Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực hải quan

PV.

(Tài chính) Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hải quan đang ngày càng trở nên quan trọng và được thúc đẩy trong các diễn đàn hợp tác khác nhau với các hình thức hợp tác đa dạng, linh hoạt và phong phú. Trong những năm qua, hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế của Hải quan Việt Nam đã có những bước chuyển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa của ngành Hải quan nói riêng và ngành Tài chính nói chung.

Cơ quan hải quan được coi là người gác cửa nền kinh tế quốc gia, là bộ mặt, hình ảnh của đất nước đối với du khách, thương nhân quốc tế. Nguồn: internet
Cơ quan hải quan được coi là người gác cửa nền kinh tế quốc gia, là bộ mặt, hình ảnh của đất nước đối với du khách, thương nhân quốc tế. Nguồn: internet
Những kết quả đạt được

Sau năm 2005, các hoạt động quản lý của Hải quan Việt Nam đã được định hướng rõ theo các chuẩn mực hải quan hiện đại ở phạm vi khu vực và thế giới. Hải quan Việt Nam đã và đang tích cực chuyển đổi phương pháp quản lý hải quan, giải quyết thách thức về sự gia tăng nhanh chóng của khối lượng công việc so với năng lực thực tiễn của cơ quan hải quan, lấy cải cách, hiện đại hóa làm cơ sở, tập trung tăng cường hiện đại hóa hải quan, đảm bảo sự phát triển chung của toàn Ngành.

Trong khuôn khổ hợp tác song phương, Hải quan Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác với các đối tác láng giềng có chung đường biên giới, các đối tác có quan hệ kinh tế, thương mại quan trọng, các đối tác có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, các đối tác chiến lược và các đối tác theo định hướng hợp tác song phương của Chính phủ. Hoạt động hợp tác song phương với các nước phát triển (Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, các nước châu Âu…) và các tổ chức quốc tế (IAEA, UNODC…) cũng đã hỗ trợ trực tiếp và có hiệu quả cho việc chia sẻ thông tin, chống buôn lậu và phát hiện vi phạm đồng thời giúp Hải quan Việt Nam có được sự hỗ trợ quý báu về tài chính, chuyên gia. Trong khi đó, hoạt động hợp tác đa phương của Hải quan Việt Nam cũng rất đa dạng trong các diễn đàn ASEAN, APEC, GMS...

Việc thực hiện hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS và triển khai thí điểm Cơ chế một cửa quốc gia với sự tham gia của Việt Nam vào WTO với hàng loạt các cam kết có tính ràng buộc cao cho các thành viên là những minh chứng rõ nét cho hoạt động hợp tác quốc tế đi vào thực chất, phù hợp với xu hướng phát triển của khu vực và thế giới. Hoạt động hợp tác quốc tế của ngành Hải quan cũng là kênh kết nối đưa các khuyến nghị, thông lệ thực hành quốc tế tốt nhất đến với các đơn vị xây dựng chính sách, tạo ra sự định hướng, chủ động trong việc xây dựng chính sách cũng như xây dựng môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, tiên tiến cho doanh nghiệp. Các khuyến nghị, thông lệ quốc tế tốt nhất trong lĩnh vực hải quan đã được nghiên cứu để đưa vào Luật Hải quan năm 2014 và các văn bản hướng dẫn khác.

Trong việc huy động nguồn hỗ trợ từ các đối tác nước ngoài, nhiều năm qua, các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực hải quan dưới hình thức cung cấp thiết bị (máy soi công-ten-nơ, máy phát hiện hiện phóng xạ, thiết bị phục vụ công tác kiểm hóa...) và đào tạo các mảng nghiệp vụ (quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan, trị giá, thực thi kiểm soát tại biên giới, thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới...) bắt nguồn từ các chương trình hợp tác với các nước đối tác như Hoa Kỳ, Pháp, Nga..., không chỉ hỗ trợ tăng cường năng lực kiểm soát và trình độ nghiệp vụ của cán bộ hải quan, mà còn góp phần tạo hình ảnh và nâng cao uy tín của Hải quan Việt Nam trong nỗ lực trở thành cơ quan hải quan hiện đại, chuyên nghiệp. Trong đó, nổi bật là việc triển khai thành công hệ thống thông quan điện tử VNACCS-VCIS với sự hỗ trợ từ Chính phủ Nhật và cơ quan Hải quan Nhật có dấu ấn lớn của hoạt động hợp tác quốc tế, mang lại sự thay đổi đột phá trong quá trình hiện đại hóa cơ quan Hải quan.

