Đẩy mạnh, gắn chặt khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với làm kinh tế liêm chính
Chiều 1/10, tại Hà Nội, phiên làm việc chính thức của Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp quốc gia năm 2022 đã diễn ra với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Diễn đàn năm nay có chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp cùng đất nước phục hồi và phát triển sau đại dịch”.
Diễn đàn do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) phối hợp tổ chức, với mục tiêu tạo động lực thúc đẩy đất nước vượt lên thách thức sau đại dịch, phát triển bền vững với tầm nhìn năm 2045.
Hơn 3.000 lượt đề xuất, góp ý của thanh niên khởi nghiệp
Theo Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Ngọc Lương, để chuẩn bị cho Diễn đàn, Ban tổ chức đã phối hợp các đơn vị liên quan triển khai nhiều diễn đàn, hội nghị, hoạt động khảo sát ý kiến nhằm tham vấn cộng đồng khởi nghiệp, doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia trong và ngoài nước… thu hút hơn 1.000 lượt thanh niên khởi nghiệp tham gia, ghi nhận hơn 3.000 lượt đề xuất, góp ý của cộng đồng thanh niên khởi nghiệp.
Với chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp cùng đất nước phục hồi và phát triển sau đại dịch”, diễn đàn có sự tham gia của 500 đại biểu chính thức là hội viên Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, thanh niên, sinh viên, doanh nhân trẻ đang có dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đại diện các trung tâm hỗ trợ, vườn ươm tạo khởi nghiệp, mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam ở nước ngoài…
Phiên chính thức của Diễn đàn gồm các chương trình: đối thoại “Thanh niên khởi nghiệp cùng đất nước phục hồi và phát triển sau đại dịch”, “Cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam”, “Hiến kế giải pháp để thanh niên khởi nghiệp tham gia giải quyết những bài toán lớn của kinh tế đất nước”.
Liên quan đến các cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, các đại biểu đã đặt vấn đề về cơ chế đột phá cho đầu tư, thoái vốn, rút, chuyển nhượng vốn nhanh chóng, cơ chế đột phá trong thu hút, trao đổi nguồn nhân lực chất lượng cao cho khởi nghiệp sáng tạo; cải thiện quy trình, thủ tục thu hút, phát triển công nghiệp nội dung số; hạn chế của hệ thống giấy phép, yêu cầu hành chính trong khởi nghiệp.
Từ đó, các đại biểu đã đóng góp nhiều giải pháp về thanh niên khởi nghiệp sáng tạo thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; đề xuất mô hình phổ biến công nghệ, đào tạo ứng dụng công nghệ diện rộng cho thanh niên gắn với tăng hàm lượng tri thức trong phát triển sản phẩm nông nghiệp; cơ chế hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cung cấp sản phẩm dịch vụ trong chuỗi cung ứng toàn cầu…
Sau phần đối thoại của đại diện các bộ, ngành, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2022-2027 nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, kiến thức và phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp vào quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.
Không gian mở về cơ chế, chính sách
Trước đó sáng cùng ngày, trong khuôn khổ Diễn đàn cũng đã diễn ra Hội thảo “Cơ chế, chính sách để tạo sự bứt phá cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam”. Đây là không gian trao đổi, chia sẻ cởi mở, thẳng thắn giữa các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương và thanh niên về các cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên trong hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Với 2 tham luận chuyên sâu “Tổng quan và thực trạng cơ chế, chính sách dành cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam”, “Một số rào cản và kiến nghị giải pháp nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam”, hội thảo được kỳ vọng góp phần cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp Việt Nam từng bước tiệm cận với mặt bằng chung của khu vực và thế giới.
Tại hội thảo, nhiều chủ đề “nóng” về khởi nghiệp đã được đưa ra thảo luận, trao đổi. Trong đó, tập trung vào cơ chế, chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài cũng như khu vực tư nhân trong nước cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Cụ thể, gồm các cơ chế đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, các quỹ đầu tư; một số vướng mắc, tồn tại của Nghị định 38/2018/NĐ-CP về giới hạn số lượng nhà đầu tư hiện nay hay giới hạn về hoạt động được thực hiện đầu tư và kiến nghị cần mở rộng nội dung cho vay, tối ưu nguồn vốn nhàn rỗi chưa đầu tư của quỹ…
Tham gia đối thoại, các đại biểu đã chia sẻ, đề xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét, nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia phát triển trên thế giới về việc đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Thí dụ điển hình như Singapore với nhiều năm liền đứng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đứng thứ 8 toàn cầu về chỉ số đổi mới sáng tạo, dẫn đầu khu vực về đầu tư mạo hiểm.
Trong khi đó, đại diện các quỹ đầu tư, doanh nghiệp, cộng đồng thanh niên khởi nghiệp đề xuất Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn về việc thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp có nguồn vốn tư nhân và nhận các chính sách ưu đãi như quy định tại Luật Đầu tư năm 2020.
Đặt yếu tố đổi mới sáng tạo lên hàng đầu
Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn với những ý kiến đa chiều, đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị sát tình hình thực tiễn của cộng đồng thanh niên khởi nghiệp với Chính phủ.
Gợi mở với các đại biểu về vấn đề phục hồi kinh tế sau đại dịch, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: những thách thức, khó khăn không nhỏ trước mắt chỉ có thể giải quyết bằng cách tạo điều kiện để người dân, thanh niên phát triển năng lực làm kinh tế, đặc biệt là kinh tế liêm chính.
Theo đó, các bộ, ngành, đoàn thể cần trăn trở, nghiên cứu, đưa ra giải pháp thôi thúc toàn dân làm giàu một cách chính đáng, cụ thể là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, quá trình đẩy mạnh khởi nghiệp kinh doanh thông thường ở nước ta sẽ tạo ra hàng chục triệu doanh nghiệp. Nhưng thêm vào đó, cần chú trọng, đầu tư các nguồn lực vào các yếu tố bền vững như kinh tế xanh, tinh thần trách nhiệm xã hội, lan tỏa vì cộng đồng…
Cuối bài phát biểu, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý: Mọi khó khăn sẽ được kéo giảm nếu khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trở thành mối lo chung, mục tiêu chung của không chỉ các bộ, ngành, đoàn thể, mà còn được quan tâm, chung tay phát triển bởi toàn cộng đồng, nhất là các bạn trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước.