Hải quan Bình Dương:

Để nâng cao hiệu quả Báo cáo quyết toán Hải quan cho doanh nghiệp

PV.

Cục Hải quan Bình Dương vừa phối hợp với Liên minh Hỗ trợ Công nghiệp Việt Nam (VISA) tổ chức Hội thảo nâng cao hiệu quả Báo cáo quyết toán Hải quan cho doanh nghiệp hoạt động gia công – sản xuất xuất khẩu – chế xuất...

Hội nghị đã giới thiệu cơ sở pháp lý liên quan đến doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan theo loại hình gia công, sản xuất xuất khấu và chế xuất; Trao đổi một số lỗi doanh nghiệp thường gặp trong Báo cáo quyết toán, nguyên nhân và rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp; Trình bày một số biện pháp kiểm soát số liệu, phòng ngừa rủi ro trong Báo cáo quyết toán; Đối thoại giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp tham dự Hội thảo.

Báo cáo quyết toán hải quan là khâu cuối cùng, quyết định việc miễn thuế có đúng quy định và chấp nhận hay không. Để làm tốt khâu này, đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải có phương pháp quản trị nội bộ hiệu quả, có hệ thống kế toán minh bạch, phần mềm quản lý hiệu quả…

Trưởng phòng Giám sát quản lý về hải quan, Cục Hải quan Bình Dương Đỗ Thanh Phong cho biết, hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa miễn thuế, là chính sách khuyến khích của nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh trong thời gian dài của Nhà nước. Quản lý hoạt động gia công, sản xuất, xuất khẩu, chế xuất phải đáp ứng được các yêu cầu về quản lý doanh nghiệp từ khi doanh nghiệp mới thành lập, đi vào hoạt động cho đến khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động; quản lý nguyên liệu nhập khẩu, máy móc thiết bị miễn thuế từ khi nhập khẩu, đưa vào sản xuất xuất khẩu cho đến khi thanh lý, tiêu hủy phế liệu, phế phẩm được quản lý chặt chẽ, xuyên suốt, đúng quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của ngành.

Theo ông Đỗ Thanh Phong, báo cáo quyết toán là khâu cuối cùng, quyết định việc miễn thuế có đúng quy định và chấp nhận hay không. Để làm tốt khâu quan trọng này, một số yêu cầu đặt ra đối với doanh nghiệp là phải có chủ trương đúng từ lãnh đạo doanh nghiệp; làm đúng ngay từ đầu, từ khâu thông báo cơ sở sản xuất, chuẩn bị hồ sơ, đăng ký tờ khai xuất nhập khẩu, ghi chép nhập kho, xuất kho, hạch toán kế toán (đưa vào sản xuất, tồn kho các dạng, phế liệu, phế phẩm…); có hệ thống quản lý hiệu quả, kết nối chặt chẽ các bộ phận; có hệ thống kế toán minh bạch, phản ánh thực tế nghiệp vụ kinh tế phát sinh; có phần mềm quản lý chặt chẽ, có thể theo dõi, quản lý được tình hình nhập xuất tồn bất kỳ thời điểm nào. Có đội ngũ nhân sự có năng lực, nắm bắt được quy định pháp luật, thông thạo nghiệp vụ…

Theo các chuyên gia, rủi ro trong chuỗi cung ứng là điều không thể tránh khỏi và có thể gây ra thiệt hại cho doanh nghiệp nếu không được phát hiện và có phương pháp quản trị hợp lý. Trên thực tế, các doanh nghiệp sản xuất nhập nguyên vật liệu vào kho và xuất ra để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau: kinh doanh, gia công, sản xuất xuất khẩu…

Mỗi thành phẩm cần các loại nguyên phụ liệu đầu vào khác nhau, số lượng nguyên liệu tham gia khác nhau. Do đó, nếu không biết cách quản lý các nguồn nguyên liệu, quản lý số lượng đầu vào đầu ra, quản lý phế liệu phế phẩm,… sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến chính doanh nghiệp, thậm chí gây tổn thất đến nguồn tài chính do chênh lệch về số liệu. Bên cạnh đó, khi số liệu không khớp, doanh nghiệp sẽ gặp sai sót trong việc đặt đơn hàng mới, gây ra tình trạng thiếu hụt hoặc dư thừa trong sản xuất, ảnh hưởng đến toàn chuỗi cung ứng.

Ông Nguyễn Mạnh Vũ - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Khu Công nghiệp Sóng Thần khuyến nghị, các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt các thông tin liên quan đến cơ sở pháp lý, chính sách thuế xuất khẩu, nhập khẩu trong việc thực hiện thủ tục hải quan, hiểu rõ các trường hợp hàng hóa được miễn thuế nhập khẩu. Từ đó, tận dụng và tìm kiếm cơ hội cho doanh nghiệp mình. Đối với hàng gia công, sản xuất, xuất khẩu, doanh nghiệp được lựa chọn Chi cục hải quan nào thuận tiện nhất (theo quy định của hải quan) để làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn phù hợp”.

Trong khuôn khổ hội thảo, Ông Phạm Mạnh Thy - Phó Trưởng Phòng Giám sát quản lý về Hải quan cũng nêu một số lỗi doanh nghiệp thường gặp trong báo cáo quyết toán hải quan, nguyên nhân và rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Cụ thể, doanh nghiệp thường vi phạm lỗi như: Đưa nguyên liệu đến cơ sở khác gia công lại khác với địa điểm ban đầu đã thông báo với cơ quan Hải quan để gia công mà không thông báo cho cơ quan Hải quan; lưu giữ hàng hóa không đúng địa điểm quy định hoặc địa điểm đã đăng ký với cơ quan Hải quan hoặc lập báo cáo quyết toán không đúng so với sổ, chứng từ kế toán, tờ khai hải quan; không đúng với thực tế sử dụng, thực tế tồn kho…

Ngoài ra, tại hội thảo đại diện Cục Hải quan Bình Dương cũng đã trực tiếp giải đáp những vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến việc xử lý phế liệu, phế phẩm, nguyên liệu dư thừa của hợp đồng gia công, định mức trong báo cáo quyết toán, chuyển mục đích sử dụng nguyên phụ liệu…

Qua buổi Hội thảo nâng cao hiệu quả Báo cáo quyết toán Hải quan cho doanh nghiệp hoạt động gia công – sản xuất xuất khẩu – chế xuất nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp liên quan đến thủ tục báo cáo quyết toán, giúp các doanh nghiệp tránh được các vi phạm về pháp luật Hải quan, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu bằng các giá trị bên vững.