Đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài và một số vấn đề đặt ra
Trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, đầu tư trực tiếp nước ngoài là một trong những kênh hội nhập hiệu quả nhất, nhanh nhất để các nền kinh tế trên thế giới giao thương với nhau. Trong xu thế đó, những năm gần đây, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam có xu hướng gia tăng và đạt được nhiều kết quả tích cực với số dự án và vốn đăng ký năm sau luôn cao hơn năm trước. Dự báo, xu thế đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Bài viết nhìn lại hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam trong những năm qua và gợi ý một số đề xuất trong thời gian tới.
Hoạt động đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong những năm qua
Trong gần 3 thập kỷ qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm quản lý, thúc đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài của cộng đồng doanh nghiệp (DN).
Cơ sở pháp lý đầu tiên cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài là Nghị định số 22/1999/NĐ-CP ngày 14/4/1999 của Chính phủ cho phép DN Việt Nam đưa vốn bằng tiền, tài sản khác ra nước ngoài để đầu tư trực tiếp ở nước ngoài. Ngày 9/8/2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2006/NĐ-CP quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, thay thế Nghị định số 22/1999/NĐ-CP.
Ngày 20/02/2009, Thủ tướng Chính phủ cũng ký ban hành Quyết định số 236/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài” nhằm mục tiêu thúc đẩy hơn nữa hoạt động đầu tư của các DN được thành lập và hoạt động tại Việt Nam ra nước ngoài nhằm chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường các biện pháp, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài và quản lý có hiệu quả hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các DN, đặc biệt là các DN nhà nước (DNNN).
Ngày 25/9/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài, trong đó khẳng định Nhà nước khuyến khích nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Ngày 15/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 124/2017/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí.
Liên quan đến khuôn khổ pháp lý về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, Quốc hội ban hành Luật Đầu tư năm 2005 và Luật Đầu tư năm 2014, trong đó quy định rõ các nhà đầu tư và DN thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền đầu tư ra nước ngoài…
Hoạt động đầu tư của DN Việt Nam ra nước ngoài bắt đầu phát triển từ đầu những năm 1990 và gia tăng mạnh mẽ những năm gần đây, bất chấp ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trong gần 10 năm đầu (từ năm 1989-1998), các dự án còn nhỏ lẻ.
Trên thực tế, trước khi có Nghị định số 22/1999/NĐ-CP, một số DN tư nhân đã đầu tư 18 dự án tại Lào và Campuchia với tổng vốn đăng ký trên 13,6 triệu USD, vốn bình quân chưa tới 1 triệu USD/dự án.
Đến giai đoạn 1999-2005 bắt đầu có sự thay đổi lớn, Việt Nam có thêm 131 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 559,89 triệu USD, tăng gấp 7 lần về số dự án và gấp 40 lần về vốn đăng ký so với giai đoạn 1989-1998.
Giai đoạn từ năm 2006-2015 được đánh giá là bùng nổ đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài với tốc độ tăng vốn trung bình 52%/năm. Từ năm 2016 đến nay, đầu tư trực tiếp ra nước ngoàitiếp tục xu hướng gia tăng.
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2018, cả nước có 23 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư của phía Việt Nam là 123,6 triệu USD; có 5 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 25,9 triệu USD.
Tính chung vốn cấp mới và tăng thêm, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài trong quý I/2018 đạt 149,5 triệu USD, trong đó, lĩnh vực tài chính, ngân hàng đạt 105 triệu USD, chiếm 70,2% tổng vốn đầu tư; 17 lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 19,9 triệu USD, chiếm 13,3%; lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 12 triệu USD, chiếm 8%; lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đạt 8,5 triệu USD, chiếm 5,7%.
Trong quý I/2018, có 16 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, dẫn đầu là Lào chiếm 53,5% tổng vốn đầu tư; Campuchia chiếm 17,3%; Cuba chiếm 13,3%; Australia chiếm 8%...
Như vậy, sau gần 30 năm, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam ngày càng đa dạng hơn, thể hiện khá rõ nét qua sự đa dạng về thị trường, về ngành đầu tư, về quy mô, hình thức đầu tư, về các thành phần kinh tế và loại hình DN tham gia đầu tư.
Trong giai đoạn tới, khi kinh tế tư nhân - khu vực kinh tế năng động nhất ngày càng lớn mạnh, sự hội nhập sâu rộng cũng như chính sách ngày càng hoàn thiện, dự báo sẽ có một làn sóng đầu tư ra nước ngoài để tìm kiếm cơ hội mới.
Kết quả khảo sát Top 500 DN lớn nhất Việt Nam 2016 của Vietnam Report cho thấy, có tới 45% DN có khát vọng đầu tư ra nước ngoài trong 5 năm tới, nhất là đầu tư vào các thị trường như: Canada, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Nga…
Nhìn lại hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong gần 3 thập kỷ qua cho thấy, về tổng thể, hoạt động đầu tư ra nước ngoài giúp Việt Nam tăng cường hợp tác kinh tế quốc tế, bảo đảm an ninh, quốc phòng và tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi phân phối lao động toàn cầu.
Các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đã mang lại doanh thu ngoại tệ cho đất nước và nâng cao vị thế hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế… Đối với cộng đồng DN, việc mở rộng đầu tư ra nước ngoài giúp DN Việt Nam mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại nước ngoài trong bối cảnh thị trường trong nước bão hòa và tránh những hàng rào bảo hộ thương mại của nước nhận đầu tư.
