Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển kinh tế biển ở Việt Nam


Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế biển, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ chương, chính sách nhằm phát triển kinh tế biển.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lợi thế và có tiềm năng phát triển kinh tế biển
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lợi thế và có tiềm năng phát triển kinh tế biển

Trong đó, đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển kinh tế biển đóng vai trò quan trọng, tạo nền tảng cho phát triển các ngành kinh tế biển. Tuy nhiên, do nguồn lực từ ngân sách nhà nước có hạn nên việc đầu tư cho các hạng mục thiết yếu như cơ sở hạ tầng, hệ thống cảng biển… còn hạn chế.

Vì vậy, bên cạnh việc ưu tiên bố trí nguồn từ ngân sách nhà nước, để phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, trong giai đoạn tới, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển kinh tế biển.

Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển kinh tế biển ở Việt Nam

Với chiều dài bờ biển 3.260 km, cùng với nguồn tài nguyên biển (tài nguyên sinh vật và tài nguyên phi sinh vật; tài nguyên trong khối nước, trên đáy và trong lòng đất dưới đáy biển) phong phú, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lợi thế và có tiềm năng phát triển kinh tế biển (KTB)... Vì vậy, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế biển đảo.

Trong đó, có thể kể đến Nghị quyết số 09–NQ/TW ngày 9/2/2007 về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, gần đây là Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững KTB Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, gắn với phát triển bền vững.

Nhờ lợi thế sẵn có, định hướng phát triển cũng như cơ chế, chính sách phù hợp, trong những năm qua, KTB của Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Trong đó, đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) cho phát triển KTB là nền tảng, là tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển KTB.

Nhà nước bố trí ngân sách ưu tiên, đầu tư phát triển KTB thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông ven biển; đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khu kinh tế ven biển; đầu tư hệ thống cảng biển quốc gia; đầu tư cho các hoạt động điều tra, quản lý tài nguyên biển và hải đảo; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho nuôi trồng, khai thác thủy hải sản; đầu tư cho khoa học và công nghệ biển; đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực biển… Cụ thể:

Thứ nhất, Nhà nước chi đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ phát triển KTB. Cụ thể, Nhà nước bố trí nguồn từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, trái phiếu chính phủ để đẩu tư các tuyến đường bộ ven biển Việt Nam bắt đầu từ cảng Núi Đỏ, Mũi Ngọc (xã Bình Ngọc, TP. Móng Cái, Quảng Ninh) tới cửa khẩu Hà Tiên (Kiên Giang) với chiều dài 3.041km; phát triển mạng lưới giao thông vận tải nối các vùng biển, đảo với ven biển và các vùng nội địa như tuyến nối từ cảng Tiên Sa đến cửa khẩu Lao Bảo, tuyến nối vùng cảng Vũng Áng với cửa khẩu Cha Lo; nâng cấp các tuyến QL8, QL9, QL21, QL14B; nâng cấp hoặc xây mới các cảng hàng không quan trọng phục vụ phát triển KTB gồm Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Quốc, Vân Đồn. Ước tính nhu cầu vốn đầu tư cho đường bộ ven biển đến năm 2020 là hơn 16.000 tỷ đồng.

Thứ hai, Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng tại các khu kinh tế ven biển. Hiện nay, Việt Nam có 18 khu kinh tế ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước 853.000 ha. Theo quy định hiện hành, vốn ngân sách trung ương được phân bổ để hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thiết yếu nhằm đảm bảo cho hoạt động và phát triển của khu kinh tế ven biển (Quyết định số 126/2009/QĐ-TTg ngày 26/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ vốn ngân sách trung ương đối với đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khu kinh tế ven biển).

Vốn ngân sách trung ương hỗ trợ bao gồm 3 nguồn: vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương được phân bổ theo kế hoạch hàng năm; vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ODA. Về định mức phân bổ, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tại khu kinh tế ven biển sẽđược phân bổ tối thiểu 70% tổng vốn đầu tư cho các địa phương có các khu kinh tế ven biển (Quyết định số40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015).

