Đề nghị áp thuế cao với người có nhiều nhà, đất
Khi chuyển nhượng nhà đất, có không ít cá nhân kê khai mức giá thấp hơn nhiều so thực tế, gây thất thu ngân sách nhà nước. Vì thế, một số ý kiến cho rằng, nên đánh thuế cao hơn khi chuyển nhượng với trường hợp đầu cơ sở hữu ba - bốn bất động sản trong thời gian ngắn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa đề nghị Chính phủ khẩn trương đề xuất các quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất.
Kỳ vọng “siết” đầu cơ
Hiện nay, thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là 2%. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở, quyền thuê đất, thuê mặt nước và các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản.
Nhiều cá nhân khi chuyển nhượng nhà, đất thường kê khai mức giá thấp hơn nhiều so thực tế dẫn đến ngân sách nhà nước thất thu. Vì thế, một số ý kiến cho rằng nên đánh thuế cao hơn khi chuyển nhượng với trường hợp đầu cơ sở hữu ba, bốn bất động sản trong thời gian ngắn.
Tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương đề xuất các quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất như yêu cầu tại Nghị quyết số 18 để điều tiết chênh lệch địa tô có được do quy hoạch của Nhà nước.
Quy định này nhằm tránh tình trạng tổ chức, cá nhân thu gom đất, cản trở khả năng tiếp cận đất đai của các nhà đầu tư khác có cùng năng lực, hoặc năng lực tốt hơn để thực hiện các dự án đầu tư do lợi thế thuộc về người đang có quyền sử dụng đất.
Thực tế, đề xuất đánh thuế căn hộ thứ hai trở đi đã được các chuyên gia đề xuất nghiên cứu từ nhiều năm qua. Đặc biệt, cuối năm 2009, Dự án Luật Thuế nhà, đất gồm 15 điều đã được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến và dự kiến sẽ có thể thông qua tại kỳ họp tháng 5/2010, thế nhưng vì nhiều lý do khác nhau, sắc thuế này sau 15 năm vẫn chỉ là ý tưởng.
Cuối năm ngoái, nhiều cử tri TP Hồ Chí Minh đề nghị đánh thuế đối với các tập thể, cá nhân có quyền sử dụng từ bất động sản thứ hai và đánh thuế cao đối với những bất động sản bỏ trống.
Cụ thể theo kiến nghị, để tạo công bằng cho người dân và xử lý triệt để việc lợi dụng chính sách để trục lợi, đầu cơ đất đai trong nhiều năm qua, cử tri đề nghị đánh thuế đối với các tập thể, cá nhân có quyền sử dụng từ bất động sản thứ hai và đánh thuế cao đối với những bất động sản bỏ trống, không thu được giá trị từ đất để tránh lãng phí, đầu cơ tăng giá đất làm mất công bằng xã hội.
Đánh thuế không ảnh hưởng đến giá nhà, đất?
Gần đây, chủ trương áp thuế cao với những trường hợp trên cũng được nhiều chuyên gia đề xuất. Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho hay, thuế tài sản hiểu một cách đơn giản là sắc thuế thu trên người có tài sản, càng nhiều tài sản thì số tiền thuế càng nhiều. Với người có mức sống trung bình, chỉ có một căn nhà để ở thì không cần lo.
Còn với người có nhiều tài sản (nhà đất), tài sản lại liên tục sinh lời, thì việc nộp thuế nhiều hơn là đương nhiên. Với những trường hợp đi vay đầu tư, thuế là một phần chi phí mà nhà đầu tư phải tính toán, “lời ăn, lỗ chịu”.
Tuy nhiên, đến nay chủ trương đánh thuế nhà đất thứ hai vẫn chưa được thể chế hóa thành các điều luật cụ thể.
Theo giới phân tích, thuế có thể là công cụ để kiềm giá đất tăng phi mã, giảm đầu cơ, ngăn chặn thao túng thị trường, đưa bất động sản về giá trị thực. Chính vì vậy, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thuế này, mức thuế 7% áp dụng với người mua nhà thứ hai và 10% với nhà thứ ba. “Thuế tài sản là lý do khiến ở Mỹ, EU, Nhật Bản... rất nhiều người giàu nhưng giá đất không tăng nhiều (so thu nhập bình quân). Có người mua cả thị trấn, cả hòn đảo nhưng rồi khai thác không vượt hơn tiền thuế cộng lãi suất vay ngân hàng nên phải bán lại”, TS Đinh Thế Hiển lấy thí dụ.
Các chuyên gia cho hay, nếu một căn nhà có tỷ suất sinh lời 50%, nhà đầu tư sẽ không ngại đóng thuế 20%. Như ở Hồng Công, Bắc Kinh hay Thượng Hải của Trung Quốc, giá nhà đất cao, bị đánh thuế lũy tiến, nhưng các nhà đầu tư, đầu cơ vẫn rót tiền mạnh.
Trao đổi về chủ trương tăng thuế tài sản, đặc biệt là đánh thuế cao với những người sở hữu nhiều nhà đất, anh Nguyễn Tiến Nam (Thanh Xuân, Hà Nội) một chủ đầu tư bất động sản tại Hà Nội khẳng định: “Đây chưa phải là mối lo hiện hữu với những nhà đầu tư hay giới đầu cơ có dòng tiền mạnh, vì từ đề xuất để đi vào hiện thực sẽ còn cần nghiên cứu nhiều”.
Có thể thấy, trong bối cảnh đầu cơ bất động sản vẫn là “kênh đầu tư vua”, đánh thuế có thể là một công cụ hữu hiệu để “nắn” lại thị trường địa ốc lành mạnh hơn.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sắc thuế mới có giúp bình ổn thị trường, giảm giá nhà hợp lý, mang lại hy vọng thật sự cho đại đa số người dân đang “khát” nhà ở hay không lại là một “bài toán” vô cùng khó, đòi hỏi các nhà làm luật phải tính kỹ lưỡng để đưa ra phương án tốt nhất.