Vai trò của công nghệ tài chính trong bối cảnh chuyển đổi số và đại dịch COVID-19

PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam

Thuật ngữ công nghệ tài chính (Fintech) đã khá phổ biến với người dân trên thế giới, nhất là từ sau đại dịch COVID-19. Trên cơ sở điểm lại sự phát triển của Fintech, bài viết làm rõ vai trò của Fintech trong bối cảnh thúc đẩy chuyển đổi số đang gia tăng mạnh mẽ cả ở khu vực công và khu vực tư. Tuy nhiên, thế giới còn có nhiều lo ngại về Fintech như vấn đề về an toàn cho thị trường tài chính, về bảo vệ người tiêu dùng và một số lo ngại khác.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sự phát triển của Fintech trong bối cảnh chuyển đổi số và đại dịch COVID-19

Có thể chia sự phát triển của Fintech làm 3 giai đoạn:

Toàn cầu hoá tài chính giai đoạn 1866 - 1987 được đánh giá là giai đoạn Fintech 1.0 với máy rút tiền tự động (ATM) ra đời vào năm 1967 bởi Ngân hàng Barclays (Thomas Lerner, 2013). Tiếp đó, dịch vụ ngân hàng tại nhà (Home Banking) được giới thiệu bởi ngân hàng Citibank và Chase Manhattan năm 1981.

Giai đoạn Fintech 2.0 là khoảng từ năm 1987 đến trước đại dịch COVID-19 với sự phát triển của các dịch vụ tài chính kỹ thuật số truyền thống và công nghệ để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính (Douglas và cộng sự, 2015). Giai đoạn này, Internet đã làm thay đổi mạnh mẽ thị trường tài chính với sự phát triển của tài chính điện tử (E-Finance) trên tất cả các hình thức dịch vụ tài chính như ngân hàng, bảo hiểm, giao dịch chứng khoán... Các mô hình kinh doanh điện tử tài chính nổi lên vào những năm 1990 phải kể đến là ngân hàng trực tuyến (giới thiệu lần đầu tiên bởi Stanford Credit Union), giao dịch môi giới trực tuyến, thanh toán di động và ngân hàng qua điện thoại di động.

Giai đoạn từ 2009 đến nay là Fintech 3.0. Cùng sự phát triển bùng nổ của công nghệ số, Fintech thực sự trở thành một hiện tượng trên thị trường tài chính. Đầu tư vào Fintech ban đầu tập trung chủ yếu tại các thị trường phát triển như Mỹ, châu Âu, nhưng hiện đang có xu hướng chuyển dịch sang các thị trường mới nổi ở châu Á. Ở châu Á, Singapore dẫn đầu trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực Fintech, giúp nước này duy trì vị thế hàng đầu trong lĩnh vực tài chính và công nghệ, đồng thời trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều biến động.

Có 4 nguyên nhân chính giải thích cho sự phát triển của Fintech như sau:

Một là, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã lấy đi niềm tin của thị trường vào những ngân hàng lớn. Lý do đằng sau sự phát triển của các công ty Fintech trên toàn thế giới là kết quả của nhiều xu hướng như sự suy giảm niềm tin của người dân trong hệ thống tài chính, sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng đi kèm với sự thay đổi trong các thế hệ; mức độ số hóa đi cùng kinh tế số và sự minh bạch của thị trường nhờ công nghệ ngày càng cao (Nicoletti, 2017). Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 cũng làm nhiều người mất việc làm, trong đó có nhiều chuyên gia tài chính. Lực lượng lao động có trình độ không được sử dụng đúng mức này đã tìm ra một ngành mới để áp dụng kỹ năng của mình, chính là Fintech. Hơn thế, tại Mỹ, Đạo luật Khởi nghiệp (Jump Start Our Business Act – JOBs, 2012) nhằm giải quyết thất nghiệp và thúc đẩy sáng tạo khởi nghiệp bằng cách đa dạng hóa cách thức gọi vốn cho hoạt động kinh doanh, cung cấp tín dụng đã khuyến khích cơ chế sáng tạo mang tên Fintech.

Hai là, trải nghiệm công nghệ số tiện ích do các công ty công nghệ lớn như: Google, Amazon, Facebook, Apple… cung cấp ở các lĩnh vực khác nhau ngày càng cao đã đẩy sự kỳ vọng của khách hàng đối với dịch vụ tài chính cũng tăng lên theo. Thị trường mong đợi những dịch vụ mới có chất lượng tương đương, cho phép cá nhân hóa và số hóa các tương tác của khách hàng từ các nhà cung cấp dịch vụ.

