Giải pháp để cơ giới hóa nông nghiệp
(Tài chính) Xây dựng cánh đồng mẫu lớn, trang trại lớn… là hướng tới mô hình nông nghiệp đi lên làm ăn lớn, chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa, một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa… Tuy nhiên, một trong các tác nhân quan trọng thúc đẩy phát triển mô hình này là công cuộc cơ giới hóa ngành nông nghiệp thì lại đang gặp rất nhiều khó khăn.
Thực trạng cơ giới hóa nông nghiệp ở nước ta
Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có gần 500 ngàn máy kéo các loại với tổng công suất trên 5 triệu mã lực(HP) - tăng 4 lần so với năm 2001, có 589 ngàn máy tuốt, đập lúa, riêng ĐBSCL có hơn 11 ngàn máy gặt các loại (trong đó, hơn 6.600 máy gặt đập liên hợp). Nhìn chung, chúng ta mới chỉ cơ giới hóa được ở khâu làm đất, tuốt đập, vận chuyển và xay xát… lúa gạo, còn các khâu khác như gieo cấy, thu hoạch, chăm sóc… vẫn còn phụ thuộc vào lao động thủ công là chính. Ngoài ra, hiện trạng cơ giới hóa trong nông nghiệp còn chưa đồng bộ, toàn diện. Tính chung, trang bị động lực trong sản xuất mới chỉ được 1,3 HP/ha canh tác. So với một số nước như Thái Lan, Hàn Quốc, trang bị cơ giới hóa của ta chỉ bằng 1/3 của họ.
Một phần là do tình trạng đất đai. Chúng ta có quá ít ruộng đất, lại phân chia manh mún, nhiều bờ, nhiều thửa… Nếu áp dụng khoa học kỹ thuật thì hiệu quả tăng thêm cho mỗi gia đình không lớn (tính toán cho biết, hiệu quả khi đầu tư công nghệ chỉ tăng vài chục ngàn hay nhiều nhất là 100 ngàn đồng /sào canh tác) do vậy người nông dân không mặn mà cho lắm. Chính vì vấn đề đất đai là trở ngại lớn nhất cho cơ giới hóa nông nghiệp nên Nhà nước chủ trương dồn điền đổi thửa, tạo ra một cánh đồng mẫu lớn, tạo một sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà kinh doanh), đồng thời, trên cánh đồng mẫu lớn đó có thể áp dụng khoa học công nghệ, sử dụng được các công cụ lao động tiên tiến, công nghệ hiện đại. Hiện, việc dồn điền đổi thửa còn nhiều vướng mắc trong khâu phân loại, phân chia; tiêu thức phân chia, đền bù chưa thống nhất, thỏa đáng… nhiều nông dân chưa thông, còn nhiều thắc mắc, kêu ca… khiến chủ trương này đang diễn ra chậm chạp, chưa dứt điểm triệt để.
Một phần là do thiếu vốn. Nhà nước đã có một số nghị định, nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Nghị định 61/2010/NĐ-CP nhằm khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và các chính sách hỗ trợ đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; Quyết định 315/QĐ-TTg về bảo hiểm nông nghiệp; Quyết định số 1956/QĐ-TTg về đào tạo nghề nông thôn; đặc biệt là Nghị định số 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhằm giúp nông dân vay tiền để phát triển sản xuất. Chủ trương đúng đắn, tuy nhiên, khâu thực hiện còn nhiều bất cập nên vốn khó đến tay nông dân. Một lý do từ phía người nông dân là do nông dân có diện tích canh tác thấp, ít có nhu cầu mua máy nông nghiệp, trong khi lại cần vốn để mua vật tư hơn. Một lý do khác là từ phía các ngân hàng, họ vẫn liệt khoản cho vay vốn phát triển sản xuất nông nghiệp vào hàng rủi ro cao. Nguyên nhân là do sản xuất nông nghiệp phần lớn phụ thuộc vào yếu tố thiên nhiên, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh khiến người nông dân có thể mất trắng, khả năng trả nợ rát khó. Mặt khác, đối với các món vay nông nghiệp so với các món vay ở các lĩnh vực khác lại khá nhỏ, trong khi ngân hàng vẫn phải hoàn thiện đầy đủ các khâu thẩm định dự án, lập hồ sơ cho vay, đánh giá tài sản thế chấp... Đây cũng là điều khiến cho nhiều ngân hàng không mặn mà với các món vay này. Do hạn chế của việc thiếu vốn đầu tư nên việc mở rộng các ngành, các lĩnh vực sản xuất trong nông nghiệp đều gặp khó khăn và diễn ra chậm chạp
Phần nữa là bất cập về nhân lực. Người nông dân chưa có trình độ hiểu biết cũng như kỹ năng sử dụng máy móc thiết bị khoa học công nghệ cao. Chúng ta lại chưa đào tạo được đội ngũ công nhân nông nghiệp lành nghề để có thể về nông thôn làm việc. Phần lớn người vận hành máy móc nông nghiệp đều chưa qua tào đạo, trình độ rất thấp, thêm nữa, số lượng kỹ sư, cao đẳng, công nhân trong các cơ sở chế tạo máy móc rất ít, chưa đáp ứng được nhu cầu. Tiêu chí của nông nghiệp hiện đại là chuyển 70% lao động nông nghiệp sang làm các ngành nghề khác, chỉ 30% làm trong ngành sản xuất nông nghiệp, điều này còn xa vời với chúng ta.
