Phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy kinh tế số trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

TS. Trần Tuấn Anh - Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh - Đại học Thái Nguyên

Phát triển thương mại điện tử là cơ hội để thúc đẩy nền kinh tế số tạo nền tảng thuận lợi cho việc ứng dụng các mô hình kinh doanh cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên, hoạt động thương mại điện tử tại địa phương này còn nhiều hạn chế, do điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cho việc mua - bán, thanh toán qua mạng, vốn đầu tư lớn… Những hạn chế này cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới để thúc đẩy hoạt động kinh tế số ở tỉnh Hưng Yên phát triển ổn định, bền vững.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Đặt vấn đề

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) mang lại nhiều sự thay đổi về kinh tế - xã hội trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Việc phát triển kinh tế số trong bối cảnh CMCN 4.0 là xu hướng tất yếu khách quan, là nhiệm vụ của các cấp, ngành và xã hội. Nhận diện được xu thế và tầm quan trọng của chuyển đổi số, ngày 15/6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên (khóa XIX) đã ban hành Nghị quyết về “Chương trình chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Mục tiêu tổng quát của Chương trình là “Xây dựng chính quyền điện tử, phát triển kinh tế số và xã hội số, chuyển đổi số toàn diện. Đến năm 2030, tỉnh Hưng Yên thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dẫn đầu về chuyển đổi số”.

Trong đó, phát triển thương mại điện tử (TMĐT) là nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Phát triển TMĐT là cơ hội để thúc đẩy nền kinh tế số, là môi trường thuận lợi để ứng dụng các mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh Hưng Yên còn tồn tại nhiều hạn chế, do điều kiện về cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cho việc mua - bán, thanh toán qua mạng, vốn đầu tư lớn, thiếu đội ngũ nhân viên có kiến thức để vận hành quản lý hoạt động TMĐT… Do đó, hoạt động thương mại tại địa bàn tỉnh Hưng Yên chưa đạt kỳ vọng như mong muốn.

Kết quả nghiên cứu

Phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

Theo số liệu thống kê, đến hết tháng 6/2022, Hưng Yên có trên 5.000 doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh (HKD) tham gia giao dịch TMĐT qua nhiều hình thức (Bảng 1).

Bảng 1: Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia thương mại điện tử tại Hưng Yên

STT

Nội dung

Số lượng

1

Số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã hộ kinh doanh tham gia sàn thương mại điện tử

- Sàn Sendo:576

- Shopee: 4718

2

Tổng số mặt hàng được giới thiệu, cung cấp trên sàn thương mại điện tử

- Sàn Sendo: 16.327

- Shopee: 141.134

3

Tổng số giao dịch 2021 và 6 tháng 2022

- Sàn Sendo: 117.343

- Shopee: 7.013.851

4

Tổng kinh phí giao dịch 2021 và 6 tháng đầu năm 2022

- Sàn Sendo: 18.591.561.342 đồng

- Shopee: 777.498.092.757 đồng

Tổng số: Khoảng 1.000 tỷ đồng

Nguồn: Tổng hợp của tác giả

Đến tháng 6/2022, Hưng Yên có 576 DN, HTX, HKD tham gia sàn Sendo, với 16.327 sản phẩm và 117.343 sàn giao dịch; 4.718 DN, HTX, HKD tham gia sàn Shopee với 141.134 sản phẩm và 7.013.851 giao dịch. Hiện nay, sàn giao dịch TMĐT ở Hưng Yên đã được triển khai tại địa chỉ ecomhungyen.vn; có 52 DN, tổ chức, cá nhân đã đăng ký tham gia với trên 100 sản phẩm được bày bán trên Sàn Giao dịch TMĐT của Tỉnh. Ứng dụng TMĐT trong hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và năng lực cạnh tranh quốc gia; thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; đồng thời, là nhu cầu cấp thiết để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Qua khảo sát, các DN, HTX, HKD tham gia thương mại trên địa bàn tỉnh Hưng Yên cho thấy, có 80% DN sử dụng thường xuyên thư điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh; 60% DN có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên hoạt động và quảng bá sản phẩm; 40% DN tham gia các trang thông tin điện tử bán hàng để mua bán các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; 30% DN ứng dụng các phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lý sản xuất kinh doanh.