Ba là, rào cản gia nhập thị trường đối với các công ty Fintech tương đối thấp do 3 lý do chính: Tận dụng được cơ hội và lợi thế của công nghệ mới và các dịch vụ sẵn có trên điện toán đám mây, giao diện lập trình ứng dụng (API) để tiết kiệm chi phí đầu tư; Luật lệ và quy định về công ty Fintech cũng chưa bị ràng buộc chặt chẽ về vốn, hoạt động như các định chế tài chính truyền thống; Chi phí khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ đang ngày một giảm trong khi Fintech đang ngày càng hấp dẫn với các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Bốn là, sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội là xu thế thúc đẩy cả hai phía cầu và cung về Fintech. Các ứng dụng điện tử, mô hình hỗ trợ vốn từ thị trường và marketing số (digital marketing) tạo ra lợi thế cạnh tranh cho Fintech so với các nền tảng tài chính truyền thống như thanh toán một chạm, thậm chí là không chạm giúp giảm thời gian thanh toán xuống, thậm chí chỉ còn vài giây; dữ liệu lớn cho phép tăng doanh số bán hàng nhờ vào kết hợp phân tích và tiếp thị sản phẩm mới trên thị trường; cải tiến dịch vụ, quy trình truyền thống hiệu quả và minh bạch hơn…

Đặc biệt, giai đoạn xảy ra đại dịch COVID-19, Fintech đã phát triển mạnh trên khắp các lĩnh vực. Lý do là bởi những lo ngại về sức khỏe khi tiếp xúc trong bối cảnh COVID-19, lo ngại giao tiền trao tay dễ lây truyền virus đã khiến việc thanh toán bằng tiền mặt ít được ưa chuộng, mở ra cánh cửa cho sự gia tăng thanh toán kỹ thuật số và ví điện tử. Sau đó, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng, giãn cách cũng đã thúc đẩy công nghệ gia tăng phục vụ con người và Fintech cũng không nằm ngoài cơ hội này.

Ngân hàng Thế giới và Đại học Cambridge (2020) đã tiến hành khảo sát 118 ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý tài chính khác từ tháng 6 – 8/2020 để đánh giá phản ứng của các cơ quan này trước đại dịch COVID-19. Kết quả cho thấy, từ khi đại dịch bùng phát, phần lớn các cơ quan quản lý đã tăng tốc việc đổi mới những quy định hiện có hoặc đưa ra các sáng kiến mới về Fintech. Trong các dịch vụ thì thanh toán được chỉ ra là thay đổi mạnh nhất và việc sử dụng Fintech ở các nền kinh tế tiên tiến cao hơn so với thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.

Những năm gần đây, lĩnh vực Fintech Việt Nam đã thể hiện được tiềm năng to lớn. Theo Bảng xếp hạng trung tâm Fintech toàn cầu năm 2021, điểm Fintech của Việt Nam xếp hạng 70 thế giới, trong đó TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội xếp lần lượt thứ 28 và 33 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Báo cáo của UOB và Hiệp hội Fintech Singapore công bố vào tháng 11/2021 cho thấy, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 3 trong số các quốc gia khu vực ASEAN về khả năng thu hút vốn vào các dự án khởi nghiệp lĩnh vực Fintech.

Vai trò của Fintech qua đại dịch COVID-19 đối với sự phát triển của nền kinh tế xã hội

Ban đầu, có nhiều dự đoán là Fintech như bao lĩnh vực khác cũng sẽ bị gián đoạn do COVID-19, tuy nhiên, thực tế cho thấy điểm khác biệt, không những gián đoạn mà các dịch vụ tài chính kỹ thuật số đã tạo ra bộ mặt mới cho thị trường tài chính. Hầu hết các công ty và các dịch vụ Fintech đã chứng tỏ khả năng phục hồi và khả năng xử lý các khó khăn tài chính rất tốt do cho phép mọi hoạt động có thể thực hiện online. Bối cảnh chuyển đổi số, đặc biệt là nhân tố đại dịch đã làm Fintech có cơ hội thể hiện hết các vai trò của nó, cụ thể:

