Đấu tranh phòng chống vi phạm gian lận, trốn thuế
Mặc dù với cơ chế tự kê khai và chịu trách nhiệm, mỗi doanh nghiệp (DN) có thể tự giác thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (NSNN). Song, trên thực tế, tình trạng gian lận thuế vẫn diễn ra rất phổ biến.
Truy thu, giảm lỗ hàng nghìn tỷ đồng
Sau một thời gian áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, cuối tháng 4-2015, Tổng cục Thuế đã ra quyết định điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế với tổng số tiền 507 tỷ đồng với Công ty Metro Cash&Carry Việt Nam.
Kết quả thanh tra cho thấy, công ty này có nhiều vi phạm liên quan đến chuyển giá, trốn thuế. Trên thực tế, Công ty Metro hoạt động tại Việt Nam từ năm 2002 với số vốn đầu tư ban đầu là 78 triệu USD. Sau 12 năm, doanh thu tại Việt Nam tăng gấp 24 lần, nhưng DN liên tục báo lỗ, với lý do doanh thu chưa bù đắp được giá vốn hàng mua và chi phí bỏ ra.
Theo cơ quan thuế, Metro chưa từng nộp thuế thu nhập DN và chỉ báo lãi duy nhất năm 2010 (116 tỷ đồng). Đến tháng 8-2014, Tập đoàn Metro bất ngờ thông báo kế hoạch bán lại Metro Việt Nam cho DN Thái Lan với giá 800 triệu USD. Theo ông Phi Vân Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, tính đến thời điểm cuối năm 2015, việc truy thu thuế với Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam cơ bản đã hoàn thành.
Vụ việc của Metro Cash & Carry Việt Nam chỉ là một trong hàng chục nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra thuế đã được Tổng cục Thuế thực hiện trong năm qua. Theo báo cáo, qua thanh tra 9.756 DN, cơ quan thuế đã truy thu, truy hoàn, phạt 6.008,15 tỷ đồng, giảm khấu trừ 615,98 tỷ đồng, giảm lỗ là 12.307,58 tỷ đồng.
Kiểm tra 69.541 DN, cơ quan thuế cũng truy thu, truy hoàn, phạt 5.775,91 tỷ đồng, giảm khấu trừ 575,3 tỷ đồng, giảm lỗ 10.418,64 tỷ đồng. Đặc biệt, qua kiểm tra 1.332.799 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế, ngành Thuế đã điều chỉnh thuế hơn 900 tỷ đồng. Qua kiểm tra rà soát các hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế đã phát hiện những sai sót, ẩn lậu của người nộp thuế, qua đó điều chỉnh tăng số thuế kê khai hoặc ấn định số thuế mà DN phải nộp vào NSNN.
Những số liệu trên cho thấy, nếu không thực hiện các biện pháp rà soát, chống thất thu ngân sách, hàng chục nghìn tỷ đồng tiền thuế sẽ dễ dàng "bốc hơi", bởi những DN gian lận thuế. Điều này không chỉ khiến ngân sách bị thất thu lớn mà còn tạo ra sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh, bởi những DN làm ăn chân chính và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với NSNN sẽ bị thiệt thòi so với những DN gian lận tiền thuế.
Sẽ thanh tra 18% doanh nghiệp
Xác định rõ tầm quan trọng của hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế, ngành Thuế đã tập trung nguồn lực cho công tác này trong năm 2016. Những lĩnh vực mang tính thời sự, những vấn đề nóng, có nhiều bức xúc, có rủi ro cao về thuế và được dư luận xã hội quan tâm sẽ được ngành Thuế lựa chọn và đưa vào kế hoạch thanh, kiểm tra.
Ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, trong năm nay, toàn hệ thống thuế sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra các DN có rủi ro cao về thuế, DN giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ, DN có dấu hiệu chuyển giá, DN lớn nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra hay DN hoàn thuế lớn.
Đặc biệt, ngành Thuế cũng lưu tâm tới các lĩnh vực phát sinh thuế nhà thầu nước ngoài, dược phẩm, thiết bị y tế, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn bất hợp pháp... Cùng với việc triển khai các hoạt động nghiệp vụ, Tổng cục Thuế cũng sẽ tăng cường phối hợp với các ngành liên quan trong việc đấu tranh phòng chống vi phạm gian lận, trốn thuế.
Theo dự toán pháp lệnh năm 2016, số thu toàn ngành Thuế phải thực hiện là 809.500 tỷ đồng. Để thực hiện mục tiêu này, bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, ngành Thuế sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực cho công tác thanh, kiểm tra thuế.
Mục tiêu mà toàn ngành đặt ra là phấn đấu, thanh, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đạt tối thiểu 18% số lượng DN thuộc diện quản lý thuế để tăng thu qua thanh tra, kiểm tra.