Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hệ thống an sinh xã hội bền vững

NCS. Đào Đức Quảng - Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp

Để cắt giảm thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân khi giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội, thời gian qua, ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ. Trên cơ sở kết quả đạt được, thời gian tới, ngành BHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, xây dựng hệ thống an sinh xã hội bền vững hướng tới phục vụ đối tượng tham gia BHXH , bảo hiểm y tế ngày càng tốt hơn.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Chuyển biến tích cực trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số

Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Theo thống kê, toàn ngành BHXH Việt Nam có gần 30 hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin quản lý các quy trình nghiệp vụ, với hơn 20 nghìn tài khoản thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ quản lý dữ liệu của Ngành.

Ngành BHXH Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu của trên 98,7 triệu người dân; kết nối liên thông với gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh; có khoảng trên 620.000 tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc. Hệ thống giao dịch BHXH điện tử và Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế (BHYT) hàng năm tiếp nhận khoảng 300 triệu hồ sơ giao dịch trực tuyến.

Đến tháng 5/2023, BHXH Việt Nam đã trở thành đơn vị đầu tiên kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngay khi được đưa vào vận hành chính thức. Hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực cho 83.477.695 thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu, do BHXH Việt Nam quản lý với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cung cấp 107.157.011 bản ghi thông tin về BHYT với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai các giải pháp kỹ thuật đảm bảo từng bước sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chip, ứng dụng định danh điện tử quốc gia thay thế thẻ BHYT giấy để khám bệnh, chữa bệnh BHYT; chỉ đạo BHXH các tỉnh đẩy mạnh triển khai sử dụng căn cước công dân gắn chip trong khám chữa bệnh BHYT.

Hiện nay, toàn quốc đã có 12.427 cơ sở khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip (đạt 96,99% tổng số cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc), với 25.738.015 lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân thành công phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT.

Bên cạnh kết quả trên, BHXH Việt Nam đã triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đến nay, hệ thống của BHXH Việt Nam đã tiếp nhận, gia hạn cho 1.301 thẻ BHYT thực hiện giao dịch qua Cổng này. Đáng chú ý, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan triển khai, nâng cấp phần mềm, chia sẻ, kết nối với Phần mềm dịch vụ công liên thông, đáp ứng yêu cầu cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và giải quyết hưởng trợ cấp mai táng thuộc các nhóm dịch vụ công liên thông "Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi" và "Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí".

Nhằm tạo thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng chính sách, BHXH Việt Nam đã hoàn thành số hóa tất cả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, nâng cấp hệ thống phần mềm triển khai cấp bản điện tử sổ BHXH, thẻ BHYT; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam và sửa đổi, bổ sung Điều 1 của Quyết định số 505/QĐ-BHXH ngày 27/3/2020 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Hiện nay, 100% dịch vụ công thuộc 25 thủ tục hành chính đủ điều kiện đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (trước đây được gọi là dịch vụ công mức độ 4). Cung cấp dịch vụ công trên nhiều nền tảng, hình thức: Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Ứng dụng VssID - BHXH số, tổ chức IVAN, VNPOST...

Năm 2022, toàn ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận trên 96 triệu hồ sơ giao dịch điện tử thông qua hệ thống giao dịch điện tử (chiếm khoảng 86% tổng số hồ sơ cả trực tuyến và trực tiếp). Tính riêng từ đầu năm 2023 đến tháng 5/2023 đã có khoảng gần 20 triệu hồ sơ giao dịch điện tử được tiếp nhận và xử lý trên hệ thống này…

Để đạt được những kết quả trên, thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, để thay đổi thói quen cho cán bộ, người dân, doanh nghiệp được hưởng những tiện ích nhanh chóng từ chính sách BHXH, BHYT. Cùng với đó, cơ quan BHXH ưu tiên tập trung xây dựng, làm giàu dữ liệu đúng với yêu cầu, tạo nền tảng để khai thác, triển khai các hoạt động nghiệp vụ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đầu tư cả hạ tầng, phần mềm, cơ sở dữ liệu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam trong tình hình mới.

Đến tháng 5/2023, BHXH Việt Nam đã trở thành đơn vị đầu tiên kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngay khi được đưa vào vận hành chính thức. Hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực 83.477.695 thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu do BHXH Việt Nam quản lý với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cung cấp 107.157.011 bản ghi thông tin về BHYT với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nhìn chung, việc triển khai số hóa tất cả kết quả giải quyết thủ tục hành chính và việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu, cung cấp dịch vụ công trực tuyến của BHXH Việt Nam không chỉ giúp nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, chất lượng phục vụ của Ngành, mà còn giảm thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân khi giao dịch với cơ quan BHXH, góp phần xây dựng thành công Chính phủ số. Sự nỗ lực và các kết quả tích cực đạt được của ngành BHXH Việt Nam trong những năm qua đã được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, người dân ghi nhận, đánh giá cao. Đây là động lực quan trọng để cơ quan BHXH các cấp tiếp tục phát huy nền tảng của công nghệ thông tin để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.

Đẩy mạnh chuyển đổi số hướng tới hình thành ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam số

Xác định chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, để đổi mới căn bản phương thức hoạt động của ngành BHXH Việt Nam, góp phần xây dựng thành công Chính phủ số. Để đạt mục tiêu đề ra và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, cũng như gắn việc chuyển đổi số vào các hoạt động nghiệp vụ của ngành BHXH Việt Nam, thời gian tới, cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số theo hướng toàn diện, ưu tiên triển khai các dịch vụ công trực tuyến để người dân, người lao động, doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp ở mọi lúc, mọi nơi.

Hai là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế để xây dựng Đề án tổng thể về chuyển đổi số; Hình thành ngành BHXH Việt Nam số với nguồn nhân lực số chất lượng cao.

Ba là, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các phần mềm để đáp ứng các quy trình nghiệp vụ, đảm bảo 100% phần mềm được liên thông theo quy định; Hoàn chỉnh hệ thống thông tin quản lý, triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành liên quan; góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số tại Việt Nam.

Bốn là, hoàn thiện các trung tâm dữ liệu của ngành BHXH Việt Nam, ưu tiên ứng dụng các công nghệ (như: AI, BigData, Cloud Computing...) làm nền tảng cho phát triển ứng dụng, dịch vụ mới để mang lại hiệu quả trong quản lý, xây dựng thành công ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp.

Năm là, đẩy mạnh triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong từng lĩnh vực công tác của Ngành với lộ trình theo từng phân kỳ, giai đoạn cụ thể. Trong đó, trọng tâm là hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới (định danh trực tuyến - eKYC; liên kết tài khoản, ứng dụng ví điện tử để thanh toán, chi trả chế độ, chính sách…) để hoàn thiện "hệ sinh thái BHXH 4.0".

Sáu là, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bảo đảm thuận tiện nhất cho doanh nghiệp, người dân; đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua các tổ chức dịch vụ công, chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ...Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hệ thống an sinh xã hội bền vững - Ảnh 1

 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2023