Một là, tạo điều kiện để thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ cho kinh tế - xã hội cân bằng hơn, chống lại và vượt qua đại dịch nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự tính, với khoảng 1,7 tỷ người không có tài khoản ngân hàng trên toàn thế giới thì Fintech sẽ đóng vai trò trung tâm để tích hợp họ vào hệ thống ngân hàng toàn cầu và qua đây sẽ giúp giảm thiểu tác động kinh tế và xã hội của đại dịch. Theo Deloitte, khi khung pháp lý hoàn chỉnh, Fintech có thể giúp dân chủ hóa các dịch vụ tài chính bằng cách cung cấp các dịch vụ tài chính cơ bản một cách công bằng và minh bạch cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương về kinh tế. WB cũng cho thấy, ít nhất 58 chính phủ ở các nước đang phát triển đã sử dụng thanh toán kỹ thuật số để cung cấp cứu trợ COVID-19. Nghiên cứu của GPFI và WB (2021) cũng chỉ ra, COVID-19 đã đẩy nhanh các phương thức thanh toán kỹ thuật số, mở rộng quyền truy cập toàn diện vào các dịch vụ tài chính để hỗ trợ chống đại dịch và các nhóm yếu thế.

ADB (2022) cho rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong 2 thập kỷ qua gắn liền với toàn cầu hóa và dưới thời COVID-19 thì có thể chia toàn cầu hóa thành 2 loại: loại bao gồm các chuyển động vật lý của con người, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư… từ nước này sang nước khác và loại thứ hai thuộc về công nghệ kỹ thuật số, bao gồm việc sử dụng internet, thanh toán kỹ thuật số, thương mại điện tử và tiền điện tử. Các biện pháp để chống lại sự lây lan của COVID-19 có thể tạo ra rào cản cho tiến trình toàn cầu hóa của nhóm thứ nhất (do sự gián đoạn của các hoạt động du lịch, các hoạt động liên kết quốc tế, hạn chế thương mại hàng hóa và dịch vụ, đứt gãy các chuỗi cung ứng…) làm ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của nhóm thứ hai lại có thể bù đắp cho các thiệt hại này.

Hai là, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Fintech đã tạo cơ hội cho một số ngành mới, lĩnh vực mới phát triển để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.

Reuters (2020) cho rằng, đại dịch COVID-19 thậm chí còn thúc đẩy Fintech với minh chứng ở khắp các nước như thúc đẩy tăng trưởng điện thoại di động ở Tây Phi; thúc đẩy thương mại điện tử ở Peru, nơi 4 trong số 10 đơn đặt hàng tại cửa hàng đến từ những khách hàng mới, đại diện cho hơn 5 triệu người dùng mới (PéruRetail 2020). Nó cũng thúc đẩy các giao dịch thương mại điện tử ở Pakistan (Pakistan Today 2020) và thúc đẩy hoạt động cho vay Fintech đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Nhật Bản (Japan Times 2020).

Ba là, Fintech đã giúp các chính phủ thực hiện tốt hơn các dịch vụ công, thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua các khó khăn trong đại dịch COVID-19.

Didenko và cộng sự (2020) cho rằng, các loại tiền kỹ thuật số ổn định (ví dụ: LIBRA và đồng nhân dân tệ kỹ thuật số) và COVID-19 có thể cách mạng hóa hệ thống thanh toán toàn cầu. Chính phủ có thể sử dụng các loại tiền kỹ thuật số ổn định làm phương tiện mua sắm công và trợ cấp để qua mặt các ngân hàng thương mại vào những thời điểm quan trọng, chẳng hạn như đại dịch COVID-19.

Davidovic và cộng sự (2020) đã thảo luận về việc sử dụng các nền tảng di động để chuyển giao từ chính phủ sang người dân (G2P) ở 57 quốc gia trong đại dịch COVID-19. Nghiên cứu cho rằng khả năng của các chính phủ trong việc tiếp cận người lao động và hộ gia đình với sự hỗ trợ huyết mạch giữa các quốc gia tùy thuộc vào sự sẵn có của 3 thành phần phân phối cơ bản: (i) hệ thống nhận dạng chung; (ii) dữ liệu kinh tế xã hội về hộ gia đình; (iii) phương thức giao hàng. Họ phát hiện ra rằng, một số quốc gia như Brazil, Togo, Peru và Nigeria đã sử dụng dịch vụ chuyển giao di động G2P để khắc phục những điểm yếu của cơ sở hạ tầng chuyển phát.