Đồng thời, DN có thêm cơ hội tiếp cận, phản ứng nhanh nhạy hơn với biến động thị trường và chính sách, các rào cản kỹ thuật, các tranh chấp thương mại và khác biệt văn hóa trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Hỗ trợ tạo lập và củng cố các liên kết chuỗi và hệ thống phân phối, mở rộng thị trường, tận dụng công suất và năng lực, mở ra cơ hội kinh doanh, tạo việc làm và nguồn thu nhập mới, góp phần phát triển, nâng cao vị thế đất nước… Các hoạt động này cũng đã hình thành một đội ngũ doanh nhân Việt Nam có năng lực đàm phán trong đấu thầu quốc tế, trong liên doanh với nước ngoài để tổ chức thực hiện các dự án hợp tác đầu tư và đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế và an sinh xã hội cho nước sở tại, tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương làm việc cho dự án…
Bên cạnh những thành công, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cũng còn bộc lộ những hạn chế nhất định như: Việc thực hiện chế độ báo cáo của các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài còn chưa đầy đủ; Công tác xúc tiến đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cũng chưa thực hiện có hiệu quả; Hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài vẫn chủ yếu mang tính tự phát của các nhà đầu tư; Hiệu quả đầu tư ra nước ngoài vẫn chưa cao…
Đề xuất một số giải pháp
Trong những năm qua, dù Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ban, ngành trong thời gian qua đã có những nỗ lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các DN trong việc đầu tư ra nước ngoài. Để thúc đẩy vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các DN Việt Nam, hiệu quả hơn trong thời gian tới cần chú trọng tập trung triển khai những nội dung sau:
Về phía cơ quan quản lý
- Tăng cường hợp tác chặt chẽ với Chính phủ nước sở tại trong việc trao đổi thông tin, xây dựng cơ chế chính sách, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, ổn định. Phối hợp giải quyết các vướng mắc, khó khăn của DN cũng như có các chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư đối với địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn tại quốc gia tiếp nhận đầu tư.
- Tăng cường cải cách thủ tục hành chính đối với đầu tư ra nước ngoài theo hướng đơn giản thuận tiện, tăng quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm của chủ đầu tư. Đối với các sản phẩm nông nghiệp thì cần đơn giản hóa thủ tục vận chuyển hàng hóa qua biên giới, bảo quản nông sản, kiểm định chất lượng… góp phần giảm các chi phí trong đầu tư.
- Có chính sách phân khúc thị trường đầu tư thông qua việc thúc đẩy và hỗ trợ DN nghiên cứu, đổi mới công nghệ, tập trung sản xuất ra các sản phẩm chiến lược và có chính sách đào tạo cho người lao động trong nước để phát triển những lĩnh vực đầu tư cũng như sản phẩm đầu tư trọng yếu.
- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tăng cường công tác hỗ trợ, tư vấn và cung cấp thông tin hữu tích về hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cho các DN. Quan tâm việc tổ chức các đường dây nóng, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc định kỳ và không định kỳ giữa Chính phủ - các doanh nhân, DN Việt Nam - các đại sứ quán, lãnh sự quán, thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài nhằm nắm bắt và xử lý nhanh, kịp thời, hiệu quả hơn các nhu cầu, vấn đề bức xúc đặt ra trong quá trình hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DN…
Về phía doanh nghiệp
- Tìm hiểu kỹ những thông tin về thị trường mục tiêu trước khi ra đầu tư nước ngoài. Nghiên cứu các quy định pháp luật, cập nhật những thay đổi trong chính sách của nước sở tại nhằm phòng ngừa những tranh chấp, hiểu rõ văn hóa của nước sở tại để tránh những xung đột trong thời gian hoạt động đầu tư, kinh doanh… Tuân thủ đúng luật pháp của nước sở tại, đặc biệt là những quy định trong lĩnh vực môi trường, an sinh xã hội…
- Cần xây dựng chiến lược đầu tư theo từng thời điểm, từng địa bàn, từng đối tác một cách cụ thể và rõ ràng. Đối với những thị trường đầu tư truyền thống thì lại cần xây dựng chiến lược đầu tư một cách chi tiết hơn nữa để tận dụng những lợi thế của Việt Nam cũng như những ưu đãi của nước sở tại để đạt được hiệu quả đầu tư tối đa nhất.
- Tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực quản trị. Các DN xây dựng chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm, thương hiệu hợp lý để từng bước nâng cao năng lực quản trị. Cùng với đó, cần nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến… để thu được lợi nhuận cao nhất trong bối cảnh đầu tư trực tiếp ra nước ngoài thường đối mặt với nhiều rủi ro.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2014), Luật Đầu tư năm 2014;
2. Chính phủ (2015), Nghị định số 83/2015/NĐ-CP ngày 25/09/2015;
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2016), số liệu tình hình đầu tư trực tiếp và nước ngoài của Việt Nam giai đoạn 1989 - 2016;
4. Tổng cục Thống kê (2018), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2018;
5. ThS. Nguyễn Thị Kiều Oanh, Vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của DN Việt Nam, Tạp chí Tài chính số 6/2017;
6. TS. Nguyễn Minh Phong (2018), Bùng nổ đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, Báo Kinh tế đô thị
7. Hồng Sâm (2017), Môi trường đầu tư trực tiếp ra nước ngoài: Minh bạch, ổn định, Thời báo Tài chính Việt Nam;
8. Trần Phương (2017), Đầu tư ra nước ngoài: “Bệ phóng” và sự “bùng nổ”, Báo Công Thương điện tử;
9. Anh Trung (2018), Đầu tư ra nước ngoài tìm cơ hội mới, Báo Đầu tư.