Đầu tư ra nước ngoài – bức tranh chưa hoàn chỉnh


Lũy kế từ năm 1999 đến tháng 5/2023, Việt Nam đã có 1.648 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với số vốn gần 22,1 tỷ USD. Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư vào gần 20 ngành nghề và đầu tư ở hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Lũy kế từ năm 1999 đến tháng 5/2023, Việt Nam đã có 1.648 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với số vốn gần 22,1 tỷ USD.
Lũy kế từ năm 1999 đến tháng 5/2023, Việt Nam đã có 1.648 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với số vốn gần 22,1 tỷ USD.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, bên cạnh hoạt động thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài (FDI) thì đầu tư ra nước ngoài (OFDI) vô cùng quan trọng với sự tăng trưởng kinh tế của một quốc gia đang phát triển. OFDI cũng thể hiện mức độ phát triển của quốc gia đó.

Đầu tư ra nước ngoài – bức tranh chưa hoàn chỉnh - Ảnh 1

Đầu tư ra nước ngoài là xu thế tất yếu

Kể từ khi Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/1999/NĐ-CP - Nghị định đầu tiên của Chính phủ về đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam, đến nay đã một phần tư thế kỷ.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lũy kế từ năm 1999 đến tháng 5/2023, Việt Nam đã có 1.648 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với số vốn gần 22,1 tỷ USD. Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư vào gần 20 ngành nghề và đầu tư ở hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nhưng theo Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), dòng vốn OFDI của Việt Nam không ổn định và còn quá nhỏ bé so với khu vực và so với tiềm năng.

Trong khi đó, OFDI trên thế giới có vai trò quan trọng đối với quốc gia mang vốn đi đầu tư. Và sự phát triển của nền kinh tế và đội ngũ doanh nghiệp không ngừng lớn mạnh đặt ra nhu cầu phải đẩy mạnh OFDI.

Số liệu từ UNCTAD cho thấy, số vốn OFDI thực hiện trong năm 2005 là 65 triệu USD, đến năm 2013 là 1,956 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này đã giảm dần và còn có 300 triệu USD vào năm 2021.

Quy mô dòng vốn OFDI (lũy kế) của Việt Nam đến hết năm 2021 đạt 12,1 tỷ USD. UNCTAD cho rằng, tỷ lệ vốn OFDI thực hiện (lũy kế) so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt mức cao nhất là 3,8% vào năm 2016 và giảm xuống còn 3,3% vào năm 2021 là quá thấp so với mức bình quân của các nước đang phát triển và của chung toàn thế giới.

Đầu tư ra nước ngoài – bức tranh chưa hoàn chỉnh - Ảnh 2

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, khi dòng OFDI được đẩy mạnh, sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm của nước đầu tư, tận dụng lao động và nguồn nguyên liệu đầu vào ở nước nhận đầu tư. Đồng thời, tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp của nước đầu tư.

“OFDI có thể đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của một quốc gia đang phát triển”, TS. Phan Hữu Thắng - Chủ tịch HĐTV Viện nghiên cứu Đầu tư quốc tế, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lưu ý.

Cũng theo TS. Phan Hữu Thắng, một số quốc gia đang phát triển đã sử dụng OFDI như một chiến lược đi tắt để tiếp cận công nghệ nguồn, nâng cao năng lực trong nước, nâng cấp quy trình sản xuất, tăng cường khả năng cạnh tranh, nâng cao kỹ năng quản lý và tiếp cận mạng phân phối…

“OFDI trong dài hạn có thể cải thiện đáng kể cán cân thu nhập và cán cân thanh toán. OFDI có thể cũng được sử dụng làm phương tiện để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc tích hợp chuỗi cung ứng ngược và xuôi, kích thích xuất khẩu hàng trung gian và các yếu tố đầu vào”, TS. Phan Hữu Thắng nhấn mạnh.

Còn theo PGS.TS. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đầu tư ra nước ngoài là xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Sự phát triển của nền kinh tế và đội ngũ doanh nghiệp không ngừng lớn mạnh đặt ra nhu cầu phải đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài. Nên thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển thành doanh nghiệp toàn cầu.

Mở cửa OFDI theo lộ trình chắc chắn và có tính toán

Mặc dù đem lại nhiều lợi thế, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, bức tranh đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam chưa hoàn chỉnh.

