Đầu tư bất động sản miền Trung: Cơ hội đang rộng mở

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam/reatimes.vn

Hạ tầng phát triển, kinh tế phát triển đã thực sự kích thích thị trường bất động sản miền Trung và vì thế, khu vực này đã trở thành một lực thu hút các nhà đầu tư trên cả nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong nhiều năm qua, Chính phủ và chính quyền các địa phương khu vực này đã và đang thực sự nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước thay đổi toàn diện bộ mặt khu vực miền Trung. Đảng và Nhà nước cũng đặc biệt qua tâm đến miền Trung bằng việc đã ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố đều đang đồng loạt khởi động quyết liệt. Tốc độ tăng trường GRDP của vùng này cao hơn cả nước. Một số tỉnh, đặc biệt ấn tượng khi đạt trên 8%.

Việc tăng trưởng tại các địa phương khu vực miền Trung chủ yếu đến từ hoạt động phát triển hạ tầng giao thông kết nối các khu vực kinh tế với nhau, kết nối với các vùng kinh tế ngoài Vùng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế cho Vùng; phát triển kinh tế đô thị, nâng cao chất lượng các đô thị có sẵn; phát triển các khu công nghiệp, công nghệ, đặc biệt là phát triển hạ tầng triệt để khai thác kinh tế biển, tạo ra nhiều đô thị biển, nhiều khu du lịch từ thông dụng đến cao cấp, siêu cao cấp…

Hạ tầng phát triển, kinh tế phát triển đã thực sự kích thích thị trường bất động sản miền Trung và vì thế, khu vực này đã trở thành một lực thu hút các nhà đầu tư trên cả nước. Có thể nói, thị trường bất động sản miền Trung phát triển rất nhanh và đồng đều ở mọi phân khúc. Từ nhà ở đô thị, nhà ở hiện đại, nhà ở cao cấp đến các loại hình bất động sản du lịch, bất động sản thương mại và bất động sản công nghiệp đều phong phú và đa dạng.

Lợi thế và điểm mạnh hấp dẫn của bất động sản khu vực miền Trung là do mới phát triển, dư địa còn nhiều và giá bất động sản còn đang ở mức thấp, xung lực của cầu rất mạnh. Đặc biệt là nhờ vào sự đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông, kinh tế, đô thị… nên giá trị bất động sản ở đây tăng rất nhanh, tạo tỷ lệ sinh lợi cao và nhanh.

Trước đây (khoảng 10 năm), miền Trung nổi lên với 2 địa danh là Đà Nẵng và Khánh Hòa. Nhưng hiện tại đã xuất hiện gấp nhiều lần số địa phương nổi lên, rất có hấp lực thu hút nhà đầu tư cả nước. Trong đó phải kể đến như Quảng Nam, Bình Định, Bình Thuận - những địa phương mà trước đây ít người tin tưởng sẽ có thị trường bất động sản sôi động.

Về bất động sản đô thị và nhà ở, tại miền Trung, hầu hết đô thị cũ đều được chính quyền các địa phương quan tâm nâng cấp cả về quy mô lẫn chất lượng, tạo ra hàng ngàn dự án đô thị và nhà ở trong những năm qua đã thực sự đóng góp cho nguồn cung thị trường bất động sản miền Trung hàng vạn sản phẩm nhà ở. Giá bất động sản nhà ở, đất ở vùng này tăng cao, nhưng nếu so sánh thì vẫn còn thấp hơn giá bất động sản ở thị trường Hà Nội và TP.HCM.

Nhờ có sự đầu tư mạnh cho đô thị, nên hoạt động dịch vụ cũng tăng trưởng mạnh, là động lực để đầu tư bất động sản, kinh doanh dài hạn, như làm văn phòng cho thuê, thương mại bán lẻ, bất động sản cung cấp dịch vụ… Trên thực tế, các loại bất động sản phân khúc này tại miền Trung càng được quan tâm đầu tư và tăng trưởng giá trị.

