Đề cao trách nhiệm cá nhân trong quản lý nợ công
Theo Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH 14 ngày 23/11/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018, nợ công bao gồm: Nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương.
Nhà nước quản lý thống nhất về nợ công, bảo đảm việc thực thi trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan quản lý nợ công; bảo đảm chính xác, tính đúng, tính đủ nợ công; công khai, minh bạch trong quản lý nợ công và gắn với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý nợ công…
Những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý nợ công là: vay, cho vay, bảo lãnh không đúng thẩm quyền hoặc chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, vượt hạn mức đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Sử dụng vốn vay không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức; không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ. Vụ lợi, chiếm đoạt, tham nhũng trong quản lý, sử dụng nợ công. Làm trái quy định của Nhà nước về quản lý nợ công; thiếu trách nhiệm gây thất thoát, lãng phí vốn vay. Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin về nợ công theo quy định của pháp luật. Cản trở hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý nợ công.
Đáng chú ý, theo Điều 9 quy định xử lý vi phạm pháp luật về quản lý nợ công, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải giải trình và chịu trách nhiệm bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý nợ công của cơ quan, tổ chức. Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nợ công thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại, phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Hơn nữa, theo Điều 23 của Nghị định 94/2018/NĐ-CP, ngày 30-6-2018 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 về nghiệp vụ quản lý nợ công, các cá nhân cũng phải chịu trách nhiệm xử lý và bồi thường theo quy định của pháp luật nếu sử dụng vốn vay sai mục đích, cố ý làm trái quy định làm phát sinh rủi ro nợ công. Nhận diện rủi ro quy định trong Điều 24 bao gồm: rủi ro về lãi suất, tỷ giá ngoại tệ do biến động trên thị trường tài chính; rủi ro thanh khoản do thiếu các tài sản tài chính có tính thanh khoản để thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ nợ đến hạn theo cam kết, bao gồm khả năng trả nợ của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; rủi ro do biến động thị trường tài chính ảnh hưởng đến việc huy động vốn, dẫn đến phải đảo nợ với chi phí cao hoặc mất khả năng đảo nợ; rủi ro tín dụng do đối tượng được vay lại, đối tượng được bảo lãnh không trả được nợ đầy đủ, đúng hạn; các loại rủi ro khác có thể ảnh hưởng an toàn nợ công.
Đáng lưu ý, nợ công ở Việt Nam đang bước đầu được cải thiện, giảm từ mức khoảng 64,8% GDP năm 2015 xuống khoảng 61,3% hiện nay; nhưng thực tế, nước ta (giống như 40 quốc gia khác) chưa đưa vào nợ công những khoản nợ các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tự vay tự trả. Thực tiễn thế giới và trong nước cho thấy, khi phát sinh bất ổn trên thị trường tài chính, việc DNNN mất khả năng thanh toán các khoản nợ nước ngoài dù là tự vay tự trả, vẫn có thể trực tiếp hay gián tiếp làm tăng những khoản chi ngân sách nhà nước để “trả nợ đậy” hoặc để triển khai các gói kích cầu và giữ ổn định vĩ mô nền kinh tế, tức tạo áp lực làm tăng gánh nặng nợ công. Vì vậy, cần tiếp tục xem xét, hoàn thiện những quy định, thể chế nghiêm khắc cần thiết gắn với trách nhiệm cá nhân, nhằm phòng ngừa và xử lý kịp thời các hành vi lạm quyền và tham nhũng trong quản lý nợ của DNNN nói riêng và nợ công nói chung.
Có thể nói, cùng với các giải pháp đồng bộ khác, việc hạn chế thẩm quyền và tăng trách nhiệm của cá nhân, không ngoại trừ ai, một cách rõ ràng và nghiêm khắc, bao quát toàn bộ quá trình và nội dung quản lý nhà nước về nợ công là nét mới quan trọng, mang tính đột phá tích cực trong sự phát triển nhận thức, thể chế quản lý nợ công ở nước ta; đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền và kiến tạo, góp phần bảo đảm an toàn nợ công…