Đầu tư và đổi mới tư duy để cạnh tranh
Theo các chuyên gia, việc đẩy mạnh đầu tư sẽ giúp tăng uy tín doanh nghiệp, hạ giá thành sản phẩm… Từ đó mới có thể cạnh tranh trên thị trường, nhất là cạnh tranh đối với các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài.
Từ việc thay tập trung đầu tư để cạnh tranh
Theo đó, để vượt qua vụ việc “lùm xùm” về chất lượng sản phẩm xúc xích, Công ty Việt Sin mới đây đã cam kết với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm thông qua việc đầu tư xây dựng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm như quy trình quản lý nhà máy sản xuất tiêu chuẩn ISO 9001:2008, ISO 22000 và tiêu chuẩn HACCP do tổ chức URS của Vương Quốc Anh cấp.
“Đây là những cố gắng của công ty để cam kết với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm của mình”, bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Việt Sin cho biết.
Ngược lại, nắm bắt thị trường từ rất sớm, Công ty Ba Huân đã có những đầu tư rất mạnh và sớm đứng vững được trên thị trường. Theo đó, trước đại dịch cúm gia cầm H5N1 đầu năm 2000, doanh nghiệp đã quyết định nhập về Việt Nam công nghệ xử lý trứng được xem là đứng hàng đầu thế giới: Hệ thống thiết bị xử lý trứng gia cầm của Tập đoàn Moba (Hà Lan), giúp quy trình xử lý trứng gia cầm được tự động hóa 100%.
Bên cạnh đó, Công ty Ba Huân cũng mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại mới theo tiêu chuẩn công nghệ tiên tiến. Điều này đã giúp công ty vượt qua khủng hoảng của thị trường và đạt được bước phát triển như ngày hôm nay, ông Phạm Thanh Hùng, Phó giám đốc Công ty Ba Huân cho biết.
Hiện tại, doanh nghiệp đã hoàn chỉnh chuỗi “an toàn vệ sinh thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn” bao gồm trang trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao quy mô 18 ha, tổng đàn 1.000.000 con; nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công suất 20 tấn/giờ tại Tân Uyên, Bình Dương; Nhà máy xử lý trứng gia cầm quy mô 2ha, công suất 185.000 trứng/giờ tại Bình Chánh; Nhà máy chế biến thực phẩm quy mô 5ha, tổng công suất 50 tấn/ngày tại Đức Hòa, Long An.
Đến thay đổi tư duy
Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh (AGTEK), xuất khẩu dệt may các tháng đầu năm sụt giảm so với cùng kỳ các năm. Nếu như các năm trước, tăng trưởng xuất khẩu đạt khoảng 10% thì năm nay chỉ đạt 5,3-5,5% so với cùng kỳ.
Ba thị trường lớn là Mỹ, châu Âu và Nhật không kích thích người tiêu dùng cộng thêm với sự cạnh tranh giữa các nước trong khu vực như Campuchia, Myanma dẫn đến có sự dịch chuyển đơn hàng, ông Hồng cho biết.
Để các doanh nghiệp có thể cạnh tranh được trong thời gian tới thì cần có sự đổi mới, đầu tư máy móc thiết bị để hạ giá thành, bên cạnh đó cần chuyển hướng cạnh tranh sang làm FOB (mua nguyên liệu, tự sản xuất và bán hàng trực tiếp không qua trung gian), bởi làm gia công hiện nay có lời là cực kỳ khó.
Ví dụ như doanh nghiệp dệt may tại Campuchia, họ đầu tư rất bài bản và quy mô lớn, như thế họ mới có thể cạnh tranh được với Việt Nam - một thị trường được đánh giá là có nhiều kinh nghiệm trong xuất khẩu dệt may, ông Hồng cho biết. Khi doanh nghiệp dệt may Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ nếu không thay đổi tư duy sản xuất thì sẽ rất khó cạnh tranh được trên thị trường nhất là khi TPP có hiệu lực.
Ông Bùi Quang Tín, chuyên gia Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, các doanh nghiệp ngoài việc thay đổi công nghệ sản xuất cần phải thay đổi tư duy liên kết. Theo đó, để đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại, doanh nghiệp trong nước cần chuẩn bị cho mình một kênh phân phối riêng, điều này đồng nghĩa các doanh nghiệp phải liên kết với nhau để tạo một chuỗi cung ứng từ sản xuất đến thương mại.
Con đường duy nhất lúc này cho doanh nghiệp nội đó chính là phải nâng tầm chất lượng sản phẩm và dịch vụ, từ đó mới có thể tiếp tục tạo dựng thành công thương hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Qua đó để kích cầu tiêu dùng với mục tiêu “Người Việt dùng hàng Việt”, nhà sản xuất trong nước cũng cần thực hiện điều đó.
Cụ thể, cần xây dựng một lộ trình bài bản và gây ấn tượng mạnh cho người tiêu dùng với việc sử dụng chủ đạo các nguồn lực trong nước, ông Nguyễn Quốc Việt, Khoa Tài chính Ngân hàng (Đại học Quốc gia Hà Nội), đề xuất.