Giải pháp
Để công cuộc thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn hiệu quả, nhanh chóng thành hiện thực, tiến tới hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển nông thôn trong lương lai, cần xúc tiến mạnh các giải pháp sau:
- Đẩy mạnh sắp xếp lại nông nghiệp, tái cơ cấu lại ngành nghề sản xuất, canh tác nông nghiệp; Thay đổi quy trình sản xuất, thay đổi tập quán canh tác, thay đổi tư duy tiêu dùng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp;
- Đẩy nhanh quá trình dồn điền đổi thửa trên cả nước, tạo ra các cánh đồng mẫu lớn, các vùng canh tác lớn để sản xuất chuyên canh tạo ra một khối lượng sản phẩm lớn, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa về chất lượng và số lượng tiêu thụ;
- Chỉ đạo ngành công nghiệp hỗ trợ cho cơ khí nông nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế tạo máy cho nông nghiệp, xây dựng cơ sở chế biến và sơ chế, dịch vụ cơ khí nông nghiệp… Quan tâm nghiên cứu, đào tạo, huấn luyện cán bộ kỹ thuật, đội ngũ vận hành máy móc lành nghề;
- Nhà nước thực hiện các chính sách ưu đãi về vốn cho sản xuất nông nghiệp thông qua tăng cường nguồn NSNN đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Bảo đảm đầu tư từ NSNN cho nông nghiệp, nông thôn 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 cao gấp 2 lần giai đoạn 2006 - 2010 như Nghị quyết 26 đã nêu. Nguồn chi NSNN cho nông nghiệp, nông thôn nên duy trì tỷ lệ khoảng 60% tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách và trái phiếu chính phủ; Tăng vốn đầu tư trực tiếp phát triển nông nghiệp theo hướng ưu tiên nâng cao năng lực, hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ, nhằm tạo ra những đột phá mới về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Chủ trương đầu tư cần quan tâm cơ giới hóa, bảo quản, chế biến sau thu hoạch, giảm thất thoát và gia tăng giá trị của sản phẩm;
- Tháo gỡ các khó khăn trong việc cho nông dân vay, như:
+ Tháo gỡ, sửa đổi quy định về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất: Nhiều HTX, hộ sản xuất kinh doanh vì không có tài sản thế chấp do chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất hoặc giá trị tài sản thế chấp thấp, số tiền được vay rất thấp, không đáp ứng nhu cầu vay vốn, vẫn cần có sự bảo lãnh vay vốn hoặc tín chấp của ngân hàng.
+ Hướng dẫn nông dân lập dự án vay: Đa phần các chủ trang trại, gia trại hay hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn không có khả năng lập dự án/phương án sản xuất kinh doanh dẫn đến khó khăn trong việc lập hồ sơ vay vốn gửi ngân hàng.
+ Giản đơn các thủ tục vay: Nhiều ý kiến phản ánh, thủ tục vay ngân hàng chưa thuận tiện, mất nhiều thời gian do liên quan đến việc thẩm định, kiểm tra trước khi cho vay của ngân hàng và các thủ tục khác như công chứng, chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm...
- Tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp và đặc biệt là vốn FDI, vốn ODA đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam.
Chỉ có thực hiện các giải pháp trên, mục tiêu đưa nền nông nghiệp nước ta thành nền nông nghiệp hiện đại mới có thể hiện thực hóa được.
Nguồn tham khảo:
- Bài Cần tăng cường vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn (panpacific.vn);
- Thuvienphapluat.vn;
- vov1.vov.vn;
- Nghị định số 41/2010/NĐ-CP;
- Nghị định số 61/2010/NĐ-CP.;