Thứ ba, Nhà nước tập trung vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng biển quốc gia. Trong đó, các cảng biển được ưu tiên đầu tư gồm các cảng cửa ngõ quốc tế (Hai cảng biển cửa ngõ quốc tế được ưu tiên phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại gồm: Cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) và cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu), các bến cảng nước sâu tại 3 vùng kinh tế trọng điểm có khả năng tiếp nhận các tàu container thế hệ mới; khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (Khánh Hoà). Trên cơ sở định hướng của Đảng và cơ chế, chính sách của Chính phủ, trong thời gian qua, các cảng trọng điểm ở 3 miền như: Cái Lân (Quảng Ninh - miền Bắc); Tiên Sa (Đà Nẵng - miền Trung) và Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu - miền Nam) đã được đầu tư cơ bản bằng nguồn ODA.

Thứ tư, Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho nuôi trồng, khai thác thủy hải sản biển. Trong đó, chi NSNN tập trung vào một số nội dung như: (i) Chi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu của cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2030 khoảng 36.400 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2016-2020 là 16.800 tỷ đồng. Theo đó, ngân sách trung ương đầu tư 100% kinh phí xây dựng các hạng mục thiết yếu của cảng cá loại I, khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng (bao gồm cầu cảng; kè bờ, kè chắn sóng, chắn cát; nạo vét luồng ra vào cảng, vùng nước neo đậu tàu; công trình neo buộc tàu; hệ thống xử lý nước thải; nhà phân loại; nhà điều hành; sân và đường nội bộ; hệ thống đèn chiếu sáng; hệ thống phao tiêu, báo hiệu, đèn tín hiệu; hệ thống thông tin liên lạc chuyên dùng) và đầu tư xây dựng 05 trung tâm nghề cá lớn (cảng cá động lực); (ii) Chi NSNN xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển vùng nuôi trồng thuỷ sản (hệ thống đường, điện, kênh mương, đê bao và cầu cống).

Thứ năm, Nhà nước đầu tư cho một số hoạt động khác nhằm phục vụ phát triển KTB như: Chi cho nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn nhân lực biển; Chi đầu tư cho các hoạt động điều tra, quản lý tài nguyên biển và hải đảo; Hỗ trợ chi phí các thiết kế mẫu tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới, vỏ gỗ khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên; Hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ nhưng không quá 1% giá trị đóng mới tàu vỏ thép có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên theo định mức kinh tế kỹ thuật duy tu, sửa chữa định kỳ; Hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra tàu khai thác hải sản xa bờ và vận chuyển sản phẩm hải sản khai thác xa bờ về đất liền cho các tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên; Bố trí kinh phí nhằm triển khai hoạt động xúc tiến du lịch, xuất khẩu thủy sản…

Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển kinh tế biển ở Việt Nam  - Ảnh 1

Đầu tư từ NSNN chiếm tỷ trọng chủ yếu xây dựng kết cấu hạ tầng KTB và ven biển như đầu tư hệ thống đường giao thông ven biển, phát triển hệ thống cảng biển, hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh bão, hạ tầng vùng nuôi; chi điều tra, quản lý tài nguyên; chi cho nghiên cứu khoa học và đào tạo..., đã góp phần tích cực trong việc hình thành hệ thống giao thông đường bộ ven biển tương đối hiện đại.

Hệ thống cảng biển cơ bản được hình thành tạo nên mạng lưới cảng biển trên toàn quốc với nhiều chức năng khác nhau, bao gồm cảng biển tổng hợp quốc gia, cảng địa phương, khu vực, cảng cửa ngõ cho các vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc-Trung-Nam. Cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy hải sản (hệ thống cảng cá, bến cá, Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu của cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá) được quan tâm đầu tư góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch, nhất là bảo đảm an toàn cho tàu cá vào tránh trú bão, giảm thiểu thiệt hại về người và phương tiện do thiên tai gây ra.

