Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS
HIV/AIDS đến nay vẫn là một đại dịch toàn cầu, chưa có thuốc đặc trị cũng như vắc-xin phòng ngừa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể chủ động phòng ngừa lây nhiễm bằng các khuyến cáo của ngành y tế. Trường hợp người bị nhiễm bệnh vẫn có các biện pháp điều trị thay thế hoặc sử dụng thuốc ARV để duy trì sự sống, phục hồi sức khỏe.
Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022, phóng viên Báo Trà Vinh có cuộc trao đổi với Bác sĩ Chuyên khoa II Trương Văn Dũng, Quyền Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Trà Vinh.
Phóng viên: Xin Bác sĩ cho biết, từ đầu năm đến nay tỉnh Trà Vinh phát hiện bao nhiêu trường hợp nhiễm HIV. Lũy kế đến nay, tỉnh đã ghi nhận bao nhiêu trường hợp nhiễm HIV/AIDS, người tử vong do AIDS?
Bác sĩ Trương Văn Dũng: Tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2022, Trà Vinh có 110 trường hợp nhiễm mới HIV, có 10 trường hợp chuyển sang AIDS và 10 trường hợp tử vong. Như vậy, tính từ tháng 4/1993 (thời điểm phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên ở Trà Vinh) đến cuối tháng 9/2022, toàn tỉnh phát hiện là 2.674 người nhiễm HIV, trong đó, 1.685 người chuyển sang bệnh AIDS và 1.067 người tử vong vì HIV/AIDS. Hiện số bệnh nhân HIV/AIDS ngành y tế quản lý được là 1.119 người, trong đó có 1.016 bệnh nhân được điều trị ARV.
Phóng viên: Bác sĩ có thể nhắc lại nguyên nhân nào gây ra căn “bệnh thế kỷ” này?
Bác sĩ Trương Văn Dũng: Bệnh do nhiễm vi-rút HIV tấn công vào hệ thống miễn dịch của cơ thể. HIV lây truyền qua quan hệ tình dục, qua đường máu hoặc truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai, sinh đẻ và cho con bú. AIDS là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người.
Những người có hành vi nguy cơ sau đây sẽ có khả năng nhiễm HIV: từng quan hệ tình dục với người bị HIV mà không có biện pháp bảo vệ mình, đã từng quan hệ tình dục không an toàn với nhiều người khác nhau. Có sử dụng bơm kim tiêm hay các vật dụng như dao cạo râu, bấm móng tay với người khác, có tiếp xúc với máu hay dịch của người bị nhiễm HIV, đang bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Trước đây, người lây nhiễm HIV ở Việt Nam chủ yếu trong nhóm nghiện chích ma túy và nhóm phụ nữ mại dâm. Tuy nhiên, lây truyền qua đường quan hệ tình dục ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây, có nơi chiếm hơn 50% trong số người nhiễm mới. Đây là con số đáng báo động.
Phóng viên: Hiện nay, ngành Y tế có thuốc gì điều trị HIV/AIDS cho người bị nhiễm bệnh, thưa Bác sĩ?
Bác sĩ Trương Văn Dũng: Cho đến nay, HIV/AIDS vẫn là một bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng ngừa. Nhưng từ khi phát hiện ra thuốc ARV (thuốc kháng vi-rút) thì tình trạng lâm sàng của bệnh nhân HIV/AIDS đã có chuyển biến tích cực, chúng ta có thể kiểm soát được bệnh AIDS.
ARV tên gọi chung của các loại thuốc kháng vi-rút. Chúng ức chế sự phát triển của vi-rút bao gồm cả HIV. Thuốc ARV không loại trừ hoàn toàn vi-rút HIV ra khỏi cơ thể người nhiễm, nhưng ARV có tác dụng kèm hãm sự phát triển của vi-rút HIV, duy trì tải lượng vi-rút HIV trong máu dưới ngưỡng phát hiện (dưới 200 bản sao/ml máu).
