Để Việt Nam không trở thành bãi rác công nghệ: Chỉ luật thôi - chưa đủ
Từ ngày 1/7, Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi có hiệu lực. Điều này được trông đợi sẽ giúp nước ta cải thiện thứ hạng ứng dụng công nghệ, tránh tình trạng nhập khẩu công nghệ cũ, lạc hậu, trở thành “bãi rác công nghệ”, “bãi rác phế liệu” của thế giới.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, bên cạnh bảo đảm thực thi đúng, đủ, Luật cần nhiều giải pháp song hành.
Kỷ luật quản lý xuất nhập khẩu “có vấn đề”
Mới đây, thông tin có khoảng 8.000 container giấy, nhựa phế liệu, trong đó 1/3 là hàng tồn trên 90 ngày, quá hạn làm thủ tục hải quan nhưng không ai đến nhận đã khiến cảng Cát Lái quá tải; Chưa kể khoảng 5.000 container phế liệu giấy, nhựa phế liệu đã lên tàu và đang hướng về các cảng Việt Nam, đã dấy lên mối lo ngại nước ta sẽ trở thành bãi phế liệu của thế giới.
Trong bối cảnh Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu phế liệu thì mối lo trên dường như càng có cơ sở, khi nguồn phế liệu này có thể được chuyển vào các nước trung chuyển như Việt Nam.
Nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (NCIF) Lê Đình Ân phân tích, việc có số lượng lớn container phế liệu bị ứ lại tại cảng đã quá thời gian thông quan cho thấy “rõ ràng có vấn đề về kỷ cương, kỷ luật trong quản lý xuất nhập khẩu khi không xác định được ai nhập, nhập về làm gì”.
Chưa kể, đó mới là lượng phế liệu chuyển về cảng vốn có tổ chức mạng lưới quy củ.
Vậy còn nhập qua đường tiểu ngạch sẽ thế nào? Thực tế, không chỉ nhập giấy, nhựa phế liệu, mà nhiều mặt hàng phế liệu khác như thép vụn đã thống kê được chưa? Từ thực tế này, ông Ân cho rằng, nói Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới “không còn là nguy cơ nữa mà đã thực sự hiện hữu”.
Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược nhìn nhận, hàng nghìn container phế liệu ùn ứ ở cảng đang là thách thức lớn với các cơ quan quản lý trong xử lý cũng như tác động tiêu cực tới môi trường.
Thế nhưng, “điều này thực sự không đáng sợ bằng việc trở thành bãi rác công nghệ, khi doanh nghiệp trong nước nhập khẩu hoặc khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gắn mác chuyển giao công nghệ để đưa vào nước ta các loại máy móc, công nghệ cũ, lạc hậu”, ông Võ Đại Lược nói.
Do vậy, theo chuyên gia này, nếu không sớm có giải pháp mang tính căn cơ như quy định chỉ được nhập khẩu máy móc, thiết bị nào, cấm những loại máy nào, đánh thuế thật cao nhập khẩu các loại máy đã qua sử dụng, thì mối lo môi trường thực sự hiện hữu.
Trên thực tế, các cơ quan quản lý đã nhận thức được nguy cơ Việt Nam trở thành “bãi rác phế liệu” cũng như “bãi rác công nghệ”, nên ban hành nhiều chính sách liên quan.
Chẳng hạn, từ năm 2014, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 20 quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, trong đó quy định rõ chỉ được nhập khẩu máy móc, thiết bị có thời gian sử dụng không quá 5 năm và chất lượng so với ban đầu đạt từ 80% trở lên, trừ một số trường hợp đặc biệt có thể được gia hạn thời gian sử dụng tối đa 15 năm.
Đặc biệt, năm 2017, Quốc hội thông qua Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7. Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 76/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi).
Điểm đáng chú ý, trong Luật và nghị định đã quy định chi tiết danh mục công nghệ được phép chuyển giao, cấm chuyển giao và hạn chế chuyển giao. Điều này được trông đợi sẽ hạn chế tình trạng nhập khẩu công nghệ cũ, lạc hậu vào Việt Nam.
Tuy nhiên, “nếu chỉ trông chờ vào luật là chưa đủ”, nguyên Giám đốc NCIF Lê Đình Ân nêu ý kiến. Bởi lẽ, hiện nay, việc nhập khẩu phế liệu cũng như máy móc, công nghệ về nước ta còn phụ thuộc vào chiến lược phát triển các ngành công nghiệp. Trong đó, có những ngành buộc phải nhập khẩu đầu vào ở nước ngoài để tạo nguyên liệu sản xuất trong nước.
Do vậy, theo giới phân tích, để Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) thực sự phát huy hiệu quả, tránh đẩy Việt Nam trở thành “bãi rác phế liệu” hay “bãi rác công nghệ”, trước tiên công tác quản lý xuất nhập khẩu cần được siết chặt hơn, không còn tình trạng “nhập gì không biết, ai nhập không hay” như hiện nay.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát để bảo đảm tuân thủ đúng các quy định hiện hành, đặc biệt trong chuyển giao máy móc, công nghệ theo danh mục được phép chuyển giao, cấm chuyển giao hoặc hạn chế chuyển giao.
Về lâu dài, giải pháp mang tính căn cơ là phải đổi mới chiến lược phát triển công nghiệp, trong đó tập trung vào phát triển sản phẩm tiên tiến, công nghệ hiện đại theo đúng tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW về Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%...
Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược bổ sung: “Chính sách phát triển công nghiệp thực chất là chiến lược phát triển kinh tế của cả nước, trong đó có các chính sách về ngân hàng, tài chính, lãi suất, tỷ giá. Chỉ khi kết hợp các chính sách này mới mong phát triển công nghiệp thành công, không phải nhập phế liệu phục vụ sản xuất như hiện nay”.