GDP năm 2022 của Thái Lan tăng 2,6% do xuất khẩu chậm lại lấn át lợi nhuận từ du lịch
Nền kinh tế Thái Lan tăng trưởng 2,6% trong năm 2022, thấp hơn kỳ vọng vốn đã khiêm tốn do sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch và tiêu dùng nội địa không thể bù đắp cho xuất khẩu sụt giảm.
Tổng sản phẩm quốc nội năm 2022 tăng so với năm trước, khi đó nền kinh tế chỉ tăng trưởng 1,5%. Tiêu dùng tăng 6,3% trong năm 2022 ngay cả khi lạm phát cơ bản tăng 6,1%. Đầu tư tư nhân cũng tăng 5,1% và làm nâng GDP năm 2022.
Tuy nhiên, động lực bị đình trệ trong quý IV, chỉ tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2021, chậm lại so với mức 4,6% của quý III do xuất khẩu hàng hóa giảm 10,5% trong quý cuối cùng. Song, xuất khẩu dịch vụ tăng tới 94,6% trong quý.
Xuất khẩu đã giúp Thái Lan duy trì quỹ đạo tăng trưởng tích cực vào năm ngoái nhưng đã cạn kiệt do nhu cầu suy yếu từ Mỹ và châu Âu, các đối tác thương mại chính của quốc gia này.
Theo Văn phòng Kinh tế Công nghiệp, tháng 12 chứng kiến giá trị xuất khẩu giảm 14,56% so với năm 2021.
Sự tăng giá đột ngột của đồng Baht so với đồng USD cũng gây áp lực lên các nhà xuất khẩu và những dấu hiệu về sự chậm lại có thể thấy rõ trong thu nhập hàng năm của một số công ty Thái Lan trong tháng vừa qua, thấp hơn kỳ vọng của thị trường.
Sự phục hồi của ngành du lịch, chiếm gần 20% GDP của Thái Lan, tiếp tục đạt được động lực. Việc đi lại ở Thái Lan trở lại bình thường vào nửa cuối năm 2022 sau khi chính phủ dỡ bỏ mọi hạn chế nhập cảnh trong thời đại dịch COVID.
Đất nước này đã đón 11 triệu du khách vào năm ngoái, vượt mục tiêu 10 triệu. Chính phủ dự kiến sẽ đạt 25 triệu trong năm nay với sự trở lại của khách du lịch Trung Quốc - nhóm chi tiêu lớn nhất và cao nhất.
Ngày 17/2, Cơ quan lập kế hoạch kinh tế của chính phủ đã điều chỉnh mức tăng trưởng GDP cho năm 2023 xuống từ 2,7% đến 3,7%, giảm từ mức dự báo 3% đến 4% vào tháng 11. Danucha Pichayanan, Tổng thư ký Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC) cho biết: “Du lịch là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng vào năm 2023, cũng như đầu tư của tư nhân và chính phủ”.
Nhưng nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á đã bị các nước láng giềng vượt mặt. Malaysia và Philippines tăng trưởng lần lượt là 8,7% và 7,6%, trong đó Malaysia được hưởng lợi từ tăng trưởng xuất khẩu hàng điện tử trong quý IV.
Tương tự như Thái Lan, Singapore đã hạ ước tính tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 3,8% xuống 3,6%, thấp hơn mức 8,9% được ghi nhận vào năm 2021, do nhu cầu bên ngoài yếu và áp lực giảm của lạm phát đối với tiêu dùng.
Trong biên bản từ cuộc họp tháng 1 được công bố vào tuần trước, Ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã xoa dịu những lo ngại về tình trạng xuất khẩu chậm lại theo chu kỳ, kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu sẽ phục hồi vào năm 2024 cùng với sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương cảnh báo về sự sụt giảm xuất khẩu trong dài hạn nếu ngành sản xuất của Thái Lan không thể điều chỉnh để tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu và những tiến bộ công nghệ, chẳng hạn như chuyển từ ổ đĩa cứng sang ổ thể rắn.
Bên cạnh việc duy trì tăng trưởng xuất khẩu, NESDC lưu ý các khoản nợ bán lẻ của các hộ gia đình và doanh nghiệp vừa và nhỏ là ưu tiên quản lý kinh tế trong năm 2023.
Hội đồng cũng nhấn mạnh "duy trì môi trường kinh tế và chính trị trong nước" cũng như tăng chi tiêu và đầu tư của chính phủ khi Thái Lan chuẩn bị cho một cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5 tới.