Đối với việc đàm phán, triển khai thực hiện các hiệp định, thỏa thuận song phương và đa phương, kể từ năm 2005 đến nay, là giai đoạn hàng loạt các Hiệp định tự do thương mại được đàm phán, ký kết. Một trong những nội dung quan trọng của các Hiệp định thương mại tự do là tạo thuận lợi thương mại mà Tổng cục Hải quan được phân công chủ trì. Tuy có sự độc lập nhất định, hoạt động hợp tác quốc tế của ngành Hải quan luôn cần có sự định hướng từ hoạt động hợp tác của Bộ Tài chính, với các định hướng hợp tác quốc tế đa phương và song phương của Đảng và Chính phủ để xây dựng được các phương án đàm phán theo sát định hướng về hợp tác và hội nhập của Chính phủ. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng là cơ quan thực thi cam kết ưu đãi thuế thông qua kiểm soát các yêu cầu về ưu đãi của quy tắc xuất xứ trong các Hiệp định mậu dịch tự do đã ký. Đây cũng là nhiệm vụ mà Tổng cục Hải quan cần có thông tin sát sao về định hướng đàm phán và chỉ đạo của Bộ Tài chính trong việc triển khai các cam kết đã được ký kết.

Trong công tác đối ngoại, từ tháng 6/2013, Tổng cục Hải quan đã bước đầu triển khai cử đại diện tại Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), góp phần khẳng định vai trò, vị trí, tiếng nói của Hải quan Việt Nam tại WCO, tạo ra một kênh tiếp cận trực tiếp, nhanh chóng các thông tin, khuyến nghị, chuẩn mực quốc tế đồng thời cắt giảm chi ngân sách cho việc cử cán bộ trong nước tham dự các cuộc họp tại WCO. Đặc biệt, Tổng cục Hải quan đã chủ trì đăng cai thành công nhiều hoạt động hợp tác song phương quan trọng và các sự kiện đa phương trong khuôn khổ APEC (Tiểu ban Thủ tục Hải quan SCCP 2006), trong khuôn khổ ASEAN (Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan năm 2004 và 2014), các cuộc họp khu vực của Tổ chức Hải quan Thế giới (Hội nghị đầu mối tình báo khu vực châu Á - Thái Bình Dương)…

Việc đăng cai chủ trì thành công các sự kiện lớn này đã góp phần khẳng định và nâng cao vị thế và hình ảnh của Hải quan Việt Nam nói riêng và hình ảnh của Việt Nam nói chung trong khu vực và trên thế giới. Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, Hải quan Việt Nam có cơ hội từng bước tiếp cận, nắm bắt các nguyên lý quản lý trong hải quan, đi tới làm chủ một số kỹ thuật nghiệp vụ mới... tạo ra định hướng cụ thể, trực tiếp cho quá trình cải cách, đổi mới. Chính nhờ thế, ngành Hải quan được Chính phủ và công luận đánh giá là một trong những cơ quan chính phủ đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính.

Chủ động hội nhập

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đã xây dựng Định hướng công tác hội nhập của Ngành trong giai đoạn 2015-2020 cùng với các kế hoạch cụ thể trong từng lĩnh vực hợp tác, trong đó đề cao yêu cầu “chủ động” trong công tác hội nhập.

Bên cạnh đó, trong Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 trong lĩnh vực hợp tác và hội nhập quốc tế về hải quan, Tổng cục Hải quan cũng xác định tiếp tục đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương nhằm chia sẻ kinh nghiệm về cải cách, hiện đại hóa, phương pháp, kỹ thuật quản lý hải quan hiện đại; thực hiện các sáng kiến khu vực đặc biệt trong lĩnh vực hiện đại hóa thủ tục, áp dụng các kỹ thuật hải quan mới, đồng thời góp phần nâng cao vị thế, uy tín và quyền lợi của Hải quan Việt Nam trên trường quốc tế. Tìm kiếm, vận động các dự án hỗ trợ kỹ thuật, viện trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế và các nước phục vụ cho quá trình cải cách, phát triển và hiện đại hóa Ngành, hỗ trợ tích cực các hoạt động nghiệp vụ trong quản lý nhà nước về hải quan...

Trong thời gian tới, nhằm làm tốt công tác hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực hải quan, Tổng cục Hải quan kiến nghị tiếp tục nhận được nhiều hơn chỉ đạo, lãnh đạo của Bộ Tài chính trong việc định hướng nội dung hợp tác quốc tế, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực... Bên cạnh đó, được kịp thời cung cấp thông tin về định hướng hợp tác trong các khuôn khổ đa phương cũng như song phương nhằm tạo cơ sở để Tổng cục Hải quan chủ động trong việc xây dựng kế hoạch hợp tác hoặc trao đổi với các đối tác. Ngoài ra, được thông báo thường xuyên về các chương trình, dự án hỗ trợ của các tổ chức quốc tế dành cho ngành Tài chính để Tổng cục Hải quan có thể đề xuất nhu cầu hợp tác trong lĩnh vực nghiệp vụ hải quan…