Lấy ý kiến góp ý dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Theo Thanh Tùng/kinhtemoitruong.vn

Trên nền tảng kết quả đã đạt được từ giai đoạn 1 của dự án thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), Tổng cục Phòng, chống thiên tai gửi văn bản cho các tỉnh thành đề nghị góp ý cho dự thảo văn kiện Pha 2 của dự án.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong khuôn khổ hợp tác với Cộng hòa Liên bang Đức về phòng chống thiên tai, Tổng cục Phòng, chống thiên tai hiện đang phối hợp với Cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ) xây dựng pha 2 của dự án “Thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (MCRP)”.

Hiện phía GIZ đã hoàn thiện dự thảo nội dung văn kiện dự án. Để thực hiện dự án có hiệu quả, phù hợp với thực tế, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đề nghị các cơ quan đơn vị địa phương có ý kiến góp ý đối với các hoạt động được GIZ đề xuất thực hiện trong phạm vi quản lý nhà nước. Đồng thời, đề xuất các hoạt động theo thứ tự ưu tiên liên quan đên chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và phù hợp với các mục tiêu của dự án.

Với mục tiêu, cải thiện công tác quản lý, sử dụng đất, nước và rừng ngập mặn vùng ven biển ĐBSCL nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững khu vực.

Dự án hợp tác kỹ thuật MCRP thực hiện từ 2019 - 2021 đã thiết lập được khung thể chế và chính trị quan trọng phục vụ công tác điều phối vùng và lập kế hoạch đầu tư cần thiết nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL.

Pha 2 của dự án được phê duyệt kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần cải thiện công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên thích ứng với biến đổi khí hậu ĐBSCL nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững trong khu vực, thúc đẩy liên kết vùng, hoàn thành các mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các hoạt động tập trung vào 13 tỉnh vùng ĐBSCL và cấp trung ương nhằm tăng cường liên kết phát triển vùng, áp dụng các giải pháp đổi mới, đặc biệt là các giải pháp chuyển đổi số.

Dự án MCRP – Pha 2 khi triển khai thực hiện sẽ phối hợp với các dự án, chương trình có liên quan khác của Chính phủ Đức và của các tổ chức, nhà tài trợ quốc tế khác đang triển khai trong khu vực như “Kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau và Kiên Giang”, “Thoát nước và chống ngập úng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu ĐBSCL (FPP)",... để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về phương pháp tiếp cận thực tiễn.

Đồng thời, dự án MCRP sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và các cam kết quốc tế khác liên quan đến biến đổi khí hậu như “Việt Nam cam kết sẽ giảm 8% lượng phát thải nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế”, trích phát biểu của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại COP21.

Và tham gia đóng góp vào công tác triển khai kế hoạch tăng trưởng xanh của các tỉnh vùng ĐBSCL thông qua việc thực hiện các mô hình như nuôi trồng thuỷ sản sinh thái, canh tác lúa thông minh, sử dụng khai thác nguồn nước hợp lý và bền vững,…

Tổng vốn của dự án cho giai đoạn 2022 – 2025 dự kiến là 12,35 triệu Euro. Trong đó, vốn ODA viện trợ không hoàn lại là 11,35 triệu Euro và vốn đối ứng của Việt Nam khoảng 1 triệu Euro. Đối với nguồn vốn ODA sẽ theo quy định quản lý dự án của Chính phủ Đức, đối với nguồn vốn đối ứng sẽ theo các quy định quản lý tài chính hiện hành của Chính phủ Việt Nam.

Bộ NN&PTNT sẽ là cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm trước Chính phủ Việt Nam. Bộ NN&PTNT giao Tổng cục Phòng, chống thiên tai làm đơn vị đầu mối và là chủ dự án.

Chủ dự án sẽ phối hợp và giám sát dự án để đảm bảo: Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA và quốc gia phân bổ cho dự án; Đạt mục tiêu dự án, kết quả, các chỉ số và đảm bảo tiến độ thời gian; Phối hợp, điều phối hợp lý với các bên tham gia và các đối tác quốc gia, quốc tế; Thực hiện các quyền hạn, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế về vốn ODA.

Dự án MCRP được thực hiện tuân thủ theo Nghị định số 56/2020/ NĐ-CP ngày 25/05/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA; Quy chế, quy định của Bộ NN&PTNT về xây dựng, quản lý và thực hiện các dự án, hoạt động sử dụng nguồn tài trợ nước ngoài thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ và quy định của nhà tài trợ thông qua tổ chức GIZ.