Để phòng chống tham nhũng, Kiểm toán Nhà nước nên có thêm chức năng khởi tố


(Tài chính) Tình hình tham nhũng vừa qua chưa có dấu hiệu giảm, vẫn diễn biến phức tạp và đặc biệt là tính tổ chức trong các vụ án tham nhũng ngày càng cao. Tuy nhiên, công tác phòng chống tham nhũng cũng đã có những tích cực bước đầu. Ví dụ, các vụ án tham nhũng được khởi tố nhiều hơn, phát hiện ra những vụ án lớn, tiến độ xét xử nhanh, mỗi một án phạm vi mở rộng hơn, và mức án cũng nghiêm hơn. Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Anh Tuấn – Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Phóng viên: Với tư cách là lãnh đạo của Ban Nội chính Trung ương, ông đánh giá như thế nào về tình hình phòng, chống tham nhũng của Việt Nam trong thời gian vừa qua?

Ông Phạm Anh Tuấn: Chống tham nhũng là đụng vào những vấn đề nhạy cảm, những mặt trái của nền kinh tế, những tiêu cực của xã hội… nên đương nhiên là rất khó khăn. Đây là mặt trận không tiếng súng, nhưng không phải “đụng đâu chém đó” mà phải dám đối mặt và không né tránh nó. Nguyên tắc là phải kết luận rõ đúng sai, còn việc xử lý thì phải xử có lý, có tình, không thể như robot, máy chém.

Qua mấy vụ xử vừa rồi, có thể thấy rõ là xã hội bức xúc không chỉ vì số tiền tổn thất lớn mà vì tính chất lộ liễu thô bạo của hành vi tham nhũng. Theo sự phát triển của kinh tế xã hội và quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, tính tổ chức của các vụ án tham nhũng cũng ngày càng cao. Nếu cách đây 15 - 20 năm, các vụ tham nhũng thường đơn lẻ, tự phát thì bây giờ tham nhũng diễn ra rất thô bạo, khối lượng tài sản lớn và liên kết chặt chẽ với nhau, đó thực sự là thách thức đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Trong thực tế của Việt Nam, những ngành nào có nguy cơ tham nhũng lớn nhất, thưa ông?

Theo khảo sát xã hội học của Thanh tra Chính phủ và một số tổ chức thì những ngành có nguy cơ tham nhũng cao là cảnh sát giao thông và y tế…Tuy nhiên, theo tôi, điều quan trọng hơn ở đây là hệ tiêu chí đánh giá. Việc đánh giá đó đã chính xác hay chưa cũng nên có sự cân nhắc vì thực tế có những hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu rất kín đáo nhưng ở mức độ ghê gớm mà người dân không biết, không thể nhìn thấy để đánh giá. Cái dễ nhìn thấy là cảnh sát giao thông, là đội ngũ nhân viên y tế… vì người dân đối diện hàng ngày. Chỉ số này có thể thiên về cảm nhận, có tính tương đối nên chỉ mang tính chất tham khảo. Tuy nhiên, chừng mực nào đó, nó cũng có tác dụng để các ngành bị cảnh báo chú ý giữ gìn hơn.

Trước những thách thức bộn bề như trên, ông có niềm tin như thế nào về công cuộc phòng chống tham nhũng trong thời gian tới?

Phòng chống tham nhũng cũng như cuộc cách mạng, có giai đoạn cao trào, có giai đoạn thoái trào, lúc thuận lợi, lúc khó khăn. Đặc biệt, trong xã hội đang phát triển, nước nào cũng phải trải qua thời kỳ đau xót này. Với đà này phát triển lên, tôi tin rằng tới đây Đảng và Nhà nước ta hoàn toàn có khả năng ngăn chặn, kiềm chế được tham nhũng. Khi kiềm chế ngăn chặn được rồi, chúng ta  mới tính đến chuyện đẩy lùi nó. Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) cũng vừa công bố bảng xếp hạng chống tham nhũng toàn cầu, trong đó Việt Nam đứng thứ 116, tăng 7 bậc so với năm 2012. Lịch sử Việt Nam chưa bao giờ tiến được nhiều như thế.

