Để doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được vốn vay
Chính phủ đã đề ra mục tiêu phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2011 - 2015 là thành lập mới 350.000 doanh nghiệp và đến ngày 31.12.2015, cả nước sẽ có khoảng 700.000 doanh nghiệp hoạt động.
Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc, đầu tư của khu vực này chiếm khoảng 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp 40% GDP, 30% tổng thu ngân sách nhà nước, tạo thêm 3,5 - 4 triệu việc làm mới trong giai đoạn 2011 - 2015. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp không ít khó khăn để phát triển hoạt động kinh doanh, đặc biệt là trong việc tiếp cận vốn vay. Nguyên nhân xuất phát từ chính quy mô, uy tín và thương hiệu của loại hình doanh nghiệp này, cửa vay vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có phần hạn chế hơn.
Theo các chuyên gia, để nâng cao kỹ thuật, mở rộng giao dịch, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải đầu tư trang thiết bị. Tuy nhiên, do lãi suất cao hoặc không có tài sản bảo đảm nên việc tiếp cận với các nguồn vốn vay của các ngân hàng hiện nay không phải là dễ đối với loại hình doanh nghiệp này. Do đó, có đến 2/3 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam không vay được vốn. Hiện nay, một số tỉnh, thành có cơ chế hỗ trợ đầu tư riêng biệt. Điển hình như ở TP Hồ Chí Minh có chương trình kích cầu đầu tư thông qua việc ưu đãi lãi suất vốn vay tại một số ngân hàng thương mại mà thành phố đã ký kết. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp tiếp cận được với chương trình này phải có quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh khá tốt và có tài sản thế chấp mới được vay vốn với lãi suất ưu đãi.
Còn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới được thành lập thì việc tiếp cận với các nguồn vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất dường như là điều không thể. Dẫn chứng từ thực tế tại công ty mình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần công nghệ TTSV Đỗ Thanh Việt chia sẻ, do mới thành lập, Công ty không có các tài sản bảo đảm nên không thể vay vốn từ ngân hàng. Còn khi tới các công ty cho thuê tài chính thì cũng yêu cầu doanh nghiệp thuê phải có báo cáo tài chính ít nhất 3 năm. Để có nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất, công ty này đã phải “nhờ” một công ty khác có thời gian hoạt động trên 15 năm và có báo cáo tài chính tốt đứng ra bảo lãnh thì mới có thể vay vốn từ dịch vụ cho thuê tài chính.
Dẫn chứng từ Nhật Bản, ông Hiroshi Tahara, Trưởng đại diện của Tập đoàn tài chính Nhật Bản (JFC) tại Bangkok (Thái Lan) cho biết, ngoài chế độ cho vay vốn lãi suất thấp, ở Nhật Bản có tổ chức gọi là Hiệp hội bảo lãnh tín dụng, khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn từ các tổ chức tín dụng thì tổ chức này sẽ đứng ra bảo lãnh cho khoản vay. Trong trường hợp doanh nghiệp đi vay không thể trả được khoản nợ do phá sản thì tổ chức này sẽ đứng ra hoàn trả khoản nợ thay. Chế độ này được Chính phủ thực hiện để giải quyết tình trạng khó khăn khi huy động vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Hiroshi Tahara chia sẻ, Việt Nam nên thành lập cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ở cấp địa phương để quản lý chặt chẽ các khoản vốn vay cũng như giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận được dễ dàng.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, để giải quyết vấn đề về vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có những chương trình cho vay vốn hiệu quả: tiếp tục giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục và điều kiện cho vay, thực hiện những hình thức cho vay mới như cho vay theo các chuỗi sản xuất và cung ứng, tăng cường phương thức thuê mua tài chính, phát triển hình thức bảo lãnh tín dụng qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam và mạng lưới quỹ bảo lãnh tín dụng cần được tổ chức ở tất cả các cấp, mở rộng hình thức cho vay tín chấp, cho vay theo dự án sản xuất kinh doanh chứ không chỉ dựa vào tài sản thế chấp…