Bên cạnh đó, đầu tư từ NSNN cho điều tra, quản lý tài nguyên biển đảo bước đầu đã thu được những kết quả quan trọng thể hiện qua các phát hiện quan trọng về tiềm năng biển như khoáng sản vật liệu xây dựng, khoáng sản titan ven biển, kim loại đáy biển, các khu vực có biểu hiện khí hydrate, khu vực chứa dầu khí, có giá trị lớn; Dữ liệu về địa chất công trình quanh các đảo, bãi ngầm và một số khu vực ven bờ; Dữ liệu về hiện trạng, tiềm năng tài nguyên đất, tài nguyên nước mặt, tài nguyên nước dưới đất tại một số khu vực ven biển... Qua đó, tạo cơ sở cho việc hoạch định chiến lược cũng như xây dựng các chính sách phát triển KTB.

Vấn đề đặt ra và một số khuyến nghị

Chính sách đầu tư từ NSNN đã góp phần quan trọng trong phát triển KTB, tuy nhiên, thực tế hiện nay, nguồn lực cho cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, phục vụ nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực chủ yếu là nguồn lực công. Điển hình như: Đầu tư của Nhà nước cho đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nói chung và hạ tầng giao thông ven biển nói riêng chiếm tỷ trọng khá lớn và ở mức cao so với các nước trong khu vực (Chi NSNN cho cơ sở hạ tầng: Thái Lan chi hơn 1% GDP; Malaysia gần 2%; Philipinnes hơn 2%; Indonesia gần 3%, trong khi đó, Việt Nam dành đến 5,7% GDP).

Hiện Việt Nam vẫn thiếu những cơ sở hạ tầng giao thông thiết yếu, trong đó 2 nguyên nhân chủ yếu sau: (i) Cơ chế phân bổ ngân sách đầu tư theo hướng đảm bảo phân bổ vốn "công bằng", đảm bảo thực hiện chính sách xã hội “hài hòa” giữa các ngành, vùng, địa phương trong cả nước; (ii) Các chính sách trong thu hút, huy động nguồn lực tài chính, cơ chế tài chính, cơ chế hỗ trợ, chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư chưa được chú trọng nên chưa hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân (Trần Phương Anh (2021).

Nguồn vốn đầu tư vàkhả năng thu hút vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản còn hạn chế, chủ yếu là nguồn từ NSNN dẫn đến hệ thống vận tải kho tàng bảo quản, cơ sở chế biến sau thu hoạch, hệ thống cảng tránh trú bão, hậu cần trên biển… thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Cơ cấu vốn đầu tư chưa hợp lý, tập trung vào kích cung và khâu trực tiếp sản xuất, ít chú ý đến khâu bảo vệ sản xuất, sau thu hoạch và thương mại.

Như vậy, việc dựa chủ yếu vào nguồn vốn từ NSNN để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực biển… trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp cũng phản ánh những tồn tại, hạn chế về nguồn vốn cho phát triển các nền tảng thiết yếu, cũng như những nút thắt trong thu hút các nguồn lực bên ngoài cho phát triển KTB.

Giai đoạn tới, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng.

Trong đó, về KTB, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65-70% GDP cả nước. Các ngành KTB phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển. Vì vậy, trong giai đoạn tới, bên cạnh việc ưu tiên bố trí nguồn từ NSNN cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mạng lưới hậu cần biển, để phát triển KTB theo hướng bền vững, bên cạnh nguồn lực từ NSNN cần hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển KTB. Cụ thể:

Một là, tiếp tục bố trí 100% NSNN cho các hoạt động như điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; kinh phí xây dựng các hạng mục thiết yếu của cảng cá loại I, khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng (bao gồm cầu cảng; kè bờ, kè chắn sóng, chắn cát; nạo vét luồng ra vào cảng, vùng nước neo đậu tàu; công trình neo buộc tàu; hệ thống xử lý nước thải; nhà phân loại; nhà điều hành; sân và đường nội bộ; hệ thống đèn chiếu sáng; hệ thống phao tiêu, báo hiệu, đèn tín hiệu; hệ thống thông tin liên lạc chuyên dùng) và đầu tư xây dựng 05 trung tâm nghề cá lớn (cảng cá động lực); kinh phí xây dựng đối với các hạng mục hạ tầng đầu mối vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; vùng sản xuất giống tập trung.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách nói chung và cơ chế, chính sách tài chính nói riêng nhằm đa dạng hóa các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực từ khu vực tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông ven biển.