Trong hoạt động của mình, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sẽ gặp khó khăn nếu muốn xác minh rõ vấn đề nghi ngờ vì không có chức năng điều tra. Vậy, theo ông chúng ta có nên tìm một giải pháp để dung hòa sự khó khăn này không?

Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng KTNN nên có thêm chức năng khởi tố vụ án, nhưng cần xác định rất rõ rằng: KTNN cũng như thanh tra đều không phải là cơ quan điều tra. Do đặc thù và tính chất của công việc, chúng ta nên trao cho KTNN hay Thanh tra Nhà nước quyền khởi tố vụ án, (lưu ý không phải là khởi tố bị can).

Trong quá trình hoạt động, nếu các cơ quan này phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì được quyền khởi tố vụ án, sau đó chuyển toàn bộ hồ sơ tài liệu sang cơ quan điều tra, từ đây, cơ quan điều tra sẽ chính thức vào cuộc và áp dụng các biện pháp điều tra theo Luật Tố tụng hình sự để xác định rõ dấu hiệu tội phạm.  Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đã đặt vấn đề này nhưng đang có những quan điểm khác nhau.

Một số người cho rằng, việc trao thêm quyền khởi tố vụ án này chưa thật hợp lý trong hoàn cảnh chúng ta đang có đề án thu gọn đầu mối các cơ quan điều tra, với mục đích điều tra không bị phân tán và tập trung được tinh lực.

Tuy nhiên, theo tôi, việc trao quyền khởi tố vụ án cho KTNN hay Thanh tra Chính phủ không đồng nghĩa với việc xem đây là những cơ quan điều tra. Nói cách khác, các cơ quan này không nằm trong đối tượng điều chỉnh của đề án thu gọn đầu mối đó. Ở đây, chúng ta chỉ trao quyền ban đầu, không phải trao quyền hoạt động điều tra và cũng không chịu sự điều chỉnh của tố tụng điều tra. Khi quyền lực tăng lên thì uy lực và hiệu quả hoạt động của KTNN cũng sẽ được nâng lên. Đến chừng nào đất nước ổn định, tuân thủ pháp luật tốt thì xã hội sẽ tự xác định không cần quyền khởi tố vụ án ở KTNN nữa, còn hiện tại là rất cần.

Trong lúc thể chế chưa hoàn thiện thì vi phạm là khó tránh, nên việc trao thêm quyền sẽ giúp cho công tác chống tham nhũng, thất thoát trở nên hiệu quả hơn. Mỗi giai đoạn phải có biện pháp thích ứng, ở đây chúng ta trao quyền nhưng không phải trao vĩnh viễn mà chỉ để đáp ứng nhu cầu hiện tại. Điều này phù hợp cả trên hai phương diện: pháp lý và chính trị.

Tham nhũng là vi phạm vào sự hợp pháp nhưng nhiều khi vi phạm vào sự hợp lý cũng dẫn đến những hậu quả nặng nề không kém. Tuy nhiên, pháp luật không can thiệp vào sự vi phạm này. Ông sẽ giải quyết như thế nào nếu trong quá trình điều tra gặp phải một vấn đề hợp pháp mà không hợp lý, và ngược lại?

Về nguyên tắc, pháp luật là sự luật hóa những vấn đề hợp lý của xã hội. Khi pháp luật chưa luật hóa được sự hợp lý đó thì giữa cái hợp lý và hợp pháp sẽ xung đột với nhau và chúng ta phải xem lại việc xây dựng thể chế. Chẳng hạn, vấn đề xây dựng những quy chế liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng hiện vẫn đang có những mâu thuẫn kịch liệt. Xung đột này là do thể chế chưa hoàn thiện của chúng ta.

