Đẩy mạnh cải cách khu vực DNNN: Từ tư duy đến hành động

PV.

(Tài chính) Ngày 08/11/2012 tại Hà Nội, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) đã phối hợp với tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) thực hiện “Diễn đàn đẩy mạnh cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước: tư duy và hành động”.

Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam Meyer Wiefhausen phát biểu tại diễn đàn
Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam Meyer Wiefhausen phát biểu tại diễn đàn

DNNN có vái trò rất quan trọng trong việc đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển. Với vai trò là chủ đạo, không ai khác chỉ có DNNN mới có thể đưa Việt Nam tránh được “bẫy thu nhập trung bình”. Đây cũng là cách để các DNNN dẫn dắt các DN khu vực tư nhân thoát khỏi tình trạng “bế tắc công nghệ” như hiện nay... Tuy nhiên, để phù hợp với tình hình phát triển mới của đất nước, việc cải cách khu vực DNNN đã trở thành nhu cầu bức thiết, làm thế nào để các DNNN phát triển đúng hướng là vấn đề cần phải bàn đến. Và điều quan trọng là chúng ta cần biến tư duy thành hành động.

Tại Diễn đàn, 8 vấn đề chính đã được các diễn giả đưa ra phân tích và thảo luận sôi nổi: Đổi mới vai trò, vị trí DNNN và ngành, lĩnh vực hoạt động của DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước; Đối mới quản trị tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước; Đa dạng hóa sở hữu DNNN: thực trạng và những vấn đề đặt ra; Quan hệ giữa cải cách DNNN và sự phát triển của khu vực tư nhân: Thực trạng và những vấn đề đặt ra; Hoàn thiện chính sách, cơ chế quản lý tài chính để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN; Đổi mới cơ chế quản lý và phương thức thực hiện cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích để thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế; Đổi mới cơ chế quản lý tiền lương, thu nhập của người lao động, viên chức quản lý điều hành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN và tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của nhà nước trong lĩnh vực tiền lương.

Các diễn giả cho rằng, để nâng cao hiệu quả cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước cần hoàn thiện khung thể chế về DNNN. Tách bạch rõ chức năng chủ sở hữu nhà nước và chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành đối với tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐKTNN), tổng công ty nhà nước, DNNN. Việc tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong việc giải quyết các vấn đề của TĐKTNN, DNNN là cần thiết. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực và tăng cường quyền hạn, trách nhiệm của hội đồng thành viên/hội đồng quản trị, Kiểm soát viên/Ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ và những người đại diện phần vốn nhà nước giao cho…

Theo TS. Trần Tiến Cường , Viện Quản lý Kinh tế TW (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), việc sử dụng DNNN với vai trò làm công cụ điều tiết vĩ mô, bình ổn thị trường có vẻ phù hợp hơn với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung thay vì trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Việc lạm dụng vai trò này của DNNN làm cho thị trường bị méo mó, bóp méo tín hiệu giá thị trường, đồng thời DNNN cũng không bình đẳng với doanh nghiệp ngoài quốc doanh – hoặc DNNN có lợi thế hơn do vị thế độc quyền… Cho nên, chỉ nên sử dụng vị trí này của DNNN như là công cụ hỗ trợ cùng với công cụ chủ yếu là chính sách vĩ mô để điều tiết, ổn định nền kinh tế. “Cần đổi mới tư duy sử dụng DNNN làm công cụ điều tiết kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường sử dụng các chính sách vĩ mô làm công cụ điều tiết thay cho sử dụng DNNN” – TS. Cường nhấn mạnh.

TS. Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) đề xuất mô hình tổ chức thực hiện quản lý của chủ sở hữu. Theo ông Hùng, quá trình sắp xếp còn đòi hỏi thời gian, ít nhất từ 5 đến 19 năm tới nên phương án tăng cường sự phân công, phân cấp cho bộ máy quản lý hiện nay, gắn với xác định rõ vai trò trách nhiệm cụ thể là cần thiết. Song song với việc phân công, phân cấp, cần đẩy mạnh hoạt động đánh giá, giám sát của các Bộ tổng hợp như: tài chính, kế hoạch và đầu tư, nội vụ, lao động thương binh xã hội và thanh tra. Đồng thời, với quá trình thu hẹp dần và sắp xếp gọn đầu mối, nên nghiên cứu áp dụng mô hình tách riêng cơ quan quản lý tập trung đối với các doanh nghiệp có mục đích kinh doanh là chủ yếu.

TS. Trần Thị Thanh Hồng, Hàm Vụ trưởng Vụ Kinh tế (VP TW Đảng) cho rằng: Nên tiếp tục theo hướng mở cửa các thị trường độc quyền, tiến tới xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp trên các lĩnh vực độc quyền tự nhiên, thực hiện giám sát độc lập và có hiệu lực đối với các doanh nghiệp độc quyền, các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, loại bỏ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Các công ty độc quyền phải được điều tiết bởi các cơ quan độc lập chịu trách nhiệm trước công chúng và không có lợi ích chính trị hay kinh tế đối với sự thành công hay thất bại của công ty. Những doanh nghiệp nhà nước có lợi thế do Nhà nước giao, có ưu thế độc quyền tự nhiên phải được quản lý theo cơ chế phù hợp để đảm bảo điều kiện công bằng với các doanh nghiệp khác.

Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện nhiều chính sách để tái cơ cấu nền kinh tế. Một số mục tiêu cụ thể đã được định hướng. Để đạt được mục tiêu, việc cải cách DNNN và tái cấu trúc các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chính là việc phải tạo ra được môi trường và chính sách hỗ trợ thuận lợi để các DN xác định được chiến lược kinh doanh và nguồn lực để phát triển.