Đẩy mạnh phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long nhanh và bền vững
Sáng 6/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu với chủ đề Khát vọng nông nghiệp đất Chín Rồng “xanh - sinh thái - bền vững".
Hội nghị có sự tham gia của các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo của các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long. Về phía tỉnh Hậu Giang, ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, tham dự.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết vùng đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng trưởng nhờ khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế. Đóng góp lớn vào tăng trưởng nông nghiệp cả nước, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư đã góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và đổi mới bộ mặt nông thôn, góp phần bảo vệ và phát triển sản xuất.
Cụ thể, những năm qua vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được đầu tư đồng bộ hệ thống kênh với 15.000km kênh trục và kênh cấp 1; 77.000km kênh cấp 2 và cấp 3. Hình thành các hệ thống công trình thủy lợi và hệ thống đê bao, hạ tầng cấp nước, hạ tầng cảng cá khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.
Hệ thống cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cũng được đầu tư nâng cấp như Khu neo đậu tránh trú Rạch Gốc (Cà Mau), Hòn Tre (Kiên Giang), Kinh Ba (Sóc Trăng), Cung Hầu (Trà Vinh), Bình Đại (Bến Tre), Cửa sông Soài Rạp (Tiền Giang)...; các cảng cá, bến cá Tắc Cậu, Bình Đại, Gành Hào, Trần Đề… Các hệ thống cơ sở hạ tầng trên đã góp phần bảo vệ và phát triển sản xuất, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông cho biết, trong quá trình phát triển, nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long cùng lúc chịu nhiều khó khăn, thách thức tác động đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nặng nề nhất là tác động của biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó là sự yếu kém nội tại của nền sản xuất nhỏ, thiếu liên kết chậm được khắc phục. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng logistics phục vụ kinh tế nông nghiệp, nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Kinh tế trang trại chưa trở thành động lực để thúc đẩy hộ gia đình vươn lên sản xuất lớn. Hợp tác xã nông nghiệp phát triển chậm và đang còn nhiều khó khăn, thách thức.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ khai trương Văn phòng điều phối Nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ. Sẽ hỗ trợ điều phối công tác quy hoạch sản xuất, chuẩn hoá vùng nguyên liệu; kết nối doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu; nối kết chuỗi ngành hàng, hỗ trợ nâng cao chất lượng hợp tác xã, hình thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tích cực đàm phán, kêu gọi các dự án đầu tư hạ tầng logistic nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chuỗi kho lạnh bảo quản nông sản cấp độ liên huyện, liên tỉnh dọc theo sông Hậu và sông Tiền.
"Tại Hội nghị này, với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long sẽ ký kết chương trình phối hợp về phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới. Hy vọng rằng, đến năm 2025, cùng với hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng nông nghiệp, hạ tầng xã hội, giáo dục, nguồn nhân lực, tư duy liên kết vùng sẽ quyết định sự phát triển bền vững cho vùng Châu thổ sông Mê Kông", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nêu rõ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên từ bàn tay, khối óc, chân trời, cửa biển của mình; lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định (gồm con người, tài nguyên thiên nhiên, truyền thống lịch sử văn hóa); nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá (nguồn vốn, quản trị, công nghệ...). Đa dạng hóa nguồn tài chính, đẩy mạnh hợp tác công tư; huy động, kích hoạt mọi nguồn lực cho đầu tư, phát triển, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư, có trọng tâm, trọng điểm.
Các tỉnh, thành phố cần tập trung để đẩy mạnh phát triển toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long nhanh và bền vững theo hướng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; giữ vững an ninh, quốc phòng; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tập trung đề xuất các cơ chế, chính sách để phát triển đồng bằng sông Cửu Long; quy hoạch vùng nguyên liệu; phát triển hạ tầng; đào tạo, phát huy nguồn nhân lực; đầu tư khoa học, mở rộng thị trường tiêu thụ…