Khởi nghiệp thành công tạo sức sống mới cho nền kinh tế
(Taichinh) - Tại Diễn đàn Khởi nghiệp Việt Nam 2015 được tổ chức ngày 9.6, các chuyên gia khuyến nghị, cần khẩn trương nghiên cứu xây dựng chương trình khởi nghiệp quốc gia, tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp của cá nhân và doanh nghiệp trong nước, đáp ứng được yêu cầu hội nhập sâu rộng và theo kịp các nước trong khu vực.
Hoạt động khởi nghiệp thấp hơn so với nhiều nước
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, khi Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi) chính thức có hiệu lực thi hành, các loại hình doanh nghiệp sẽ phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng, quy mô cũng như hiệu quả.
Do vậy, các dự án khởi nghiệp thành công sẽ tạo nền tảng quan trọng lâu dài, bền vững, trở thành vệ tinh cho các doanh nghiệp lớn, đa quốc gia hay tự mình phát triển lên quy mô lớn hơn. Sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân cũng chính là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Hơn nữa, nước ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với một loạt các hiệp định thương mại tự do với các nước và khu vực đã, đang và sẽ đượåc đàm phán, ký kết trong thời gian tới. Điều này đặt ra yêu cầu ngày càng cao về đổi mới, sáng tạo, nâng cao trình độ công nghệ đối với doanh nhân Việt khi khởi nghiệp.
Đồng thời, đòi hỏi phải có những hành động mạnh mẽ hơn trong việc đổi mới cơ chế, chính sách tạo điều kiện, môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là nhóm chính sách về đầu tư, vườn ươm khoa học công nghệ, đầu tư nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo trong điều kiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh.
Báo cáo chỉ số khởi nghiệp 2014 công bố tại Diễn đàn cho thấy, tâm lý lo sợ rủi ro của người khởi nghiệp ở nước ta vẫn ở mức khá cao, thể hiện lo sợ về rủi ro của nền kinh tế. Thực trạng hoạt động khởi sự kinh doanh của nước ta thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực có trình độ phát triển tương đương như ASEAN-5 và thấp hơn so với năm 2013.
Báo cáo cũng cho thấy, sự tự tin về năng lực kinh doanh ở nước ta tỷ lệ thuận với độ tuổi, sự lo sợ thất bại trong kinh doanh có xu hướng tỷ lệ nghịch với độ tuổi. Nói cách khác, thanh niên Việt Nam không những cảm thấy hạn chế về khả năng kinh doanh mà còn lo sợ thất bại trong kinh doanh so với những người ở độ tuổi trung niên.
Chuyên gia của Viện Phát triển doanh nghiệp Lương Minh Huân cho rằng, việc trang bị kiến thức, kỹ năng kinh doanh là rất cần thiết đối với người có mong muốn khởi sự doanh nghiệp, nhất là những người trẻ. Báo cáo Chỉ số Khởi nghiệp 2014 cũng cho thấy, tỷ lệ từ bỏ kinh doanh ở người Việt Nam (23/100) thấp hơn các nước có nghĩa là khả năng bám trụ của doanh nghiệp Việt tốt hơn.
Điều kiện kinh doanh của Việt Nam năm 2014 không có nhiều thay đổi so với năm 2013. Trong đó, có 3 chỉ số trên mức trung bình, 3 chỉ số thấp nhất là chương trình hỗ trợ Chính phủ, Giáo dục phổ thông, độ mở của thị trường nội địa.
Phải luôn sáng tạo và đổi mới
Thảo luận tại Diễn đàn, các chuyên gia khuyến nghị, cần khẩn trương nghiên cứu xây dựng chương trình khởi nghiệp quốc gia, tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp của cá nhân và doanh nghiệp trong nước, đáp ứng được yêu cầu hội nhập sâu rộng và theo kịp các nước trong khu vực.
Báo cáo chỉ số khởi nghiệp cũng nêu rõ, Nhà nước cần tiếp tục kiên định các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện các điều kiện kinh doanh, khôi phục lòng tin cho người kinh doanh hay người có ý định khởi nghiệp.
Các chính sách cần đổi mới theo hướng công khai, minh bạch, dễ tiên liệu nhằm giúp cho người khởi nghiệp dễ dàng dự kiến kế hoạch kinh doanh của mình. Nhà nước cũng cần tạo điều kiện thuận lợi để người làm kinh doanh có thể tiếp cận thông tin, sự trợ giúp về kỹ thuật và tài chính; hỗ trợ phổ biến thông tin giúp người dân nhận biết nhu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đổi mới các chương trình đào tạo, khuyến khích người dân tìm hiểu về hoạt động kinh doanh, khởi sự kinh doanh và nâng cao kiến thức, kỹ năng.
Từ đó, giúp mạng lưới khởi nghiệp nước ta có thể sớm hòa vào mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu, tạo điều kiện cho các doanh nhân Việt hội nhập ngay từ khi khởi nghiệp. Ngoài ra, cần phổ cập rộng rãi kiến thức, kỹ năng khởi sự doanh nghiệp cho các cá nhân hay hộ kinh doanh cá thể muốn khởi nghiệp, nhất là đối tượng thanh niên; có cơ chế xác lập, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp.
Và như đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, để những cải cách chính sách thực sự hiệu quả, bên cạnh các công cụ pháp lý, điều quan trọng hơn cả là ý thức và sự chủ động của doanh nghiệp cũng như các cá nhân có nhu cầu khởi sự doanh nghiệp biến chính sách thành công cụ hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh của mình.
Bởi, để khởi nghiệp thành công không chỉ cần có khát vọng, đam mê, dũng cảm mà còn phải luôn sáng tạo và đổi mới. Khởi nghiệp thành công sẽ góp phần phát triển đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh; tạo nên sức sống mới cho nền kinh tế.