạch, chọn được nhà thầu có năng lực tài chính và máy móc thiết bị. Khi công tác quản lý vận hành được chuyên nghiệp hóa, công tác bảo trì sẽ được thực hiện tốt hơn”, PGS.,TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam nêu quan điểm.