Đẩy mạnh kiểm soát rủi ro đối với tờ khai luồng xanh trong thông quan hàng hóa
Nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng tờ khai luồng xanh để nhập khẩu sai quy định, Tổng cục Hải quan đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường kiểm soát rủi ro đối với tờ khai luồng xanh trong thông quan hàng hóa.
Kiểm soát rủi ro trong việc lợi dụng tờ khai luồng xanh
Thời gian qua, việc mở rộng giao thương hàng hóa giữa các quốc gia đã thúc đẩy xuất nhập khẩu phát triển.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan về tình hình phân luồng tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu từ năm 2016 đến quý III/2021 cho thấy, trung bình mỗi năm có khoảng 10 triệu tờ khai. Trong đó, tỷ lệ luồng xanh tăng từ 59,7% đến 66,75%, luồng vàng giảm từ 34,78% xuống 29,22%, luồng đỏ giảm từ 5,45% xuống 4,04%.
Đáng chú ý, qua kiểm soát hải quan đã phát hiện số vụ vi phạm pháp luật hải quan trong giai đoạn từ năm 2016 đến quý III/2021 tăng từ 12.337 vụ lên 37.456 vụ.
Kết quả trên cho thấy, số lượng tờ khai được Hệ thống thông quan điện tử phân luồng Xanh là rất lớn. Điều này thể hiện nỗ lực của ngành Hải quan trong việc thực hiện chính sách tạo thuận lợi thương mại, thông thoáng trong việc thông quan hàng hóa nói riêng và hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp nói chung.
Thêm vào đó, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, cùng với chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan chủ động thực hiện một số giải pháp để giảm tỷ lệ kiểm tra nhằm tạo thuận lợi cho doanh đặc biệt tại những địa bàn đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp tuân thủ tốt, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp lợi dụng điều này để buôn lậu, gian lận thương mại với nhiều phương thức thủ đoạn đa dạng, tinh vi. Các hình thức vi phạm lợi dụng việc miễn kiểm tra để nhập khẩu hàng cấm, gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa…
Để ngăn chặn tình trạng nêu trên, ngày 12/4/2019, Tổng cục Hải quan triển khai chuyên đề kiểm soát rủi ro trong việc lợi dụng tờ khai luồng Xanh (theo Quyết định số 180/QĐ-TCHQ). Kết quả từ tháng 4/2019 đến nay đã phát hiện 988 vụ vi phạm.
Mặt khác, công tác kiểm tra, kiểm soátcác đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới với các phương thức, thủ đoạn tinh vi, thay đổi liên lục đã gây ra không ít khó khăn cho lực lượng chức năng.
Ngoài ra, việc cung cấp trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành, đơn vị liên quan không đầy đủ, kịp thời cũng là yếu tố gây ra những khó khăn đối với công tác kiểm tra, kiểm soát hải quan.
Siết chặt các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện các gian lận của doanh nghiệp
Nhằm hạn chế tình trạng trên, thời gian tới, Tổng cục Hải quan tiến hành đồng bộ, thống nhất các biện pháp nghiệp vụ có tính phân lớp quản lý để kiểm soát, ngăn ngừa, phát hiện kịp thời các gian lận của doanh nghiệp trong việc phân luồng như: (i) Kiểm tra không xâm nhập bằng soi chiếu trước khi thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu nhập; (ii) Kiểm tra qua soi chiếu đối với hàng XK sau khi đã thông quan tại cửa khẩu xuất; (iii) Kiểm tra sau thông quan; (iv) Thanh tra chuyên ngành; (v) Các biện pháp nghiệp vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (Kiểm soát hải quan)...
Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng... theo quy chế phối hợp đã ký kết. Phối hợp trao đổi, chia sẻ thông tin với các cơ quan, bộ ngành khác trong phát hiện, bắt giữ buôn lậu và gian lận thương mại, trong đó tập trung về thông tin phương thức thủ đoạn mới, chủ động lập kế hoạch, phương án đấu tranh hiệu quả.
Bên cạnh đó, tăng cường thu thập, phân tích thông tin của hàng hóa, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đại lý hải quan, người xuất nhập cảnh, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, tuyến đường vận chuyển… có nguy cơ rủi ro cao để cập nhật vào hệ thống phân luồng, cảnh báo cho các đơn vị thực thi kiểm tra, giám sát, kiểm soát tại cửa khẩu.
Đồng thời, tập trung nghiên cứu giải pháp về quản lý đánh giá tuân thủ doanh nghiệp, ngăn chặn và khắc phục ngay tình trạng lợi dụng phân luồng, lợi dụng doanh nghiệp bình phong, doanh nghiệp ma để buôn lậu, gian lận thương mại.