Hàng năm, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội TMĐT Việt Nam điều tra, khảo sát đánh giá chỉ số TMĐT trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2020 đến tháng 6/2022 chỉ số TMĐT của Hưng Yên như Bảng 2.

Bảng 2: Chỉ số thương mại điện tử tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020 - tháng 6/2022

Xếp hạng chỉ số/Năm

Chỉ số về nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin

Chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C)

Chỉ số giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B)

Năm 2020

32/55

31/55

12/55

Năm 2021

10/56

21/56

13/56

Năm 2022

8/56

10/56

18/56

Nguồn: Thu thập của nhóm nghiên cứu

Bảng 2 cho thấy, Hưng Yên xếp thứ 8 về chỉ số về nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin; xếp thứ 10 về chỉ số về giao dịch giữa DN với người tiêu dùng (B2C) và xếp thứ 18 về chỉ số giao dịch giữa DN với DN (B2B). Hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh trong đẩy mạnh phát triển và ứng dụng TMĐT, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Trong thời gian qua, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, bên cạnh phương thức bán hàng truyền thống trưng bày, tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống cửa hàng, siêu thị và nhà phân phối, các DN HTX, HKD đã và đang từng bước ứng dụng chuyển đổi số, chủ động đưa sản phẩm của mình giới thiệu, bán hàng trên các sàn giao dịch TMĐT hoặc thông qua các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp. Điều này giúp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của các DN, HTX, HKD.

Việc tham gia các sàn TMĐT không chỉ giúp các DN, HTX, HKD quảng bá rộng rãi, tăng số lượng đơn hàng và doanh thu mà còn giúp các chủ thể sản xuất tìm kiếm thị trường và mở rộng các kênh tiêu thụ. Đồng thời, qua đó phát triển sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, hướng đến mục tiêu đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch TMĐT quốc tế. Tuy nhiên, hình thức bán hàng qua mạng như: Lập tài khoản trên mạng xã hội (facebook, zalo, Tiktok), bán hàng theo hình thức trực tiếp hoặc đăng bán. Đối với hình thức này các DN, HTX, HKD thường không giới thiệu địa chỉ cơ sở sản xuất kinh doanh, khách mua hàng chốt đơn trực tiếp hoặc qua tin nhắn. Một số DN nhỏ, HTX, HKD mặc dù đã được hỗ trợ trang web nhưng chủ yếu hoạt động dưới dạng giới thiệu hoạt động, mức độ ứng dụng mua bán hàng hoá còn thấp, chưa chú trọng đến quảng bá thương hiệu sản phẩm.

Đánh giá thực trạng phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

Ưu điểm

- Các DN, HTX, HKD được UBND Tỉnh, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ ứng dụng TMĐT nên đã mở rộng được thị trường, tiết kiệm được chi phí sản xuất và cải thiện hệ thống phân phối.

- Giao dịch qua TMĐT trên địa bàn Tỉnh đã trở thành phương thức giao dịch khá phổ biến, được DN, HTX, HKD và người tiêu dùng chủ động khai thác.

- Các DN, HTX, HKD sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn bước đầu xây dựng chiến lược phát triển ứng dụng TMĐT cho riêng mình.

Hạn chế

Một là, về thể chế, chính sách: Hệ thống thể chế, chính sách cũng như các thiết chế thực thi, giải quyết tranh chấp và hiệu lực của cơ quan thực thi liên quan đến phát triển kinh tế số, TMĐT còn chưa đồng bộ và hiệu quả.

Hai là, về cơ sở hạ tầng: Việc triển khai TMĐT của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Tỉnh còn hạn chế, do điều kiện về cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cho việc mua, bán, thanh toán qua mạng, vốn đầu tư lớn. Đa số các DN sử dụng website TMĐT để trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hàng hoá của đơn vị mình đến khách hàng mà chưa quan tâm triển khai, phát triển hệ thống thanh toán, bán hàng thông qua website TMĐT.

