Nhiều nhà đầu tư FDI cam kết mở rộng sản xuất tại Việt Nam


Dù đối mặt với một số khó khăn do tác động của kinh tế thế giới song các nhà đầu tư lớn tại Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất trong dài hạn.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao tiềm năng phát triển và cam kết mở rộng đầu tư tại Việt Nam
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao tiềm năng phát triển và cam kết mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Thông tin này được đại diện của nhiều doanh nghiệp chia sẻ tại hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng”.

Ông Furusawa Yasuyuki - Tổng Giám đốc AEON Việt Nam thông tin: nhiều doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn đầu tư vào Việt Nam bởi nhận thấy đây là thị trường có nhiều tiềm năng phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, dân số đông, tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều…

Tổng Giám đốc AEON Việt Nam nhìn nhận, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển vượt bậc, có nhiều điểm tương đồng với giai đoạn phát triển thần tốc của Nhật Bản. Dù tình hình kinh tế thế giới có nhiều thách thức nhưng lãnh đạo AEON vẫn nhận thấy những cơ hội nhiều hơn thách thức. “AEON đầu tư nhiều ra nước ngoài nhưng tại Việt Nam, AEON có tốc độ phát triển nhanh và là thị trường tiềm năng trọng điểm thứ hai được tập đoàn tăng tốc đầu tư” - ông Furusawa Yasuyuki nhấn mạnh.

Nhận định, thị trường Việt Nam mang lại nhiều cơ hội để các nhà bán lẻ phát triển, trong giai đoạn 3-5 năm tới, AEON tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh. Trong đó, tập trung phát triển mua sắm quy mô lớn, ưu tiên sự tiện lợi với mô hình kinh doanh đa dạng phù hợp với nhu cầu địa phương và thay đổi trong xu hướng tiêu dùng như cửa hàng tiện lợi, trung tâm bách hoá tổng hợp, trung tâm thương mại, siêu thị cỡ nhỏ, siêu thị cỡ vừa…

Đại diện Nestle Việt Nam, ông Khuất Quang Hưng - Giám đốc đối ngoại và truyền thông cho biết: với cam kết mở rộng quy mô dài hạn và phát triển bền vững, tập đoàn đã đầu tư tăng gấp đôi công suất nhà máy chế biến và xuất khẩu cà phê tại Việt Nam. Đồng thời chuyển giao công nghệ, kỹ thuật canh tác cà phê bền vững tới 26.000 hộ nông dân - đối tác quan trọng trong cung cấp nguyên liệu cho Nestle. Canh tác bền vững đã góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất lớn cho các hộ nông dân, nâng cao chất lượng cà phê cung ứng cho nhà máy.

Ông Khuất Quang Hưng cho biết, đây là một trong những khoản đầu tư phần mềm mà Nestle đã thực hiện hiệu quả tại Việt Nam bên cạnh đầu tư phần cứng (hạ tầng, nhà máy…).  Trong thời gian tới, Nestle tiếp tục đầu tư phần mềm theo hướng chuyển đổi số - tác nhân thúc đẩy tập đoàn chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Thích ứng với chuyển hướng đầu tư

Đánh giá về niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết: gần đây qua các cuộc gặp gỡ và thảo luận, các nhà đầu tư nước ngoài đều bày tỏ tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế, vào nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.

Có đến 60% nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam, khi trả lời câu hỏi khảo sát của JETRO  cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới. Tỷ lệ này là cao nhất trong khối ASEAN. Các nhà đầu tư châu Âu xếp Việt Nam trong top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu, 41% số doanh nghiệp tham gia khảo sát của EuroCham cho biết đang chuyển hoạt động sang Việt Nam.

Dẫn thông tin từ báo cáo của hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Đỗ Thành Trung cũng lưu tâm: cạnh tranh giữa các nước đang phát triển trong thu hút đầu tư nước ngoài sẽ diễn ra quyết liệt, đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài được dự báo giảm trong năm 2023. Trong khi đó, nhu cầu thu hút vốn đầu tư cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau COVID - 19 tăng cao.

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang trong xu hướng chậm lại khi một số nền kinh tế dự kiến áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15% từ năm 2024. Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư, có dấu hiệu các tập đoàn lớn cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thông tin: một số quốc gia và tập đoàn đa quốc gia đã và đang điều chỉnh đầu tư chiến lược phát triển, trong đó hạn chế đầu tư ra nước ngoài; sàng lọc nhà đầu tư khắt khe hơn với tiêu chuẩn cao hơn. Do đó, Việt Nam cần quan sát và điều chỉnh chiến lược phù hợp để đạt được mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút thêm các nhà đầu tư chất lượng cao.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết thêm: trong thời gian tới, Việt Nam sẽ xây dựng và phát triển hệ sinh thái về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, với cơ chế quản lý linh hoạt, phù hợp với môi trường kinh doanh số. Phát triển khu vực doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, đủ thực lực hội nhập quốc tế, để liên doanh, liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, dịch vụ hiện đại, công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin và dịch vụ tài chính…

Theo Hạnh Loan/Diendandoanhnghiep.vn