Đầu tư nhà đất: "Vẫn theo tâm lý đám đông"
Tâm lý đầu tư theo đám đông dường như vẫn chiếm phần lớn trong giới đầu tư bất động sản ở Việt Nam hiện nay.
Nhận xét trên được ông Holger Molendyk, Giám đốc Đầu tư và phát triển kinh doanh (Công ty Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng - Vihajco) đưa ra khi nói về những yếu tố tác động đến thị trường bất động sản cũng như tâm lý của giới đầu tư nhà đất hiện nay.
Ông Holger Molendyk nói: nhìn chung, trên khắp thế giới, bất động sản vẫn được xem là lĩnh vực đầu tư mang lại nhiều lợi nhuận. Chính vì vậy, khi có được một nguồn vốn thì bất động sản cùng với chứng khoán và vàng sẽ là một trong 3 kênh mà nhiều nhà đầu tư nhắm đến.
Tuy nhiên, có một điều dễ nhận thấy đó là tâm lý đầu tư bất động sản của nhiều người dân Việt Nam khá khác với nhiều nước trên thế giới. Về mặt nào đấy, chính tâm lý này dường như lại đang đi ngược lại với mục tiêu mà cơ quan quản lý đặt ra là đưa thị trường bất động sản phát triển theo hướng bền vững, ổn định và ngày càng mang tính chuyên nghiệp hơn.
Vậy, cụ thể sự khác biệt về tâm lý đầu tư đó là gì, thưa ông?
Về mặt lý thuyết, khi một ai đó muốn mua một căn nhà để ở hay để đầu tư, họ phải tìm hiểu kỹ về thông tin của chủ đầu tư, về tính khả thi cũng như sự tiện nghi của dự án đó. Suy cho cùng thì những người tìm mua nhà, đất chỉ có hai mục đích: hoặc để ở hoặc để đầu tư kiếm lời và tùy vào mục đích mà họ sẽ chấp nhận tình trạng của sản phẩm cũng như mức độ rủi ro ở mức nào.
Nhìn chung, tâm lý đầu tư bất động sản ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là ở miền Bắc vẫn là tâm lý đám đông. Điều này có thể bị ảnh hưởng từ tâm lý đầu tư trên thị trường chứng khoán. Phần lớn các nhà đầu tư bất động sản họ thường mua bán nhà đất trên cơ sở tham khảo thông tin từ bạn bè, người thân.
Điều này cho thấy, việc mua một căn nhà hay một mảnh đất dù có giá trị rất lớn nhưng họ vẫn dựa vào những “lời khuyên” của bạn bè mà rất ít khi tự mình tìm hiểu kỹ càng về dự án đó.
Còn ở nước khác thì họ lại không có trào lưu rõ ràng như ở Việt Nam, bởi vì thị trường nhà đất của họ là rất to lớn, khả năng về nguồn cung cũng lớn hơn nhiều, và quan trọng hơn là ở phần lớn các nước khác, thị trường bất động sản của họ có tính minh bạch cao hơn Việt Nam nhiều.
Theo ông, yếu tố đám đông này có phải là “điểm yếu” để các nhà đầu tư khai thác?
Ở một góc độ nào đấy, chính tâm lý đám đông sẽ làm lợi cho các chủ đầu tư vì chỉ cần tuân thủ những quy định tối thiểu của pháp luật thì họ có thể bán được nhiều hàng hơn. Ngược lại, nếu không tìm hiểu kỹ thông tin chi tiết về năng lực của đầu tư, về tính khả thi của dự án thì mức độ rủi ro là rất lớn đối với những ai đầu tư, kinh doanh theo kiểu này.
Liệu tâm lý đám đông này có làm cho thị trường bất động sản vào cuối năm “nóng” trở lại, theo ông?
Yếu tố này cũng có đóng góp một phần nhưng quan trọng hơn, trong thời gian tới, khi nền kinh tế dần hồi phục cùng với nhiều chính sách hỗ trợ tích cực từ các cơ quan Nhà nước, thị trường bất động sản chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội sôi động trở lại.
Hiện nay, giá cả của bất động sản đã giảm nhiều so với thời kỳ sốt nóng trước đây. Đây cũng là cơ hội để thị trường hồi phục và người mua có thể chọn lựa được những dự án, những khu vực có uy tín và đảm bảo chất lượng.
Ông nhìn nhận như thế nào về các nhà đầu tư bất động sản Việt Nam hiện nay?
Có sự khác biệt về chiến lược kinh doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Đối với các chủ đầu tư nước ngoài, họ thường có tầm nhìn dài hạn hơn mặt cơ cấu và chiến lược kinh doanh.. Từ nhà đầu tư lớn đến nhà đầu tư nhỏ lẻ, họ đều có tư tưởng đầu tư dài hạn và họ luôn quyết tâm để đạt được kế hoạch dài hạn đó.
Còn ở Việt Nam, đại đa số các chủ đầu tư, kinh doanh bất động sản vẫn có tâm lý kinh doanh ngắn hạn, họ luôn đề ra chiến lược kinh doanh để có thể thu hồi dòng tiền trong thời gian ngắn. Tất nhiên là đặc điểm này cũng được xuất phát từ thực tại của nền kinh tế chưa phát triển đầy đủ. Về lâu dài, chính đây là những hạn chế khiến cho nhà đầu tư Việt Nam có thể bị “lép vế” trước các nhà đầu tư ngoại vốn có tiềm lực về vốn, kinh nghiệm và tầm nhìn dài hạn.
Tất nhiên, nếu cùng đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam thì các nhà đầu tư “nội” sẽ lại là những người có lợi thế hơn về sự am hiểu luật pháp, phong tục tập quán cũng như nắm bắt tốt hơn nhu cầu, sở thích của khách hàng bản địa.
Ngoài ra, trong những năm trước đây, các nhà đầu tư của Việt Nam thường không tập trung nhiều vào việc đảm bảo cam kết, các quy định hậu mãi sau bán hàng. Tuy vậy, thời gian gần đây, dưới sức ép của khủng hoảng và cạnh tranh từ nước ngoài thì thực trạng trên đã được cải thiện đáng kể.
Tại sao trong khi các nhà đầu tư Việt Nam đang hướng vào đầu tư phân khúc nhà trung bình và thấp thì các ông lại đầu tư vào phân khúc cao cấp với tổng vốn đầu tư hơn 8 tỷ USD và được nhiều người cho là vốn “ảo”?
Thực ra chúng tôi đầu tư theo kiểu đô thị sinh thái, đa dạng khách hàng, bao gồm cả cao cấp và hạng trung bình. Về cơ bản chúng tôi sẽ tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp nhất với thị trường.
Còn về vốn đầu tư thì chúng tôi cũng giống như nhiều doanh nghiệp khác, đó là sử dụng nguồn vốn từ ngân hàng. Tất nhiên là sẽ có những nguồn thu bổ sung khác như là doanh số bán hàng của giai đoạn trước gối đầu cho giai đoạn sau.
Hiện các nhà đầu tư chuyên nghiệp, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nước ngoài, họ sẽ có những nhận xét, đánh giá rất kỹ về đối tác trước khi có ý định đầu tư, trong đó vị trí của dự án và tiềm lực tài chính sẽ được họ đặt lên hàng đầu.
Về phía chủ đầu tư, chúng tôi đã và đang tạo ra được những minh bạch tối đa về khả năng tài chính, để chứng minh cho họ tính khả thi của dự án cũng như có nhiều hình thức khuyến khích kêu gọi các nhà đầu tư tham gia cùng chúng tôi.