Ba là, về nguồn nhân lực thương mại điện tử: Đội ngũ cán bộ chuyên trách TMĐT còn thiếu, chủ yếu là kiêm nhiệm. Nhiều đơn vị chưa quan tâm đúng mức về việc ứng dụng TMĐT trong sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường.

Nguồn nhân lực và công tác đào tạo nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý nhà nước cũng như DN còn nhiều hạn chế, bất cập về trình độ chuyên môn, hầu như trong các cơ quản quản lý nhà nước và DM nguồn nhân lực thực thi nhiệm vụ phát triển thương mại điện tử chưa được qua đào tạo.

Bốn là, nguồn kinh phí: Nguồn kinh phí để thực hiện công tác quản lý nhà nước, hỗ trợ phát triển TMĐT còn hạn hẹp chưa đáp ứng nhu cầu ứng dụng phát triển TMĐT trong xu thế hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.

Năm là, nhận thức về tầm quan trọng của thương mại điện tử: TMĐT là hình thức giao dịch thương mại ngày càng hiện đại và mới phát triển tại Việt Nam những năm gần đây. Đa số các DN, HTX, HKD sản phẩm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã nhận thức rõ vai trò quan trọng của TMĐT nhưng còn lúng túng trong việc triển khai.

Giải pháp phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số tại Hưng Yên

Để khắc phục những hạn chế trên, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, chính sách.

Xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, chính sách, đẩy mạnh cải cách và số hoá các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như các DN, bao gồm việc xây dựng kết cấu hạ tầng dữ liệu quốc gia, xây dựng chiến lược quản trị số. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính như đơn giản hoá, số hoá, điện tử hoá, minh bạch hoá thông tin để hỗ trợ người dân và DN. Tập trung vào việc phát triển chính phủ điện tử, ngân hàng điện tử, giao dịch điện tử và TMĐT.

Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Hỗ trợ, đào tạo cho các cán bộ lãnh đạo trong các DN, HTX, HKD quản lý tập trung và bán hàng đa kênh để có thể đảm bảo tính thống nhất, liên tục và đồng bộ của cả hệ thống trong cách quản lý các kênh, chi nhánh và sản phẩm.

Hỗ trợ các DN, tổ chức, cá nhân tham gia tập huấn kỹ năng khai thác thông tin thương mại trực tuyến; các kỹ năng tìm kiếm khách hàng trên internet; xây dựng và quản trị website TMĐT; ứng dụng marketing trực tuyến; sàn giao dịch TMĐT; kỹ năng xây dựng hình ảnh sản phẩm và hình ảnh DN; cách thức chăm sóc khách hàng, những dịch vụ sau bán hàng, các hình thức cam kết, quản lý chất lượng sản phẩm.

Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển thương mại.

Hỗ trợ DN, HTX, HKD phân phối, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là tiếp cận và áp dụng các phần mềm, ứng dụng trong phương thức kinh doanh TMĐT trên máy tính, điện thoại di động, sử dụng các ứng dụng, tiện ích mới như truy xuất nguồn hàng, QR Code, Data Matrix, RFID tại các kênh phân phối như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và thực hiện tốt các hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền.

Tiếp tục thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về phát triển TMĐT đến các cơ sở, DN, cung cấp thông tin, kiến thức về pháp luật liên quan đến TMĐT, các chương trình hỗ trợ phát triển TMĐT của Chính phủ, của Tỉnh đến DN.

Tài liệu tham khảo:

  1. Hiệp hội Thương mại điện tử - Vecom (2020, 2021, 2022), Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2020, 2021, 2022;
  2. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;
  3. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 414/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
  4. UBND tỉnh Hưng Yên (2021), Nghị quyết số 06–NQ/TU về “Chương trình chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”;
  5. Beatty R (1998), An empirical investigation into the salient factors used by organisations in the adoption of Web site technology. Doctoral Thesis, Mississippi State University;
  6. Cousins, P. D. (2002), A conceptualmodel formanaging long-erminter organizational Relationships, European Journal of Purchasing and Supply Management, 71-82.