Để có tăng trưởng xanh
(Tài chính) Mô hình tăng trưởng hướng tới sự phát triển bền vững mà cộng đồng quốc tế thừa nhận và đang phấn đấu thực hiện là tăng trưởng xanh. Trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, việc lựa chọn và thực hiện tăng trưởng xanh cũng đang trở thành con đường tất yếu.
Kinh tế xanh và tăng trưởng xanh trên thế giới
Liên Hiệp Quốc định nghĩa "nền kinh tế xanh" là một nền kinh tế nhằm cải thiện hạnh phúc con người, công bằng xã hội và giảm thiểu đáng kể những nguy cơ kiệt quệ về môi sinh. Có nhiều khái niệm khác về kinh tế xanh nhưng tựu chung về bản chất, đây là nền kinh tế đạt được trạng thái cân bằng giữa ba yếu tố là tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.
Kinh tế xanh được chứng minh là có hiệu quả về mặt dài hạn hơn hẳn kinh tế nâu (nền kinh tế khai thác và sử dụng nhiều năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, gây tổn hại cho môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, gây biến đổi khí hậu quy mô toàn cầu và đe dọa cuộc sống con người).
Phát triển kinh tế các - bon thấp, tăng trưởng xanh đang là xu hướng mới trong lộ trình tiến tới nền kinh tế xanh. Tăng trưởng xanh là định hướng mới thúc đẩy kinh tế phát triển theo những mô hình tiêu thụ và sản xuất bền vững, nhằm đảm bảo nguồn vốn tự nhiên tiếp tục cung cấp những nguồn lực và dịch vụ sinh thái mà đời sống của chúng ta phụ thuộc vào, cho thế hệ này cũng như cho những thế hệ mai sau.
Tăng trưởng xanh, kinh tế xanh là mục tiêu của nhiều nước trên thế giới hiện nay. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu kinh tế xanh, giai đoạn 2011-2050 các khoản đầu tư sẽ tăng lên do tăng trưởng kinh tế, đến năm 2050 đạt 3,9 nghìn tỷ USD, khi đó thế giới sẽ chuyển dịch các hoạt động đầu tư “nâu” sang các hoạt động đầu tư “xanh”, xét về mô hình kinh tế vĩ mô trong dài hạn, với mức độ đầu tư này sẽ có một sự cải thiện đáng kể theo hướng kinh tế xanh và sẽ làm tăng tổng lượng của cải toàn cầu.
Đầu tư tài chính cho tăng trưởng xanh còn tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, theo tính toán của Liên Hiệp Quốc năm 2009 ở châu Âu và Mỹ, việc đầu tư tài chính xây dựng các tòa nhà xanh đã tạo ra 2-3,5 triệu việc làm. Ở Trung Quốc, đầu tư cho lĩnh vực tái chế chất thải đã tạo ra 10 triệu việc làm và doanh thu 17 tỷ USD/năm.
Ở các nước đang phát triển, theo tính toán và dự báo của ngân hàng thế giới (WB), đối với nhu cầu đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế xanh như năng lượng, xây dựng, vận tải trên toàn cầu có thể lên tới 563 tỷ USD vào năm 2030 cùng với 100 tỷ USD thích ứng với biến đổi khí hậu.
Từ các cơ sở dữ liệu này cho thấy nếu đầu tư vào kinh tế xanh tạo ra tăng trưởng xanh là chiến lược dài hạn cho phát triển bền vững trong tương lai.
Những rào cản đối với doanh nghiệp Việt Nam
Tại Việt Nam, nền kinh tế phát triển theo hướng "nâu hóa" sau một thời gian dài đã và đang để lại nhiều hệ lụy. Tăng trưởng kinh tế ở mức tương đối cao nhưng thiếu bền vững; tăng trưởng dựa nhiều vào tài nguyên và vốn đầu tư, cường độ sử dụng năng lượng ngày càng tăng và cao hơn mức trung bình thế giới.
Bên cạnh đó, vấn đề môi trường ngày càng nghiêm trọng với các hiện tượng ô nhiễm công nghiệp, suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu... Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng trong xã hội. Thực tế này đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững và tăng trưởng xanh, hướng tới kinh tế xanh.
Trước yêu cầu từ thực tế, tháng 9/2012, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh với 3 nhiệm vụ trọng tâm là giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Hiện tại, kế hoạch hành động thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia đang được hoàn thiện với nhiều hành động cụ thể.
Theo các chuyên gia, việc thực hiện xanh hóa trong quá trình sản xuất ở các DN sẽ đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, thực tế trên cho thấy, việc chuyển đổi thành một DN xanh khiến DN sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi phải giải quyết hàng loạt các vấn đề như: Chi phí đầu tư xử lý môi trường, đổi mới công nghệ lớn không phải DN nào cũng thực hiện được; Sự cạnh tranh thiếu công bằng với những DN chưa thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường; Các sản phẩm xanh thường có giá cao hơn các sản phẩm thông thường nên khó tiêu thụ..
Với những rào cản đó, các DN, các địa phương rất cần nguồn lực nguồn lực tài chính và chính sách hỗ trợ của Chính phủ để tham gia chiến lược tăng trưởng xanh.
Tài chính cho tăng trưởng xanh
Việt Nam đã và đang huy động mọi nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh và chống biến đổi khí hậu. Theo đó, mỗi năm Chính phủ dành khoảng 1 tỷ USD cho các chương trình và dự án biến đổi khí hậu, trong đó có tăng trưởng xanh thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, chương trình liên quan trực tiếp đến biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó, từ năm 1993 đến nay, Chính phủ Việt Nam đã dành khoảng 2 tỷ USD vốn ODA cho các dự án, chương trình liên quan đến tăng trưởng xanh. Ngoài ra, các tổ chức, các quỹ quốc tế cũng tham gia cung cấp tài chính hoặc hỗ trợ kỹ thuật, như Chương trình giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển (REDD+), Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, cơ chế phát triển sạch (CDM)…
Tuy nhiên, nguồn tài chính còn phân bổ rải rác và chưa tập trung, những tính toán mới nhất cho thấy, để giảm phát thải khí CO2 (8% đến 10% như mục tiêu đề ra) trong những lĩnh vực cụ thể như xây dựng, xi măng, sắt thép, giao thông vận tải, giấy và bột giấy…từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần hơn 30 tỷ USD. Đây là khoản kinh phí không nhỏ đối với Việt Nam nên để huy động được nguồn lực này ngoài nguồn tài trợ từ chính phủ, cần tích cực huy động hơn nguồn lực từ khu vực ngoài nhà nước và cộng đồng quốc tế.