Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống Kho bạc Nhà nước

Anh Thư

Trong quý I/2022, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) hoạt động thông suốt, an toàn, ổn định. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong thời gian tới, hệ thống KBNN tập trung thực hiện 09 nhiệm vụ trọng tâm.

Hội nghị giao ban đánh giá kết quả công tác quý I/2022 và kế hoạch công tác quý II/2022 của hệ thống KBNN
Hội nghị giao ban đánh giá kết quả công tác quý I/2022 và kế hoạch công tác quý II/2022 của hệ thống KBNN

Theo Báo cáo kết quả công tác quý I/2022 và kế hoạch công tác quý II/2022 của hệ thống KBNN, trong 3 tháng đầu năm 2022, các đơn vị KBNN đã thực hiện tốt công tác khóa sổ quyết toán NSNN năm 2021, công tác chuyển nguồn NSNN của hệ thống KBNN; đã phối hợp chặt chẽ với các hệ thống ngân hàng để đảm bảo công tác thu, chi, thanh toán được thông suốt, tạo thuận lợi cho người nộp NSNN và thanh toán chi trả kịp thời cho các đối tượng hưởng NSNN; duy trì hoạt động ổn định của các hệ thống thanh toán trong nội bộ hệ thống KBNN và thanh toán với các hệ thống ngân hàng đảm bảo thông suốt và an toàn.

Toàn hệ thống KBNN đã tổ chức triển khai công việc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 an toàn, lành mạnh, tiết kiệm. Các đơn vị KBNN tổ chức kiểm soát chi chặt chẽ, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời nhu cầu chi tiêu của địa phương và các đơn vị sử dụng ngân sách trước Tết; ngay sau Tết các đơn vị đã tập trung ngay vào công việc, không để công việc bị đình trệ.

Theo báo cáo của KBNN, tính đến hết ngày 31/03/2022, lũy kế thu NSNN trong cân đối đạt 472.898 tỷ đồng, bằng 33,5% so với dự toán năm và tăng 14,97% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: Thu nội địa trong cân đối (không kể dầu thô) đạt 380.235 tỷ đồng, bằng 32,31% so với dự toán năm; Thu từ dầu thô đạt 17.108 tỷ đồng, bằng 60,67% so với dự toán năm. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 75.552 tỷ đồng, bằng 37,97% so dự toán năm (trong đó đã giảm trừ hoàn thuế giá trị gia tăng 33.238 tỷ đồng).

Trong công tác kiểm soát chi thường xuyên, lũy kế vốn thanh toán từ đầu năm đến 31/03/2022, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát đạt 205.563 tỷ đồng, bằng 18,48% dự toán chi thường xuyên năm 2022 của NSNN qua KBNN (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng).

Về chi đầu tư, tính đến ngày 31/03/2022, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022 là 57.007,2 tỷ đồng, bằng 11,62% kế hoạch năm được Thủ tướng Chính phủ giao (490.494,9 tỷ đồng); bằng 10,8% kế hoạch vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2022 (527.546 tỷ đồng); Đối với vốn đầu tư công kế hoạch năm trước chuyển sang: Tính đến 31/03/2022, lũy kế vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm trước kéo dài sang năm 2022 kiểm soát, thanh toán qua KBNN là 66/1.719,3 tỷ đồng, bằng 3,8% kế hoạch vốn năm trước chuyển sang năm 2022.

Với các kết quả đã đạt được, để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hệ thống KBNN trong thời gian tới, hệ thống KBNN tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm gồm:

Thứ nhất, hoàn thiện và trình Bộ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Các đơn vị và KBNN các tỉnh, thành phố chủ động, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ được giao, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đúng tiến độ; Tiếp tục bám sát chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền và nội dung thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện Báo cáo quyết toán NSNN năm 2020 và Báo cáo tài chính nhà nước năm 2020.

Thứ hai, chủ động cập nhật và bám sát chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền để hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN; cơ chế quản lý tài chính và biên chế của hệ thống KBNN; Nghiên cứu các giải pháp tổng thể, đồng bộ để nâng cao chất lượng báo cáo tài chính nhà nước và rút ngắn thời gian tổng hợp, xây dựng báo cáo quyết toán NSNN hằng năm; Tập trung xây dựng, hoàn thành các đề án, chính sách, nhiệm vụ trọng tâm được giao trong Chương trình công tác, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đúng tiến độ.

Thứ ba, nghiên cứu và hoàn thiện các quy trình về kiểm soát chi, quy trình tự động thanh toán, liên thông các ứng dụng để rút ngắn thời gian thanh toán, tạo thuận lợi cho người giao dịch, song vẫn đảm bảo kiểm soát chi, thanh toán đúng quy định.

Thứ tư, thực hiện huy động vốn và điều hành ngân quỹ theo phương án được Lãnh đạo Bộ phê duyệt; đồng thời, bám sát tình hình thực tế để tham mưu, báo cáo Lãnh đạo Bộ Tài chính đối với các nội dung, tình huống phát sinh; Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức triển khai mở rộng phối hợp thu NSNN và thanh toán song phương điện tử với các NHTM theo lộ trình được Lãnh đạo Bộ phê duyệt.

Thứ năm, rà soát, tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chức danh lãnh đạo các cấp; làm cơ sở để kiện toàn tổ chức, bộ máy ở các đơn vị và KBNN các cấp.

Thứ sáu, tăng cường tổ chức kiểm tra đột xuất công tác kiểm soát chi NSNN, công tác an toàn kho quỹ tại một số KBNN tỉnh, thành phố để nâng cao trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát; đồng thời, nghiêm khắc xử lý các trường hợp sai phạm; Tập trung triển khai thí điểm Kiểm toán nội bộ trong hệ thống KBNN, làm cơ sở để triển khai diện rộng trong hệ thống.

Thứ bảy, hoàn thiện Đề án nâng cấp hệ thống Tabmis và các ứng dụng để hình thành hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số (VDBAS; Tập trung nguồn lực để hoàn thành triển khai diện rộng trong toàn hệ thống Chương trình quản lý, kiểm soát chi đầu tư và nâng cấp các chương trình, ứng dụng, tiện ích phục vụ công tác kiểm soát chi, thanh toán điện tử.

Thứ tám, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn nội ngành cũng như thực hiện tốt công tác tài chính, tài sản, xây dựng cơ bản nội ngành; Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các đơn vị công sở trong toàn hệ thống.

Thứ chín, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về kết quả hoạt động của hệ thống KBNN để các cấp, các ngành và xã hội hiểu, đồng thuận với các đề án, chính sách và những cải cách lớn của hệ thống KBNN, đặc biệt là trước, trong và sau kỳ họp Quốc hội tháng 05/2022 và dịp kỷ niệm ngày truyền thống KBNN (29/05).