Đầu tư ra nước ngoài: Nhìn lại và đi tới

Hồng Nhung

(Tài chính) Trong xu thế hội nhập chung các nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang không ngừng tự vươn lên khẳng định mình, đem thương hiệu Việt đến với thế giới. Những sự cố gắng, nỗ lực đó đã đạt được những kết quả khả quan, mở ra nhiều cơ hội cho DN Việt với những chiến lược kinh doanh mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhìn lại năm cũ

Với những chính sách kịp thời được Chính phủ ban hành nhằm chính thức hóa hoạt động đầu tư ra nước ngoài, cộng đồng DN Việt Nam đã tiến những bước dài hơn quá trình hội nhập với nền kinh tế thế giới.

Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính lũy kế đến ngày 20/12/2012 đã có 712 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng lý đạt 12,4 tỷ USD tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong năm 2012, có 75 dự án đầu tư mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 1,3 tỷ USD tại 28 quốc gia và vũng lãnh thổ, vốn thực hiện đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2011. Như vậy, hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã đạt được nhiều thành tựu đáng mừng, tạo nền tảng vững chắc cho bước tiến mới của DN ra thị trường quốc tế. Nhìn lại năm cũ, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của cộng đồng DN Việt Nam có những điểm nhấn như sau:

Thứ nhất, hoạt động đầu tư ra nước ngoài đang có sự gia tăng đáng kể vào những địa bàn phù hợp với định hướng đầu tư của Việt Nam như Lào, Campuchia, Myanmar… và vào những ngành, lĩnh vực chiến lược như dầu khí; thủy điện, trồng cây công nghiệp, viễn thông. Trong đó, cụ thể một số ngành có vốn thực hiện đầu tư ra nước ngoài lớn như: khai khoáng 2,3 tỷ USD; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí trên 400 triệu USD; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên 500 triệu USD; thông tin và truyền thông 249 triệu USD…

Thứ hai, hoạt động đầu tư ra nước ngoài ngày càng hiệu quả. Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong năm 2012, một số dự án ở lĩnh vực dầu khí, viễn thông và cao su của DN Việt Nam đầu tư ở các nước đã bước đầu gặt hái kết quả và mức lợi nhuận chuyển về nước lên tới 430 triệu USD. Trong đó, các dự án thuộc nhóm ngành dầu khí, viễn thông, cao su... là những ngành đóng góp lớn vào số lãi trên như: Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) đạt tổng doanh thu từ đầu tư nước ngoài là 734 triệu USD, tăng trưởng 41% so với năm 2011 và lợi nhuận chuyển về Việt Nam đạt 77 triệu USD, gấp 4 lần so với năm 2011; Doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT trong năm 2012 đạt trên 90 triệu USD, tăng trưởng 30% so với năm 2011; Hai dự án đầu tư cao su ở Campuchia và Lào đã đem về cho Tập đoàn cao su Việt Nam 38 tỉ đồng trong năm 2012…

Thứ ba, các hoạt động đầu tư ra nước ngoài đầu tư ra nước ngoài đã tạo ra việc làm cho hàng ngàn lao động Việt Nam và hàng vạn lao động của nước tiếp nhận đầu tư.

Đối mặt với không ít khó khăn

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hoạt động đầu tư ra nước ngoài sẽ giúp DN có điều kiện mở rộng thị trường, đồng thời có cơ hội tiếp cận với khoa học công nghệ cao, học hỏi những ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, từ đó nâng dần năng lực cạnh tranh của chính DN.

Bên cạnh đó, thị trường trong nước đang dần bị thu hẹp bởi sự cạnh tranh bởi chính các DN trong nước cũng như các DN nước ngoài. Chính vì vậy, việc tìm kiếm các thị trường mới không chỉ mở rộng được quy mô sản xuất còn giúp các nhà đầu tư Việt tìm kiếm, mở rộng sang những lĩnh vực khác.