Bất động sản công nghiệp ở miền Trung là phân khúc được quan tâm đầu tư tăng trưởng mạnh nhất cả nước. Các khu công nghiệp ở đây luôn duy trì giá thuê tốt khiến tỷ lệ lấp đầy cao. Bất động sản nhà ở và dịch vụ đi theo các khu công nghiệp cũng nhờ đó mà phát triển rất tốt, nhưng chủ yếu là do tư nhân phát triển.

Trong khi đó, bất động sản du lịch nhờ lợi thế biển và khí hậu tốt, nên hoạt động đầu tư phát triển ở vùng này có tỷ trọng lớn nhất cả nước. Số lượng dự án bất động sản du lịch được phê duyệt tại khu vực miền Trung lên đến hàng trăm dự án, cung cấp cho thị trường nhiều vạn sản phẩm, phải kể đến là condotel, shophouse, villa, biệt thự… Những sản phẩm này có sức hút đầu tư rất mạnh, đặc biệt gần đây với sự tham gia của những “cá mập” trong ngành du lịch như Sun Group, Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh…

Dự án bất động sản du lịch quy mô lớn, thậm chí đô thị du lịch… đã xuất hiện ngày một nhiều hơn ở khu vực miền Trung. Giá bất động sản du lịch tại đây tăng trưởng tốt, nhưng vẫn còn ở mức thấp so với các khu du lịch trên thế giới và khu vực ASEAN.

Quảng Nam - địa phương đang trỗi dậy của khu vực miền Trung. Trong giai đoạn 2015 - 2020, mạng lưới đô thị vùng Đông tỉnh Quảng Nam từng bước hình thành rõ nét. Giữa đô thị và nông thôn giữ được mối liên kết hỗ trợ nhau, đảm bảo cho sự phát triển chung. Từ đó, hình thành chuỗi đô thị ven biển giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, gồm: đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn), TP. Hội An, vệt du lịch cao cấp ven biển Hội An - Điện Ngọc, đô thị Nam Hội An, Tam Kỳ, Chu Lai - Núi Thành.

Vừa qua, đã có hàng loạt dự án đầu tư đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí được cấp phép đầu tư và đã đi vào hoạt động tại vùng phía Đông của tỉnh Quảng Nam. Cụ thể, Tập đoàn Vingroup đầu tư Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An diện tích khoảng 200ha với vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng ở huyện Thăng Bình; Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An (thuộc Tập đoàn VinaCapital) đầu tư Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An có diện tích 985ha với vốn đầu tư 4 tỷ USD ở huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình…

Đặc biệt, hiện nay Quảng Nam đang được các tổ chức, khách du lịch đánh giá là điểm đến du lịch hàng đầu trong năm 2022 vì nơi đây sở hữu những yếu tố cực kỳ thuận lợi để phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái phù hợp với các xu hướng mới như: du lịch sức khỏe (wellness) hay du lịch tại chỗ (staycation). Với những tín hiệu tích cực về du lịch và mục tiêu tăng trưởng về lượt khách, riêng tại Hội An, nhiều đơn vị nghiên cứu dự báo trong thời gian tới khu vực này sẽ thiếu khoảng 10.000 phòng hạng từ 3 - 4 sao và tạo nên cơn “khát” về nguồn cung phòng lưu trú. 

Ngoài ra, với việc gia tăng kết nối du lịch Đà Nẵng và đô thị cổ Hội An theo tuyến sông Cổ Cò, tuyến Đà Nẵng - Cù Lao Chàm chắc chắn nơi đây sẽ đón thêm rất nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan. Từ đó, thị trường bất động sản ven biển tại khu vực này sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh điểm mạnh của thị trường bất động sản du lịch miền Trung như đã kể, vẫn còn một số hạn chế tại khu vực này, như nhà ở xã hội, nhà ở cho công chức khó khăn chưa được quan tâm phát triển đúng mức, nhất là nhà ở cho công nhân thuê tại các khu công nghiệp, mà chủ yếu đang buông bỏ cho tư nhân tự phát triển. Việc cho phát triển nhiều dự án đất nền, nhất là việc một số địa phương lỏng lẻo quản lý, đã để tình trạng đầu cơ gom đất, phân lô bán nền thổi giá, đẩy giá, tạo bong bóng thị trường bất động sản miền Trung.