Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa qua thương mại điện tử 

Lưu Nhân - Vũ Ngọc

Thời gian qua, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam qua các nền tàng thương mại điện tử liên tục có sự tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, để hoạt động này tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa, cần có thêm nhiều giải pháp. Bài viết này, tập trung đưa ra các giải pháp cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam qua các nền tảng thương mại điện tử.

Các nền tảng thương mại điện tử giúp tăng khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp với khách hàng tiềm năng,
Các nền tảng thương mại điện tử giúp tăng khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp với khách hàng tiềm năng,

Đối với Nhà nước

Cần có những chính sách nhằm xây dựng môi trường kinh doanh phù hợp cho các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động thương mại quốc tế qua các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT). Các quy trình, thủ tục hải quan cần được đơn giản hóa nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia nhưng vẫn đảm bảo phòng chống các hiện tượng gian lận thương mại.

Bên cạnh những chính sách của Việt Nam thì hoạt động thương mại quốc tế qua các nền tảng TMĐT cũng phụ thuộc vào cả chính sách của các nước đối tác thương mại. Do đó, Chính phủ cần tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán thương mại song phương và đa phương, tham gia vào việc xây dựng các quy tắc quốc tế về thương mại quốc tế qua các nền tảng TMĐT và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường quốc tế.

Xây dựng một hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT nhằm tiếp nhận, lưu trữ, xử lý thông tin và thực hiện đánh giá rủi ro, kịp thời cảnh báo các vấn đề cho các đơn vị quản lý liên quan.

Đầu tư xây dựng và nâng cấp hạ tầng để phục vụ TMĐT, bao gồm: công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, hoạt động thanh toán quốc tế. Bên cạnh đó, vấn đề xây dựng kho hàng tại Việt Nam, sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu tiết kiệm được chi phí.

Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực đảm bảo có thể làm việc được cả trên môi trường số cũng như môi trường quốc tế. Các trường đại học, các trung tâm đào tạo, đặc biệt là các trường có đào tạo về thương mại quốc tế cần đưa các nội dung về công nghệ cũng như TMĐT vào trong các chương trình đào tạo.  

Đối với doanh nghiệp

Các nền tảng thương mại điện tử giúp tăng khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp với khách hàng tiềm năng, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.

Để tối ưu hóa điều này thì công tác nghiên cứu thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp cần được đẩy mạnh. Doanh nghiệp xuất khẩu cần nghiên cứu kỹ các cam kết, quy tắc về chất lượng sản phẩm, bao bì và nguồn gốc xuất xứ của nước xuất khẩu để hạn chế những vấn đề phát sinh.

Việc nghiên cứu tìm ra được thị trường phù hợp sẽ giúp cho cơ hội tìm được khách hàng tiềm năng cao hơn, qua đó giúp tiết kiệm chi phí hoạt động. 

Để có thể giữ chân được khách hàng, đặc biệt là những khách hàng ở thị trường quốc tế thường có những yêu cầu tương đối khắt khe thì điều kiện đặt ra là các doanh nghiệp cần đảm bảo và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sau bán hàng.

Song hành cùng với đó là xây dựng thương hiệu nhằm giúp khách hàng có được trải nghiệm mua sắm tốt nhất, từ đó nâng cao độ tin cậy cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Như vậy, hoạt động thương mại quốc tế qua các nền tảng thương mại điện tử của doanh nghiệp mới có thể được triển khai bền vững.

Các doanh nghiệp cũng có thể thỏa thuận, đàm phán với các nền tảng thương mại điện tử nhằm xây dựng những chính sách ưu đãi dành riêng cho các hoạt động kinh doanh qua các nền tảng này, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh qua các kênh thương mại điện tử.