Đầu tư ra nước ngoài – bức tranh chưa hoàn chỉnh - Ảnh 3

Giới chuyên môn cho rằng, Việt Nam cần phải chủ động mở cửa OFDI phù hợp với lộ trình phát triển của mình một cách chắc chắn và có tính toán, bảo đảm tận dụng tối đa lợi thế từ bên ngoài cho phát triển kinh tế trong nước.

Theo đó, phải đổi mới tư duy và nhận thức, phải coi đầu tư ra nước ngoài là một bộ phận quan trọng trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.

Để thúc đẩy OFDI, trước hết cần phải thay đổi tư duy và nhận thức về OFDI. Đồng thời cần hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến đầu tư ra nước ngoài.

Chính phủ cần xây dựng và sớm công bố Đề án chiến lược OFDI hoàn chỉnh và toàn diện cả về ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Hoạch định chiến lược đầu tư ra nước ngoài theo các giai đoạn ngắn hạn (5 năm), trung hạn (10 năm) và dài hạn (20 năm).

Nhấn mạnh về thay đổi tư duy và nhận thức, TS. Phan Hữu Thắng và đại sứ Chu Công Phùng - Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Myanmar cho rằng, nhận thức về OFDI còn hạn chế, trước hết là do sự cẩn trọng và cũng thể hiện sự e ngại về quy mô nền kinh tế và trình độ phát triển của mình.

“Nhận thức chưa đúng cùng sự quá thận trọng khiến hệ thống, pháp luật và chính sách với OFDI còn hạn chế mà chưa thực sự khuyến khích, chưa khơi dậy được khát vọng “vươn ra biển lớn” và làm chậm lại quá trình phát triển và làm giảm hiệu quả OFDI”, TS.Phan Hữu Thắng nói.

Để thúc đẩy OFDI, TS. Phan Hữu Thắng cho rằng, với những dự án OFDI quan trọng có tác động đáng kể đến nền kinh tế trong nước, Chính phủ cần có những chính sách và biện pháp hỗ trợ về mặt tài chính, như: giảm lãi vay hay giảm thuế, hỗ trợ cân đối ngoại tệ giai đoạn đầu…

“Ở nhiều nước đang phát triển, chính sách OFDI đã chuyển dần từ hạn chế sang hỗ trợ nhiều hơn. Một số Chính phủ đã bắt đầu áp dụng các công cụ khuyến khích OFDI nhằm mục tiêu phát triển các ngành chiến lược của đất nước”, TS. Phan Hữu Thắng nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS.TS.Trần Đình Thiên đề nghị các cơ quan Nhà nước cần có nghiên cứu sâu về đầu tư ra nước ngoài, nghiên cứu môi trường đầu tư ở nước ngoài, ở từng khu vực, từng quốc gia từ đó xem ta phải ứng biến ra sao. Điều này rất quan trọng cho thúc đẩy OFDI và cho từng doanh nghiệp, cho nhà đầu tư tiến ra nước ngoài.

“Việc ký kết hiệp định đầu tư song phương với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, hoàn thiện năng lực các cơ quan chức năng nhằm hỗ trợ dòng vốn của Việt Nam là rất cần thiết”, PGS.TS.Trần Đình Thiên nêu quan điểm.

Các chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy OFDI và nâng cao hiệu quả quản lý, thay thế hình thức quản lý nhà nước bằng biện pháp hành chính (như cấp giấy, thẩm định chứng nhận đầu tư ra nước ngoài…) sang phương thức quản lý theo cơ chế thị trường như thông qua chính sách về ngoại hối (quản lý dòng tiền) và chính sách tiền tệ, tài khóa (lãi suất, chính sách ưu đãi về thuế…).

Chính phủ chỉ cấp phép cho dự án OFDI của DNNN. Các dự án của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, cam kết tự cân đối ngoại tệ chỉ cần đăng ký với Ngân hàng Nhà nước.

Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý, ông Đặng Xuân Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp Chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) bổ sung thêm: “Đề án thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài đã thể hiện rõ chiến lược dài hạn. Thúc đẩy OFDI không phải của riêng ai, doanh nghiệp tích cực hơn và các cơ quan và cả xã hội cùng thúc đẩy, sự nghiệp mới thành công”.

Theo Tri Nhân/thitruongtaichinhtiente.vn