Đầu tư công - Khi chính sách đi vào cuộc sống
Để chính sách đầu tư công có thể đi vào cuộc sống, công tác giải ngân luôn được chú trọng, nhưng đòi hỏi nhiều thời gian, nhất là khi thủ tục đầu tư với các dự án cơ sở hạ tầng lớn luôn là một thách thức.
Kỳ vọng và thực tế
Kế hoạch đầu tư công trong năm 2023 đã được thông qua với kỳ vọng tăng 25% so với năm 2022, ở mức hơn 700.000 tỷ đồng. Đây là một con số tương đối lớn trong khoảng thời gian là một năm (kế hoạch đầu tư công trung hạn trong 5 năm 2021-2025 chỉ vào khoảng 2,5 triệu tỷ đồng).
Từ đầu năm đến nay, giá trị giải ngân đầu tư công đạt 216.000 tỷ đồng, bằng 28,63% kế hoạch vốn được giao và 30,5% so với kế hoạch Thủ tướng giao. So với cùng kỳ năm 2022, mức giải ngân trên tăng trên 65.000 tỷ đồng (+43%).
Tiến độ các dự án được giải ngân vẫn chủ yếu là các dự án giao thông chuyển tiếp giai đoạn trước. Các dự án giai đoạn 2021-2025 tiếp tục quá trình chuẩn bị thủ tục đầu tư dự án để triển khai thực hiện trong các tháng còn lại của năm 2023. Nhìn chung, thủ tục đầu tư với các dự án cơ sở hạ tầng lớn luôn là một thách thức cho công tác giải ngân vốn trong nhiều năm qua. Trong nửa đầu năm 2023, tình trạng này tiếp tục diễn ra, điều này đến từ các nguyên nhân chính:
Thứ nhất, trước mắt trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đang nghiêng nhiều về hướng sử dụng chính sách tiền tệ, một phần là do chính sách tiền tệ có đỗ trễ thấp hơn.
Thứ hai, yếu tố mang tính mùa vụ cho thấy các dự án đầu tư công ở Việt Nam thường tập trung giải ngân trong nửa sau của năm.
Thứ ba, rủi ro liên quan đến pháp lý, trong đó bao gồm các rủi ro liên quan đến việc đinh giá đất và giải phóng mặt bằng hay việc giám sát tuân thủ các kế hoạch đã được phê duyệt.
Thứ tư, công tác chuẩn bị dự án đầu tư công thường khó đáp ứng được các nhu cầu thực tế phát sinh trong lúc triển khai. Việc chuẩn bị dự án là một quá trình kéo dài (18-24 tháng đối với các dự án lớn và có thể rút ngắn xuống còn 12 tháng nếu sử dụng chỉ định thầu trực tiếp), nên luôn có sự chênh lệch giữa kế hoạch và thực tiễn triển khai.
Thứ năm là thiếu hụt về nguồn vật liệu xây dựng cho các công trình giao thông lớn.
Đầu tư công nửa cuối năm 2023 khả thi và tích cực hơn
Với mục tiêu giải ngân ít nhất 95% tổng số hơn 700.000 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công trong năm nay, khối lượng vốn cần giải ngân trong giai đoạn còn lại của năm vẫn còn khoảng 67%, tương đương với khoảng 470.000 tỷ đồng. Đây là khối lượng công việc khá lớn trong giai đoạn nửa cuối năm, tuy nhiên với tình hình giải ngân cải thiện dần qua các tháng, kỳ vọng triển vọng đầu tư công sẽ tích cực hơn vào nửa cuối năm 2023.
Để chính sách đầu tư công đi vào cuộc sống với kết quả tích cực hơn, ngoài việc tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về thể chế, Chính phủ cần có những giải pháp cứng rắn hơn trong điều hành, phân rõ trách nhiệm đối với chủ đầu tư và kịp thời rà soát, điều chuyển vốn dự án triển khai chậm sang dự án triển khai nhanh. Bên cạnh đó, cũng thực hiện thưởng hợp đồng đối với các dự án hoàn thành trước kế hoạch.
Theo Trung tâm Phân tích SSI, triển vọng của đầu tư công năm 2023 vẫn là giải ngân các dự án trọng điểm. Dự kiến, sẽ có 8 dự án trọng tâm được triển khai và đẩy mạnh trong năm nay gồm: Dự án chuyển tiếp cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1; Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2; Cảng hàng không sân bay quốc tế Long Thành; Vành đai 3; Vành đai 4; Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; Cao tốc Châu Đốc – Sóc Trăng và Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Mê Thuột.
Trong đó, Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, và đang tiến hành lựa chọn nhà thầu xây dựng đường băng và nhà ga. Dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Vành đai 4 Hà Nội, và 3 cao tốc trục Đông – Tây đã liên tục được khởi công trong tháng 6. Kỳ vọng trong nửa cuối năm tỷ lệ giải ngân đầu tư công các dự án trọng điểm sẽ chuyển biến tích cực.
Hiện tại có 2 thay đổi lớn nhất được kỳ vọng sẽ tạo ra sự khác biệt về giải ngân trong thời gian tới. Trong ngắn hạn là việc thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, được thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) đối với việc quy hoạch đô thị dọc tuyến đường Vành đai 3 hay được áp dụng trở lại hợp đồng BT với một loạt dự án như: Cầu Cần Giờ (tổng vốn 10.000 tỷ đồng), Cầu Nguyễn Khoái (2.800 tỷ đồng), mở rộng đường Ung Văn Khiêm, mở rộng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây hay mở rộng đường dẫn cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Chính phủ cũng kỳ vọng sẽ sớm thông qua Nghị định sửa đổi Nghị định số 40/2020/NĐ-CP về đầu tư công (dự kiến sẽ được phê duyệt vào tháng 10/2023). Điểm đáng chú ý nhất trong Nghị định này là việc nới lỏng quy định cho phép nguồn vốn các dự án đầu tư công chưa được hoàn thành trong năm nay có thể được kéo dài giải ngân sang năm tiếp theo.
Về dài hạn, các đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến đầu tư, ngân sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công cũng đã được nhắc đến trong phiên họp chuyên đề pháp luật trong tháng 6 vừa qua, trong đó bao gồm Luật Đầu tư công 2019, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) 2020... Tuy nhiên, kế hoạch cụ thể vẫn chưa được công bố và trong kịch bản tích cực nhất, Quốc hội vẫn sẽ phải cần 3 phiên họp để thông qua và việc sửa đổi các luật này nhanh nhất là 2025 có hiệu lực.