Đẩy nhanh giải pháp để ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước “cất cánh"
Công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa quốc gia.
Công nghiệp hỗ trợ - chìa khóa phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo
Theo các chuyên gia kinh tế, ở tầm vĩ mô, phát triển công nghiệp hỗ trợ giúp giảm nhẹ kim ngạch nhập khẩu đầu vào sản xuất, qua đó, giúp hạn chế các căng thẳng về thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế (nhất là cán cân thương mại) cũng như ngoại tệ đối với những nước nhập khẩu hàng hóa.
Ông Trương Thanh Hoài – Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) khẳng định: Phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng trong quá trình tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển dịch cơ cấu, tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP, nâng cao giá trị gia tăng trong nước và sức cạnh tranh của ngành công nghiệp.
Trong các ngành dệt may, da giày, 64% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cung cấp cho thị trường trong nước (trong đó 3% cung cấp cho doanh nghiệp FDI), 9% xuất khẩu và 27% cung cấp cho cả hai thị trường; trong các ngành cao su, nhựa, hóa chất, số doanh nghiệp cung cấp cho trường trong nước chiếm 52% và hoàn toàn cho xuất khẩu là 4%, 44% còn lại cung cấp cho cả hai thị trường; trong ngành điện tử có 44% doanh nghiệp cung cấp cho thị trường trong nước (trong đó 22% cung cấp hoàn toàn cho FDI), 16% cung cấp cho thị trường xuất khẩu và 40% số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của ngành cung cấp cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu...
Hỗ trợ, ưu tiên để công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn đang còn rất yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước. Một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ôtô, xe máy… hầu như chưa có ngành công nghiệp hỗ trợ đi kèm, đang phải phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.
Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có trình độ công nghệ khá thấp, năng lực quản lý, trình độ sản xuất còn nhiều hạn chế... Hiện nay, chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 9.000.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghệ hỗ trợ Hà Nội, Việt Nam chỉ có khoảng 0,2% trong tổng số gần 1 triệu doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào sản xuất, chế tạo trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Đây là con số quá thấp khi so sánh với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ tại một số nước ngay trong khối ASEAN.
Là một trong những khu công nghiệp lớn của cả nước, Tỷnh Bình Dương hiện có hơn 2.300 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ, gồm dệt may, da giày, chế biến gỗ và cơ khí. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực này có quy mô nhỏ, chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu.
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công Thương Tỷnh Bình Dương, nguồn cung từ các DN trong nước chỉ đáp ứng được từ 40-45% cho ngành dệt may, da giày, 10-20% cho sản xuất, lắp ráp ôtô dưới 9 chỗ, 15% cho điện tử, tin học, viễn thông, 5% cho điện tử chuyên dụng và công nghệ cao.
Để ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Bình Dương đã hình thành Khu công nghiệp (KCN) tại huyện Bàu Bàng với quy mô trên 1.000ha, ưu tiên thu hút vốn đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài.
Đến nay, đã có nhiều dự án về công nghiệp hỗ trợ từ các tập đoàn lớn trên thế giới được triển khai tại KCN này. Điển hình là dự án nhà máy sản xuất bố lốp, túi khí ôtô với vốn đầu tư lên tới 1 Tỷ USD của Tập đoàn Kolon (Hàn Quốc) nhằm cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất ôtô.
Dự án nhà máy chuyên sản xuất bao bì đóng gói vô trùng từ giấy, nhựa và nhôm để đóng gói thực phẩm của Công ty Cổ phần Tetra Park Bình Dương (Singapore), có vốn đầu tư đăng ký 124 triệu USD tại KCN VSIP II...
Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp nhỏ và vừa (88%), thiếu thông tin thị trường và cơ hội tiếp cận khách hàng. Xét theo chuỗi giá trị, Tỷ trọng doanh nghiệp hoạt động ở các phân khúc mang lại giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị khá thấp, chỉ có khoảng 19% doanh nghiệp dệt may, da giầy và 33% doanh nghiệp điện tử có thực hiện công đoạn thiết kế trong quá trình sản xuất.
Tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiếp cận được các ưu đãi, hỗ trợ từ các chương trình của Nhà nước vẫn còn khá thấp, chỉ đạt khoảng 17%.