WB và Cambridge University (2020) cũng chỉ ra, Fintech đã hỗ trợ rất lớn trong cứu trợ cho đại dịch, trong đó đã hỗ trợ nhiều hơn ở các nước đang phát triển và có 3 lĩnh vực được Fintech hỗ trợ mạnh nhất là thanh toán kỹ thuật số và chuyển tiền, chăm sóc sức khỏe và phân phối tài trợ cứu trợ/kích thích của chính phủ.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra các lo ngại khi sử dụng Fintech như các vấn đề về bảo vệ người tiêu dùng, an ninh mạng, gian lận hay lừa đảo. Về mặt vĩ mô, có thể xuất hiện các rủi ro cho hệ thống, tín dụng, cho công tác chống rửa tiền và chống nguy cơ khủng bố; Hoặc cũng có những cảnh báo về việc có thể có một số nhóm yếu thế sẽ bị tụt hậu khi dùng các dịch vụ này do vấn đề kém hiểu biết, đọc hay hiểu nó (GPFI và WB, 2021).

Kết luận

Đến nay, vẫn còn nhiều nhiều bàn cãi xung quanh các nguyên nhân dẫn đến việc phát triển của Fintech nhưng dù nguyên nhân chính là do cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 hay do đại dịch COVID-19 thì điều không thể phủ nhận được là Fintech đã có bước phát triển vượt bậc. Fintech không chỉ làm cho xã hội đỡ tốn kém chi phí hơn, con người (nhất là các nhóm yếu thế) được tiếp cận các dịch vụ nhanh hơn, dễ dàng hơn mà nó còn giúp cho chính phủ các nước có thể dùng nó như một công cụ trợ giúp đắc lực trong đại dịch COVID-19 hỗ trợ chống dịch, để giữ được nhịp sống của nền kinh tế. Cho dù còn nhiều điểm lo ngại về việc phát triển Fintech nhưng nó vẫn được dự báo là một trong các lĩnh vực phát triển rất nhanh trên thế giới và cả ở Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

  1. Minh Hạnh. (2018). Công nghệ thực tế ảo và xu hướng phát triển ở Việt Nam. https://laodong.vn/so-tay-kinh-te/cong-nghe-thuc-te-ao-va-xu-huong-phat-trien-tai-viet-nam-586167.ldo;
  2. Annette Mackenzie. (2015). The FinTech Revolution. London Business School. https://doi.org/10.1111/2057-1615.12059;
  3. BCBS (Ủy ban giám sát ngân hàng Basel - Basel Committee on Banking Supervision). Implications of Fintech developments for banks and bank supervisors. Bank for International Settlements, February 2018;
  4. Davidovich, S., S. Nunhuck, D. Prady, and H. Tourpe. 2020. Beyond the COVID-19 Crisis: A Framework for Sustainable Government-To- Person Mobile Money Transfers. IMF Working Paper WP/20/198. Washington, DC: International Monetary Fund;
  5. https://www.imf .org/en/Publications/ WP/Issues/2020/09/25/Beyond-the -COVID-19-Crisis-A-Framework-for-Sustainable-Government-To -Person-Mobile-Money-49767;
  6. Deloitte. (2017). The Connecting Global FinTech: Interim Hub Review 2017. https://www2.deloitte.com/content/dam/Deloitte/uk/Documents/Innovation/deloitte-uk-connecting-global-fintech-hub-federation-innotribe-innovate-finance.pdf;
  7. Didenko, A. N., D. A. Zetzsche, D. W. Arner, and R. P. Buckley. 2020. After Libra, Digital Yuan and COVID-19: Central Bank Digital Currencies and the New World of Money and Payment Systems. University of Hong Kong Faculty of Law Research Paper No. 2020/053. http://dx.doi.org/10.2139/ssrn.3714386;
  8. Doulas W.A, Janos N.B vaf Ross P.B. (2015). The evolution of Fintech: A new post - crisis paradigm.University of Hong Kong Faculty of Law Research Paper No. 2015/047, UNSW Law Research Paper No. 2016-62;
  9. GPFI and WB. (2021). The impact of COVID-19 on digital financial inclusionhttps://www.gpfi.org/sites/gpfi/files/sites/default/files/5_WB%20Report_The%20impact%20of%20COVID-19%20on%20digital%20financial%20inclusion.pdf;
  10. Erel, I. and J. Liebersohn. 2020. Does Fintech Substitute for Banks? Evidence from Payacheck Protection Program. NBER Working Paper 27659. Cambridge, MA, US: National Bureau of Economic Research. https://www.nber.org/papers/w27659;
  11. WB & Cambridge University (2020), The Global Covid-19 FinTech Regulatory Rapid Assessment Study https://www.jbs.cam.ac.uk/wp-content/uploads/2020/10/2020-ccaf-report-fintech-regulatory-rapid-assessment.pdf