Đẩy mạnh yếu tố xã hội trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp

Hiếu Phương

Các tiêu chuẩn về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) là nền tảng quan trọng, hỗ trợ doanh nghiệp lồng ghép các yếu tố bền vững vào chiến lược và hoạt động kinh doanh.

Hội thảo đẩy mạnh yếu tố “Xã hội” trong ESG
Hội thảo đẩy mạnh yếu tố “Xã hội” trong ESG

Chia sẻ tại Hội thảo "Thúc đẩy yếu tố “Xã hội” trong ESG" do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) phối hợp với Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VCBSD) tổ chức sáng 10/4, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch VBCSD cho biết, trong những năm gần đây, xu hướng toàn cầu về phát triển bền vững đã thúc đẩy sự quan tâm và yêu cầu từ các bên liên quan, bao gồm nhà đầu tư, đối tác quốc tế và người tiêu dùng. Trong bối cảnh đó, các tiêu chuẩn ESG được coi là nền tảng quan trọng, đặc biệt là yếu tố xã hội, giúp doanh nghiệp thực hiện thành công chiến lược phát triển bền vững.

Lợi ích lớn từ việc tích hợp yếu tố xã hội trong chiến lược ESG

Việc tích hợp yếu tố xã hội (Social) trong chiến lược ESG (Environment - Society - Governance: môi trường - xã hội - quản trị) mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, cả về mặt tài chính lẫn phi tài chính.

Dẫn nghiên cứu của McKinsey, ông Vinh cho biết, việc giảm thiểu phân biệt giới tính tại các doanh nghiệp có thể giúp GDP toàn cầu đạt mức tăng lên tới 5 nghìn tỷ USD vào năm 2025, các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh thực hiện giá trị đa dạng, bao trùm có thể đạt mức tăng trưởng đầu tư cao hơn 35% và tăng trưởng về doanh số bán hàng cao hơn gấp 3 lần.

Tương tự, nghiên cứu từ Harvard Business School cũng chỉ ra rằng các doanh nghiệp, tổ chức có danh tiếng xã hội tốt sẽ giúp chi phí vốn chủ sở hữu giảm khoảng 2- 5%.

Các nền kinh tế lớn như Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ đã ban hành nhiều quy định nghiêm ngặt liên quan đến ESG, nhằm thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm đối với môi trường và xã hội.

Tại khu vực Đông Nam Á, Danh mục phân loại xanh ASEAN (ASEAN Taxonomy) (2024) đã được triển khai nhằm giúp các quốc gia thành viên xác định và thúc đẩy các danh mục đầu tư có ảnh hưởng tích cực đến môi trường - xã hội, từ đó thúc đẩy nâng cao mức độ thực hành ESG của các doanh nghiệp.

Sự gia tăng quan tâm đến ESG tại châu Á không chỉ phản ánh cam kết của khu vực đối với phát triển bền vững mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác quốc tế nhằm đạt được các mục tiêu toàn cầu về môi trường và xã hội.

Tại Việt Nam, xét về hoạt động thực hành chung, doanh nghiệp Việt Nam hiện đang thực hiện tốt nhất ở trụ cột Xã hội, tiếp theo là Quản trị, và cuối cùng là Môi trường, với mức thực hành lần lượt là 68%, 63% và 52%. Ở cả 3 trụ cột, mức độ thực hành tỷ lệ thuận với quy mô doanh nghiệp.

Yếu tố xã hội phải xuất phát từ nội bộ tổ chức doanh nghiệp

Nhìn nhận từ góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thị Hoài Thương, Giám đốc Quan hệ công chúng Nestlé Việt Nam cho rằng, yếu tố xã hội trong ESG phải bắt đầu từ chính bên trong nội bộ tổ chức doanh nghiệp, thông qua việc tạo dựng một môi trường làm việc công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, và đặc biệt là thúc đẩy bình đẳng giới.

“Khi nói đến yếu tố xã hội, điều đầu tiên chúng tôi nhìn nhận là mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động, với cộng đồng nơi doanh nghiệp hoạt động, cũng như với khách hàng và toàn bộ hệ sinh thái liên quan.

Tập đoàn Nestlé có những nguyên tắc, quy định rõ ràng cùng hệ thống giám sát, báo cáo để đảm bảo thực hành đúng những cam kết này. Theo đó, chúng tôi coi việc xây dựng môi trường làm việc lành mạnh là ưu tiên hàng đầu, trong đó đề cao yếu tố bình đẳng giới”, bà Lê Thị Hoài Thương nhấn mạnh.

Đại diện Nestlé cũng cho biết, không chỉ trong nội bộ tổ chức, doanh nghiệp cũng chủ động mở rộng tác động xã hội thông qua các chương trình đồng hành cùng thế hệ trẻ như “NestGen”.

Đây là một nền tảng đào tạo kết hợp giữa học tập trực tuyến và cơ hội thực tiễn, giúp người trẻ thích nghi với thị trường lao động ngày càng biến động. Đồng thời, trong chuỗi cung ứng, doanh nghiệp cũng cam kết mạnh mẽ với các tiêu chuẩn về lao động công bằng, bảo vệ môi trường và chống phá rừng, thể hiện đóng góp tích cực của doanh nghiệp không chỉ trong hoạt động nội bộ mà còn trong hợp tác với các đối tác bên ngoài.

Về yếu tố bình đẳng giới, theo bà Thương, doanh nghiệp đưa ra những cam kết cụ thể và duy trì hệ thống giám sát để đảm bảo các giá trị cốt lõi được thực thi. Với tỷ lệ phụ nữ chiếm 50% trong Ban Giám đốc và vượt tỷ lệ 50% ở các vị trí quản lý cấp cao, Nestlé không chỉ tạo điều kiện công bằng trong nội bộ mà còn chủ động xây dựng thế hệ lãnh đạo nữ trong các lĩnh vực kỹ thuật - nơi vốn thường xảy ra tình trạng bất bình đẳng giới.

Với tư duy chú trọng tiếp cận sinh viên nữ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và đầu tư vào các chương trình phát triển kỹ năng, điều này không chỉ giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới, mà còn góp phần kiến tạo một thế hệ nhân sự nữ tự tin, chủ động và có năng lực lãnh đạo tương lai, từ đó quyết định sự thành công của doanh nghiệp./.