Để ngành Chăn nuôi Việt Nam tận dụng tốt cơ hội khi hội nhập

PV.

Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã hoàn tất công việc đàm phán để tiến tới ký kết. Khi TPP đi vào thực thi, cơ hội sẽ chia đều cho các quốc gia, các ngành nghề, trong đó ngành Chăn nuôi Việt Nam đang đứng trước những thời cơ lớn, nhưng để tận dụng được thời cơ đòi hỏi ngay từ thời điểm này Việt Nam phải nhanh chóng vào cuộc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để cạnh tranh…

Phát huy tiềm năng

Những băn khoăn, lo ngại trước bối cảnh hội nhập, cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế của ngành Chăn nuôi Việt Nam là hoàn toàn có lý, khi so sánh với các nước phát triển đã chuyên nghiệp hóa, ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý chăn nuôi. Sức ép cạnh tranh càng lớn hơn khi Hiệp định TPP đi vào thực thi và ngành Chăn nuôi Việt Nam phải tuân thủ các quy định đã cam kết.

Tuy nhiên, cơ hội và thách thức luôn chia đều cho các quốc gia, các ngành nghề khi tham gia hội nhập. Khi Hiệp định TPP được ký kết, dự báo ngành Chăn nuôi Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực khi sức cạnh tranh yếu và còn manh mún. Nhưng ngược lại, với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam hiện nay, chúng ta cũng đang đứng trường nhiều cơ hội lớn khi tiềm năng và lợi thế được phát huy.

Một loạt những cơ hội mà TPP và hội nhập kinh tế quốc tế là ngành chăn nuôi sẽ được tiếp cận nhanh hơn các khoa học công nghệ mới, giống vật nuôi mới, các sản phẩm mới, các hình thức sản xuất tiên tiến.

Trước mắt có thể nhận thấy lợi thế đó là thị trường nội địa hơn 90 triệu dân. Người dân cần phải ăn. Tiếp cận phục vụ được lượng dân này là một thị trường không hề nhỏ. Việt Nam cũng có những mặt hàng có thể cạnh tranh được như: gà lông màu, vịt, trứng vịt, các loại lợn có giá trị kinh tế cao…

Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam: Ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay đang là sinh kế của 11,3 triệu hộ nông nghiệp với khoảng 55-58 triệu người, chiếm 60 - 63% dân số năm 2014. Trong đó, 4 triệu hộ nuôi heo; 7,9 triệu hộ nuôi gà; 2,7 triệu hộ nuôi vịt; 2,5 triệu hộ nuôi bò thịt; 1,6 triệu hộ nuôi trâu và gần 24.000 hộ nuôi bò sữa. Đây là những lợi thế không phải quốc gia nào cũng có được, vấn đề là Việt Nam phát huy và nhân thêm lợi thế này.

Có một thực tế là, xã hội càng phát triển, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm sữa càng cao. Ở nước ta, tốc độ tăng trưởng về nhu cầu sữa luôn luôn đạt ở mức hai chữ số. Bình quân tiêu thụ mới đạt 18 kg sữa quy đổi (và khoảng 6,1 kg sữa tươi), trong khi bình quân chung đầu người trên thế giới là 104,3kg (sữa tươi). Cho đến nay, chăn nuôi bò sữa nước ta mới sản xuất và đáp ứng được gần 34% nhu cầu về sữa tiêu dùng, 66% còn lại người tiêu dùng phải dùng sữa nhập. Như vậy, thị trường sữa ở nước ta còn rất lớn.

Về lâu dài có thể xuất khẩu sản phẩm có lợi thế như thịt lợn và sản phẩm thịt lợn sang Đông Bắc Á, Đông Âu; trứng vịt muối sang một số nước ASEAN và Nam Á, mật ong sang Mỹ, EU… Ngành chăn nuôi cũng sẽ thu hút được nhiều dự án đầu tư mới vào ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi công nghệ cao và thúc đẩy làn sóng mua bán sáp nhập trong chăn nuôi.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp FDI. Ngành chăn nuôi chịu sức ép buộc phải thúc đẩy nhanh tái cơ cấu ngành; nhà quản lý, doanh nghiệp và người chăn nuôi đều phải thay đổi tư duy quản lý, sản xuất, kinh doanh để hội nhập. Khi thực hiện thành công việc tái cơ cấu này sẽ tạo ra bộ mặt mới cho ngành chăn nuôi phát triển mạnh mẽ.

