Đẩy mạnh tiến độ triển khai Cơ chế một cửa
Cơ quan Hải quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa, thông qua việc triển khai Cơ chế một cửa.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tuyên truyền Cơ chế một cửa, đề án kiểm tra chuyên ngành và các cam kết tạo thuận lợi thương mại do Tổng cục Hải quan phối hợp với Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam, Hội doanh nhân trẻ thành phố Hà Nội, Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội tổ chức ngày 26/6.
Theo đó, với vai trò là cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tích cực triển khai các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia, mở rộng về phạm vi, số lượng DN tham gia với các thủ tục hành chính đã triển khai.
Thông tin tới hội nghị, đại diện Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, thông qua việc triển khai Cơ chế một cửa, cơ quan Hải quan đang cùng với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan hiện thực hóa các chỉ đạo của Chính phủ tại các Nghị quyết 19/NQ-CP về cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 36a/NQ-CP về chính phủ điện tử.
Trong đó mục tiêu là từng bước chuyển đổi phương thức hoạt động hướng tới một môi trường kinh doanh và hành chính phi giấy tờ. Cơ chế một cửa quốc gia cho phép người khai hải quan gửi thông tin, chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hàng hóa XNK thông qua một hệ thống thông tin tích hợp.
Cơ quan quản lý nhà nước quyết định cho phép hàng hóa được XNK, quá cảnh; cơ quan Hải quan quyết định thông quan, giải phóng hàng hóa trên hệ thống thông tin tích hợp. Đến tháng 6/2017, Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối với 11 bộ, ngành, với 38 thủ tục hành chính được triển khai trên hệ thống, khoảng 12.000 DN đã tham gia thực hiện, với gần 400.000 hồ sơ.
Từ tháng 9/2015, Việt Nam đã kết nối kỹ thuật thành công với 4 nước ASEAN để trao đổi giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D cho hàng hóa XK có xuất xứ ASEAN. Việt Nam đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật để chính thức kết nối Cơ chế một cửa ASEAN khi Nghị định thư pháp lý về Cơ chế một cửa ASEAN được 10 nước thành viên phê duyệt (hiện tại còn Phillipines chưa phê duyệt).
Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đã tạo thuận lợi cho DN trong việc giảm thời gian và chi phí. Riêng trong lĩnh vực đăng kiểm, DN rút ngắn được khoảng 4/5 thời gian làm thủ tục; đối với các lĩnh vực khác, mục tiêu rút ngắn từ 15% đến 30%. Chi phí thực hiện thủ tục hành chính trên hệ thống một cửa quốc gia cũng được rút ngắn đáng kể do hầu hết hồ sơ, chứng từ mà DN phải xuất trình sẽ được đơn giản hóa và chuẩn hóa; từ đó giảm chi phí chuẩn bị hồ sơ, chứng từ thực hiện thủ tục hành chính.
Với những kết quả đạt được, Tổng cục Hải quan đã xây dựng lộ trình triển khai Cơ chế một cửa quốc gia. Riêng trong năm 2017, Tổng cục Hải quan sẽ chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ nhiều dự thảo văn bản pháp lý để hoàn hiện cơ sở pháp lý liên quan đến triển khai Cơ chế một cửa như: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Cơ chế một cửa đường hàng không; Nghị định về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại; ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chỉnh phủ thúc đẩy triển khai Cơ chế một cửa quốc gia; triển khai cơ chế một cửa đường hàng không thủ tục tàu bay xuất nhập cảnh, quá cảnh; kết nối với các DN kinh doanh cảng, kho, bãi tại cảng biển, cảng hàng không…
Theo kế hoạch, đến năm 2020 tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý nhà nước đối với hàng hóa XNK, quá cảnh; người và phương tiện vận tải XNC, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.