Để doanh nghiệp, doanh nhân vững bước

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Doanh nghiệp (DN), doanh nhân được coi là lực lượng xung kích trên mặt trận kinh tế. Theo ý nghĩa này, việc nêu những kết quả đạt được cùng với những bất cập, hạn chế là điều cần thiết để DN, doanh nhân vươn lên trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

 Để doanh nghiệp, doanh nhân vững bước
Cơ cấu DN Việt Nam đã chuyển dịch theo hướng tích cực. Nguồn: internet

DN bước đầu “làm quen” với cơ chế thị trường

Nói về DN, tuy số DNNN, DN tập thể từ vài ba năm nay giảm mạnh, nhưng tổng số DN đã tăng lên trong hơn 10 năm qua. Cụ thể, số DN đang hoạt động đã gấp trên 7,7 lần, bình quân 1 năm tăng gần 18,6%. Đó là kết quả của việc chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, nhất là từ sau khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực.

Nếu năm 2001, bình quân 186 người dân mới có 1 DN, thì nay bình quân 27 người dân có 1 DN. Cũng trong thời gian đó, nhiều chỉ tiêu chủ yếu đã tăng: Số lao động (2,1 lần), vốn sản xuất kinh doanh (trên 14 lần), giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn (14,2 lần), doanh thu thuần sản xuất kinh doanh (12,9 lần)…

Cơ cấu DN Việt Nam đã chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng số lượng DNNN đã giảm (từ 13,6% năm 2001 xuống còn 1,1% hiện nay). Số DN ngoài Nhà nước tăng (từ 82,8% lên 95,8%). Tỷ trọng giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của DNNN đã giảm từ 55,8% xuống còn 45%; của DN ngoài Nhà nước tăng từ 8,2% lên 37,5%, chứng tỏ loại hình này đã khai thác được nguồn lực của xã hội và lớn mạnh về thiết bị, công nghệ…

Các DN đã bước đầu làm quen với cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập. Một bộ phận DN đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, làm quen dần với hạch toán, cạnh tranh, thương trường ở trong nước và thế giới…

Tuy nhiên DN quy mô bình quân 1 DN nhìn chung còn nhỏ (34,5 lao động, 48,6 tỷ đồng nguồn vốn, 15,3 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, 18,6 tỷ đồng tài sản cố định và đầu tư dài hạn, 1,13 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, 1,65 tỷ đồng thuế và các khoản đã nộp ngân sách).

Vốn chủ sở hữu/tổng nguồn vốn hoạt động của các DN chỉ đạt 31,4%. Đối với một số loại hình, quy mô, nhóm ngành có tỷ trọng vốn chủ sở hữu thấp hơn. Điều này giải thích lý do nợ xấu tăng cao, tăng trưởng tín dụng chậm lại. Doanh thu/nguồn vốn hoạt động mới đạt 70,3% (1 đồng vốn chỉ tạo ra được 0,7 đồng doanh thu). Lợi nhuận trước thuế trên nguồn vốn hoạt động chỉ đạt 2,33%; trên 1 đồng doanh thu chỉ đạt 3,3%. Thuế và các khoản đã nộp ngân sách trên doanh thu thuần chỉ đạt 4,82%.

Doanh nhân cần chủ động

Theo Niên giám Thống kê 2012, số doanh nhân đạt hơn 1,31 triệu người. Đây là con số mà trong cơ chế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp, trước đổi mới, trước khi có Luật DN không thể có.

Hơn nữa,  hiện nay, doanh nhân là chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là cơ sở ngoài Nhà nước, đã có quyền được làm tất cả những điều pháp luật không cấm, ngay cả các giám đốc DNNN, chủ nhiệm hợp tác xã giờ có quyền rộng rãi hơn ở tất cả các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh so với trước đây.

Tuy vậy, khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước thời gian gần đây đã làm cho những hạn chế, bất cập, yếu kém của giới DN, doanh nhân Việt Nam lộ rõ. Chẳng hạn, nhiều DN và cá nhân doanh nhân đã quay sang đầu cơ bất động sản, lơ là hoạt động sản xuất kinh doanh chính của mình, dẫn đến thua lỗ và nợ xấu tăng cao.

Bên cạnh đó, số doanh nhân còn chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ trong tổng số lao động đang làm việc trong cả nước (gần 40 lao động đang làm việc mới có 1 doanh nhân).

Vì vậy, đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cần có cơ chế tạo điều kiện để ngày càng có nhiều hơn nữa các doanh nhân xuất hiện trên thị trường.

Về phía các doanh nhân, bằng truyền thống, bản lĩnh và kinh nghiệm “lăn lộn” trên thị trường, nên coi khó khăn thách thức cũng chính là sự rèn luyện đối với mỗi người theo nghĩa “cái khó ló cái khôn”. Thêm nữa, trong nhiều yêu cầu cần thiết để kiến tạo một nền kinh tế thành công với sự phát triển của DN, một yêu cầu quan trọng là phải có những doanh nhân dám khởi sự DN mới.

Các doanh nhân cũng cần xác định rõ nguyên nhân chủ quan và rút ra những bài  học cần thiết, nhất là những bài học thất bại để tự vươn lên. Việc thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu trước hết cần được thực hiện đối với bản thân DN, đơn vị một cách toàn diện, từ nhân sự, cơ cấu vốn, cơ cấu nợ, cơ cấu sản phẩm và thị trường...