Ngoài ra, khi thực hiện các cam kết mở cửa hội nhập, mức thuế xuất về 0% thì ngành chăn nuôi sẽ được hưởng lợi khi nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuốc thú ý, con giống, trang thiết bị chăn nuôi… từ các nước đối tác, góp phần giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi.

Chuẩn bị “hành trang”

Với TPP, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn có lộ trình để chuẩn bị. Ngành chăn nuôi có thời gian ít nhất 10 năm (kể từ năm 2015) để chuẩn bị trước khi sức ép cuộc chơi mới thực sự tác động.

Tại hội thảo “Tác động của TPP và hội nhập kinh tế tới ngành chăn nuôi Việt Nam” do Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia khẳng định, không phải ký FTA là nhập khẩu tăng lên. Hoặc không phải cứ ký FTA là Việt Nam không xuất khẩu được.

Viện dẫn điều này, diễn biến kim ngạch xuất nhập khẩu mặt hàng chăn nuôi trong giai đoạn 2004-2013 cho thấy: Năm 2008 là năm Việt Nam ký kết FTA với Australia, New Zealand và Nhật Bản, khi đó các FTA này chưa có hiệu lực nhưng việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi đã tăng rất cao, lên tới hơn 180 triệu USD. Trong khi những năm sau đó, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này lại sụt giảm và không cao bằng năm 2008.

Với TPP, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn có lộ trình để chuẩn bị. Ngành chăn nuôi có thời gian ít nhất 10 năm (kể từ năm 2015) để chuẩn bị trước khi

Để chuẩn bị cho TPP, cũng như các FTA khác, các chuyên gia cho rằng, ngành chăn nuôi cần phải đẩy nhanh Đề án tái cơ cấu ngành. Coi đây là cơ hội vàng về thời gian để ngành nhanh chóng tổ chức lại sản xuất, hạ giá thành các sản phẩm thịt, trứng, sữa; kể cả các sản phẩm có lợi thế, sản phẩm đặc sản, bản địa… đồng thời kiểm soát tốt an toàn thực phẩm.

Trong chăn nuôi gia cầm, nuôi gà công nghiệp sẽ bị cạnh tranh quyết liệt nhất. Song thịt gà công nghiệp cũng chỉ đang có 20-25% thị phần tiêu thụ ở Việt Nam, còn chủ yếu là thịt gà của các giống địa phương, của gà lông màu nuôi bán chăn thả.

Riêng thịt bò, mặc dù Việt Nam có lượng phụ phẩm nông nghiệp khá dồi dào, tận dụng ủ ướp, phơi khô để làm thức ăn cho trâu bò rất hiệu quả nhưng lại thiếu quỹ đất chăn thả bò nuôi quy mô lớn. Do nguồn cung không đủ nên về lâu dài vẫn phải nhập bổ sung thịt bò đông lạnh và bò thịt sống.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, ngoài việc chủ động khống chế dịch bệnh, xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn, từng địa phương phải có lộ trình xây mới, nâng cấp và quản lý các cơ sở giết mổ công nghiệp, tập trung, giảm dần các cơ sở nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y. Bên cạnh đó, trong hội nhập, doanh nghiệp, người chăn nuôi phải có tư duy theo chuỗi, phải tham gia chuỗi, kể cả chuỗi giá trị toàn cầu. Coi đây là lối thoát duy nhất để tăng năng lực, thúc đẩy phát triển.

Ngoài ra, cần quan tâm đến yếu tố giá thành, trong đó việc hạ giá các nguyên vật liệu, thức ăn chăn nuôi, con giống là yếu tố quyết định đến yếu tố cạnh tranh về giá. Hiện nay, nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam còn thiếu nghiêm trọng, đặc biệt là thức ăn giàu đạm, giàu năng lượng, khoáng vi lượng…

Cùng với đó, đẩy mạnh khuyến khích đầu tư vào chăn nuôi ngày từ những công đoạn ban đầu và trực tiếp đến người chăn nuôi, các trang trại tự sản xuất thức ăn. Để làm được điều này cần phổ cập công thức sản xuất, phối trộn thức ăn gia súc, gia cầm cho người dân…tiếp đó là các nguồn vốn cho người chăn nuôi.