Theo đó, một mặt giảm dần sự hỗ trợ từ NSNN, sử dụng vốn đầu tư công làm vốn mồi, mặt khác cần thiết phải thiết lập một cơ chế chia sẻ rủi ro lợi ích hợp lý giữa các bên trong các dự án hạ tầng PPP, áp dụng các công cụ giảm thiểu rủi ro cho các bên, như bảo lãnh, bảo hiểm... nhằm thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân vào các dự án hạ tầng. Cụ thể, ban hành quy định tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế tài chính và chia sẻ doanh thu, trong đó cần bổ sung làm rõ quy định tại khoản 2, Điều 17, Nghị định số 28/2021/ NĐ-CP ngày 26/03/2021 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020...

Ba là, đối với khoa học và công nghệ biển: Tăng cường chi NSNN cho nghiên cứu khoa học và công nghệ biển, đầu tư cải thiện hạ tầng phục vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ biển; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ biển theo hướng chú trọng hiệu quả, tác động của nhiệm vụ khoa học và công nghệ và dựa trên chỉ số đo lường kết quả, hiệu quả đầu ra; linh hoạt và đơn giản hóa thủ tục tuyển chọn nhiệm vụ khoa học và công nghệ, thanh quyết toán tài chính theo thông lệ quốc tế, giảm tối đa các gánh nặng hành chính cho các nhà khoa học. Đồng thời, đa dạng hóa và đẩy mạnh thu hút các nguồn lực bên ngoài cho khoa học và công nghệ biển thông qua việc hoàn thiện cơ chế thúc đẩy “xã hội hóa” đầu tư cho các hoạt động điều tra, nghiên cứu biển, phát triển khoa học và công nghệ biển.

Tài liệu tham khảo:

1. Bùi Tất Thắng (2007), "Quan niệm và giải pháp chủ yếu của chiến lược biển Việt Nam", Tạp chí Lý luận chính trị, (5), tr.18-22;

2. Bùi Nhật Quang (2018), Một số vấn đề về biển và phát triển bền vững kinh tế biển, Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, số12/2018;

3. Đỗ Thị Hà Thương (2016), Huy động vốn đầu tư cho phát triển kinh tế biển tỉnh Thanh Hóa, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Học viện Tài chính;

4. Hoàng Văn Khải (2020), Phát triển kinh tế biển Việt Nam – Tiềm năng và Thách thức, Tạp chí cộng sản (online), https://www.tapchicongsan.org.vn/ web/guest/kinh-te/-/2018/815927/phat-trien-kinh-te-bien-viet-nam-tiem-nang-va-thach-thuc.aspx;

5. Lê Minh Thông (2012), Giải pháp chính sách phát triển kinh tế ven biển của tỉnh Thanh Hoá, Luận án Tiến sĩ kinh doanh và quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân;

6. Nguyễn Đinh Thu Hiền, Đinh Thị Hà Giang (2020), Chính sách thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Thực trạng và giải pháp, Diễn đàn khoa học và công nghệ, Tạp chí khoa học và công nghệ Việt Nam, số 11/2020;

7. Tạ Đình Thi và Nguyễn Mạnh Hùng (2019), Phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ biển: Một trong ba khâu đột phá chiến lược để Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, Tp chCộng sn: https://www.tapchicongsan. org.vn/kinh-te/-/2018/815441/phat-trien-va-ung-dung-khoa-hoc---cong-nghe-bien--mot-trong-ba-khau-dot-pha-chien-luoc-de-viet-nam-tro-thanh-quoc-gia-manh-ve-bien.aspx.

 (*) ThS. Lê Minh Hương - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính.

(**) Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2021.