Cũng như các điều tra viên, khi đi vào kiểm toán, các kiểm toán viên có thể gặp trường hợp đơn vị được kiểm toán hành động hợp lý nhưng so với quy định là không hợp pháp, là vi phạm pháp luật. Với chức năng của một cơ quan bảo vệ pháp luật, các kiểm toán viên sẽ phải đặt pháp luật lên đầu, pháp luật là thượng tôn, phải lấy pháp luật ra làm hệ quy chiếu. Nếu chỉ đưa vấn đề ra để rút kinh nghiệm với nhau thì cần nhìn sâu vào góc độ hợp lý, nhưng khi đã tiến hành tố tụng thì phải tuân theo sự hợp pháp, mặc dù trong lòng những người bảo vệ pháp luật cũng thấy rằng, với thời điểm đó, trường hợp đó, đơn vị hành động như thế là hợp lý, là có lợi cho đất nước hay có lợi cho một tập thể.

Mặc dù vậy, các kiểm toán viên phần nào đó cũng cần có sự thông cảm để đặt mình vào cương vị của đối tượng. Nếu bó tay để chấp hành luật pháp thật nghiêm thì đơn vị sẽ không phát triển, nếu thực hiện theo những điều hợp lý mà chưa hợp pháp thì có thể trở thành anh hùng nhưng cũng có thể trở thành tội phạm. Đây là ranh giới rất mỏng. Liên quan đến vấn đề này, Lê Nin đã nói một câu rất hay: “chỉ có người cộng sản tồi mới bó tay trước sự cố định của pháp luật”. Vì thế, một người thực sự cách mạng, một người tâm huyết với công việc thì luôn dám làm, dám chịu, dù có hệ số rủi ro. Đấy là cuộc sống, là đặc điểm của một xã hội đang phát triển, thể chế pháp luật chưa hoàn thiện, nhận thức chưa đồng đều và cũng chưa ở tầm cao.

Điều cần thiết là phải bình tĩnh để nhận thức vấn đề hợp pháp và hợp lý trước khi đánh giá,  thậm chí để đi đến một phán xét cuối cùng thì phải lật tất cả các mặt. Một bản án xử còn phải có lý có tình, huống chi một kết luận kiểm toán hay thanh tra. Đầu tiên phải xem xét tính hợp pháp, sau đó xem xét tính hợp lý. Khi mà hợp pháp và hợp lý có sự xung đột thì phải bắc lên cân. Cuối cùng, giữa hai phương án xấu thì chọn phương án nào ít xấu hơn. Loại trừ tất cả các phương án không trong sáng, nếu thấy có tính bất hợp pháp nhưng nhỏ hơn thì chúng ta nên thiên về hướng bảo vệ tính hợp lý. Khi chúng ta dĩ công vi thượng, tất cả đều trong sáng thì cần mạnh dạn phát biểu để xã hội hiểu và thông cảm cho những hành vi của mình.

Nhưng quan trọng hơn hết ở đây là chúng ta phải cố gắng tìm ra tính hợp lý để quy phạm hóa thành luật, lúc đó xã hội mới thực sự phát triển.

Là người từng tham gia các cuộc hội thảo về địa vị pháp lý của KTNN, ông có suy nghĩ gì trước sự kiện KTNN và Tổng KTNN vừa được hiến định tại Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam?

Đứng ở góc độ Ban Nội chính Trung ương, tôi đánh giá việc hiến định địa vị pháp lý của KTNN vào Hiến pháp là một bước phát triển, một tiến bộ xã hội và cũng là một điều tất yếu trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Sự kiện này vừa tạo một niềm tin cho thể chế kinh tế Việt Nam hiện nay, vừa thể hiện sự thừa nhận của Nhà nước cũng như xã hội đối với vai trò và hiệu quả hoạt động của KTNN trong thời gian qua.

Sự phát triển của KTNN là do nhu cầu đòi hỏi của xã hội và của nền kinh tế. Nhìn ra thế giới, các quốc gia phát triển đều coi trọng vai trò của kiểm toán và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Địa vị pháp lý mới sẽ giúp KTNN hoạt động hiệu quả hơn rất nhiều. Tôi nghĩ, KTNN có thể tự hào về những đóng góp của mình, đồng thời cũng cần tăng cường mọi mặt để xứng đáng với tầm cao này.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bài đăng trên Báo Kiểm toán số 1 - 2014