Đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu
Tính đến ngày 30/11/2017, VAMC đã phát hành TPĐB để mua nợ của 14 TCTD với tổng dư nợ gốc nội bảng là 30.914 tỷ đồng
Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của Quốc hội đã đi vào cuộc sống được hơn 4 tháng. Là một trong những lực lượng nòng cốt trong công tác xử lý nợ xấu, VAMC đã triển khai quyết sách lớn trên ra sao và hiệu quả như thế nào. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với Chủ tịch HĐTV VAMC ông Nguyễn Tiến Đông.
Ông có thể cho biết, kết quả triển khai Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD?
Việc VAMC được thực hiện quyền thu giữ TSBĐ đã giúp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý TSBĐ, tránh trường hợp chủ tài sản cố tình chây ì, chống đối kéo dài thời gian xử lý. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để VAMC và các TCTD quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy và nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu.
Đơn cử, ngày 21/7/2017, VAMC đã tiến hành thu giữ TSBĐ cho khoản nợ của nhóm khách hàng CTCP Sài Gòn One Tower là Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C tại TP.Hồ Chí Minh để xử lý nhằm thu hồi nợ. Khoản nợ xấu của nhóm khách hàng CTCP Sài Gòn One Tower là khoản nợ xấu lớn nhất mà VAMC đã mua bằng TPĐB với tổng nợ gốc và lãi gần 7.000 tỷ đồng.
Trong quá trình triển khai Nghị quyết số 42, VAMC gặp vướng mắc gì không, thưa ông?
Về cơ bản, Nghị quyết số 42 là cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong xử lý nợ xấu thời gian qua. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, VAMC nhận thấy có một số quy định pháp lý cần tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát sinh.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 7 Nghị quyết 42 thì điều kiện lớn nhất để TCTD, VAMC có quyền thu giữ TSBĐ là tại Hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho TCTD có quyền thu giữ TSBĐ. Trên thực tế phần lớn Hợp đồng bảo đảm đã ký trước ngày Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 có hiệu lực (01/01/2017) giữa TCTD và khách hàng đều không có thỏa thuận cụ thể về quyền thu giữ TSBĐ, mà chỉ quy định chung chung như bên nhận thế chấp được xử lý TSBĐ theo quy định của pháp luật… Vì vậy, VAMC đề nghị có hướng dẫn cụ thể về quyền thu giữ TSBĐ đối với Hợp đồng bảo đảm xác lập trước ngày 01/01/2017.
Về việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp theo Điều 8 Nghị quyết 42 quy định việc tòa án được áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ hoặc tranh chấp về quyền xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện nội dung này trong thực tế phải phụ thuộc vào thời gian ban hành hướng dẫn thực hiện của Tòa án nhân dân tối cao. Ngay cả quy định cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến TSBĐ của khoản nợ xấu của TCTD, VAMC tại Tòa án cũng chưa thực sự thông thoáng.
Hay như quy định tại Khoản 3 Điều 317 và Khoản 4 Điều 323 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu xuất hiện tình tiết mới mà các bên đương sự không thống nhất làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì Tòa án phải ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường và kéo dài thời gian đeo đuổi tại toà.
Đối với các trường hợp khách hàng không hợp tác, chống đối, rất dễ dẫn đến trường hợp con nợ và các bên liên quan cố tình tạo ra các tình tiết mới mà giữa VAMC hoặc TCTD và khách hàng, các bên liên quan không thể thống nhất được nhằm kéo dài thời gian giải quyết vụ việc và thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Vì vậy, nếu không có hướng dẫn cụ thể đối với các quy định nêu trên, việc áp dụng các thủ tục rút gọn được quy định tại Nghị quyết 42 có thể khó thực hiện trong quá trình triển khai thực tế.
Vậy ông có đề xuất gì để tháo gỡ những vướng mắc trên?
Để có thể thực hiện được một trong những biện pháp hỗ trợ TCTD bị kiểm soát đặc biệt trong việc xử lý khoản nợ không có TSBĐ hoặc nợ xấu có TSBĐ đang bị kê biên, không có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ, cần có các quy định đặc thù hơn để VAMC có thể xử lý các khoản nợ mua theo các trường hợp này.
Ngoài ra, nhằm tháo gỡ những vướng mắc hiện nay để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xử lý nợ xấu, VAMC kiến nghị, sửa đổi, bổ sung Nghị định 53/2013/NĐ-CP quy định Công ty Quản lý tài sản là doanh nghiệp hạng đặc biệt. Tòa án nhân dân tối cao sớm ban hành hướng dẫn để thực hiện Nghị quyết 42 cũng như sửa đổi Khoản 6 Điều 272 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về quy định việc ủy quyền nội dung kháng cáo phải được làm thành văn bản có công chứng, chứng thực hợp pháp là những quy định có ý nghĩa quan trọng để đẩy nhanh thời gian giải quyết các vụ việc khiếu nại phức tạp trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo.
Xin cảm ơn ông!
Tính đến ngày 30/11/2017, VAMC đã phát hành TPĐB để mua nợ của 14 TCTD với tổng dư nợ gốc nội bảng là 30.914 tỷ đồng, giá mua nợ là 30.374 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2013 đến 30/11/2017, VAMC đã thực hiện mua được 26.204 khoản nợ của 16.255 khách hàng tại 42 TCTD, với tổng dư nợ gốc nội bảng là 306.469 tỷ đồng, giá mua nợ là 276.298 tỷ đồng.
Về công tác mua nợ theo giá trị thị trường, đến 30/11/2017 VAMC đã thực hiện mua 2 khoản nợ của 2 khách hàng với dư nợ gốc đạt 200,04 tỷ đồng, giá mua nợ là 185,8 tỷ đồng. Từ đầu năm đến 25/11/2017, VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi nợ số tiền 21.648 tỷ đồng, đạt 94% kế hoạch thu hồi nợ năm 2017 của VAMC. Trong đó, đối với các khoản nợ đã mua theo giá trị thị trường, VAMC đã thu hồi được 380 triệu đồng. Lũy kế từ năm 2013 đến 25/11/2017, VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi nợ được 72.663 tỷ đồng.