Hiện nay, thế giới đang sử dụng thuốc ARV để điều trị cho người nhiễm HIV, nhờ tác dụng ức chế sự nhân bản của vi-rút HIV, thuốc ARV giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng, lây nhiễm từ mẹ sang con.
Việc điều trị ARV kịp thời có vai trò vô cùng quan trọng trong việc ngăn chặn bệnh tiến triển sang giai đoạn AIDS, giúp người bệnh tránh khỏi những căn bệnh do suy giảm miễn dịch như lao, nhiễm trùng, ung thư… và giảm thiểu nguy cơ tử vong.
Bên cạnh đó, điều trị ARV sớm còn mang đến cho người bệnh chất lượng sống tốt hơn, có đủ sức khỏe để lao động, hòa nhập với cộng đồng và có thể chung sống lành mạnh với HIV đến cuối đời thay vì chỉ sống được 05 - 10 năm như trước đây. Bệnh nhân HIV có thẻ bảo hiểm y tế được khám chữa bệnh và nhận thuốc ARV theo chế độ bảo hiểm tại các cơ sở y tế.
Ngoài tác dụng điều trị cho người nhiễm HIV thì thuốc ARV còn có tác dụng dự phòng lây nhiễm HIV. Ngoài ra, thuốc ARV còn có tác dụng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) và sau phơi nhiễm HIV (PEP).
Phóng viên: Trà Vinh thực hiện các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS như thế nào? Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật có những hoạt động nào?
Bác sĩ Trương Văn Dũng: Những năm gần đây, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân về phòng chống HIV/AIDS, đến nay, Trà Vinh đã khống chế tỷ lệ HIV cộng đồng 0,1%, thấp hơn nhiều so với cả nước.
Cùng với cả nước tỉnh Trà Vinh đang triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV năm 2022 phù hợp với điều kiện địa phương. Trong đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chủ động phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông như treo băng rol, áp phích, tờ bướm, tờ rơi... tại các huyện, thị xã, thành phố nhằm đẩy mạnh triển khai công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn.
Phối hợp các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS… Sử dụng các trang thông tin điện tử của hệ thống ngành y tế và các cơ quan đơn vị cung cấp tin tức, kiến thức và tài liệu phục vụ cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Tăng cường truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên hệ thống mạng xã hội như Facebook, Zalo… Qua đó, nhằm nâng cao kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người bệnh, tạo điều kiện tốt nhất giúp người dân tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, cùng với cả nước hướng đến mục tiêu cơ bản chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030.
Phóng viên: Thông điệp ngành y tế muốn nêu ra nhân ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS năm 2022?
Bác sĩ Trương Văn Dũng: Xuất phát từ tình hình thực tế lây nhiễm HIV hiện nay cho thấy, bệnh nhân nhiễm HIV đang được trẻ hóa nhanh và đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam, trong đó, nhóm tuổi từ 15 - 24 tăng nhanh. Vì vậy, chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 là “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng!”.
Qua đây, ngành Y tế kêu gọi cộng đồng chung tay trong công tác phòng, chống HIV/AIDS để hướng đến mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Lưu ý, kết thúc dịch AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS mà khi đó AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng.
Chúng ta sẽ từng bước thực hiện mục tiêu “90 - 90 - 90”, tức là 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện.
Đồng thời, không phân biệt kỳ thị đối xử với người nhiễm HIV, bởi các biện pháp tách biệt, cấm đoán, kỳ thị và phân biệt đối xử người nhiễm HIV không làm hạn chế được dịch HIV/AIDS mà trái lại càng làm cho dịch HIV/AIDS ngày càng trở nên khó kiểm soát hơn.
Đặc biệt, với chủ đề Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS 2022 “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng!”, ngành y tế kêu gọi thanh niên trong tỉnh phải chủ động tiếp cận những kiến thức mới về HIV/AIDS để tự bảo vệ bản thân mình trước dịch AIDS và cùng chung tay hành đồng hành cùng cộng đồng kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
Phóng viên: Xin cảm ơn Bác sĩ!