Để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các gói hỗ trợ hiệu quả

PV.

Ngày 8/12, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Diễn đàn chính sách “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19: Thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực thi”.

Theo ước tính, nếu dịch Covid-19 kéo dài đến hết năm 2020, sẽ có khoảng 39,3% doanh nghiệp phá sản (VCCI, 2020).
Theo ước tính, nếu dịch Covid-19 kéo dài đến hết năm 2020, sẽ có khoảng 39,3% doanh nghiệp phá sản (VCCI, 2020).

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định: Đại dịch COVID-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu đã tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Ước tính, nếu dịch Covid-19 kéo dài đến hết năm 2020, sẽ có khoảng 39,3% doanh nghiệp phá sản. Tính đến cuối tháng 10/2020, hơn 70.000 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và đóng cửa, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể và ảnh hưởng tới hơn 31 triệu người lao động.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, đây là lúc Chính phủ, các bộ, ngành địa phương và cả cộng đồng doanh nghiệp cần nhìn lại để thấy rõ hơn thực trạng tác động của đại dịch đối với nền kinh tế nói chung và đối với từng ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nói riêng. Từ đó, sớm có giải pháp thu hẹp khoảng cách từ chính sách hỗ trợ tới thực thi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả.

Tổng quan về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế (VCCI) cho hay: Với khoảng trên 95 văn bản hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành từ cấp Trung ương tới các địa phương, các chính sách đã kịp thời đưa ra những giải pháp quan trọng và thiết thực giúp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19.

“Cùng với đó, VCCI đã xây dựng website http://hotro.vibonline.com.vn để cập nhật các gói hỗ trợ hiện hành của Nhà nước; tạo diễn đàn để doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm về tìm kiếm và tiếp cận các chương trình hỗ trợ hiệu quả”, ông Đậu Anh Tuấn thông tin.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, hiệu quả của chính sách đã phát huy được nhiều tác dụng nhất định, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực về tài chính để vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, còn có nhiều ý kiến doanh nghiệp phản ánh, đánh giá thấp về mức độ thuận lợi khi tiếp cận thông tin về chính sách hỗ trợ, mức độ hữu ích của chính sách hỗ trợ theo từ ngành, lĩnh vực kinh tế…

Nguyên nhân có thể do doanh nghiệp chưa biết đến thông tin về chính sách hỗ trợ. Hoặc cũng có thể do chính sách hỗ trợ ban hành với nhiều yêu cầu, thủ tục; trong đó, có không ít điều kiện, yêu cầu còn máy móc, cản trở việc tiếp cận của doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị, thời gian tới, các cơ quan ban, ngành và địa phương cần nắm bắt kịp thời các bất cập, vướng mắc trong việc triển khai các gói hỗ trợ để điều chỉnh cho phù hợp. Tiếp tục thiết kế các hình thức hỗ trợ phù hợp với các doanh nghiệp ở từng ngành, lĩnh vực và trong từng giai đoạn. Ưu tiên các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vừa; bởi khả năng chống chịu kém của loại hình doanh nghiệp này.

Nhà nước cũng cần kéo dài thời gian của các gói hỗ trợ để doanh nghiệp đủ thời gian hoãn các khoản được hoãn; giãn trong thời gian qua để kịp thời phục hồi sản xuất kinh doanh. Các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, minh bạch để bảo đảm doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người lao động tiếp cận, hiểu rõ phạm vi, đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục để các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đúng người, kịp thời...

Theo ước tính, nếu dịch Covid-19 kéo dài đến hết năm 2020, sẽ có khoảng 39,3% doanh nghiệp phá sản. Tính đến cuối tháng 10/2020, đã có hơn 70.000 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và đóng cửa, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể và ảnh hưởng tới hơn 31 triệu người lao động.