Bước sang năm 2013, theo dự báo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam sẽ đạt 1 – 1,5 tỷ USD và vốn thực hiện là 900 – 1 tỷ USD. Mặc dù đã đạt dược những bước phát triển thuận lợi nhưng theo đánh giá của cơ quan này, khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài chưa đầy đủ, đồng bộ, đặc biệt là các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài có sử dụng vốn đầu tư của nhà nước. Nhiều DN cho biết họ vẫn còn thiếu sự hỗ trợ từ chính sách của Chính phủ.

Theo qui định, DN muốn đầu tư ra nước ngoài phải đáp ứng được ba điều kiện: có dự án khả thi, có năng lực tài chính và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước. Khi chuyển tiền ra nước ngoài, thủ tục phải theo qui định của Ngân hàng Nhà nước. Thế nhưng thủ tục chuyển tiền đã được ban hành từ rất lâu trước đây khi mà nguồn ngoại tệ quốc gia còn hạn hẹp và khái niệm đầu tư ra nước ngoài còn rất xa lạ nên gần như DN không nhận được nhiều sự hỗ trợ.

Trường hợp của Công ty cổ phần Cao su Việt Lào (CSVL) gần đây là một minh chứng. Theo giấy phép đầu tư, CSVL (cổ đông là các công ty cao su thuộc Tổng công ty Cao su Việt Nam) được đầu tư 22 triệu USD ở Lào để trồng 10.000ha cao su tại tỉnh Champasak. Các cổ đông của công ty đã chuyển vài chục tỉ đồng đến Ngân hàng liên doanh Lào Việt chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, nhưng vốn đầu tư chưa thể chuyển sang Lào vì còn chờ giấy phép chuyển ngoại tệ từ Ngân hàng Nhà nước. Có thể nói, các DN đầu tư ra nước ngoài giờ đây phải chờ đợi nhiều thủ tục vì các qui định về đầu tư ra nước ngoài đã không theo kịp thực tiễn. Điều này đang có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN khi tiếp cận với thị trường, đặc biệt là hai thị trường tiềm năng như Lào và Camphuchia. Nhiều ý kiến nhận định, tiềm lực và khát vọng của DN Việt là có thật. Tuy nhiên, nếu các chính sách trong nước không kịp thay đổi để hỗ trợ DN thì nhiều cơ hội vàng sẽ bị vuột khỏi tầm tay.

Theo ông Trần Kim Chung - Chủ tịch Hội đồng Quản trị C.T Group, hiện thủ tục hành chính và cơ chế tín dụng chưa hỗ trợ DN trong việc đầu tư ra nước ngoài, việc xin cấp phép đầu tư ra nước ngoài đối với các DN cũng mất thời gian quá lâu. Ngoài ra, ông Trần Kim Chung cho biết hiện số lượng các ngân hàng trong nước vươn ra nước ngoài để lập DN hoặc lập chi nhánh còn quá ít, hiện mới có Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV), Sacombank... thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Điều này cũng làm các nhà đầu tư của Việt Nam gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn để triển khai dự án.

Để tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho các DN Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ sẽ xem xét ban hành Chỉ thị riêng về hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Lào và Campuchia. 

Tuy nhiên, trong khi chờ các động thái từ cơ quan chức năng, các DN Việt Nam cũng cần hết sức chú trọng đến việc kết nối các thương vụ Việt Nam ở nước sở tại. Hiện tại mối quan hệ này còn lỏng lẻo, chưa được gắn kết một cách chặt chẽ nên các DN sẽ gặp nhiều khó khăn như thiếu thông tin, thiếu nhân lực, hoạt động cấp phép chậm, điều kiện cơ sở hạ tầng chưa được cải thiện... khi đi đầu tư ở một thị trường hoàn toàn mới.

Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh, tìm kiếm những cơ hội mới, ở những thị trường mới là điều đáng khích lệ, song các DN cũng cần có những bước “chậm nhưng chắc” và tìm hiểu kĩ luật định cũng như văn hóa, bản sắc riêng của mỗi dân tộc, từ đó vạch ra chiến lược đầu tư cho riêng mình.