Để xăng sinh học “chảy” vào cuộc sống
(Tài chính) Theo lộ trình của Chính phủ thì chỉ còn 6 tháng nữa sẽ bắt buộc đưa xăng sinh học E5 sử dụng tại 7 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, dường như cả doanh nghiệp cũng như người dân vẫn còn thờ ơ, thậm chí là chưa hiểu rõ về những lợi ích mà xăng sinh học mang lại.
Lợi ích đa chiều
Hòa vào xu hướng chung của thế giới cũng như định hướng phát triển bền vững tại Việt Nam, Chính phủ đã đề ra lộ trình đưa xăng sinh học vào sử dụng kết hợp cùng nhiên liệu truyền thống trong Quyết định 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012.
Việc đưa xăng sinh học vào cuộc sống sẽ mang lại lợi ích đa chiều cho cả người dân, doanh nghiệp cũng như nền kinh tế đất nước bởi lẽ: xăng sinh học chính là một loại nhiên liệu sinh học và được pha trộn với các chế xuất từ phụ phẩm nông nghiệp như ngô, khoai, sắn… Yếu tố đó đã tạo nên ưu điểm nổi trội của xăng sinh học đó là sự thân thiện với môi trường, là nguồn nhiên liệu tái sinh, tái tạo được để thay thế một phần nhiên liệu truyền thống. Do đó, sử dụng xăng sinh học sẽ góp phần vào việc đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng, cải thiện môi trường không khí và tạo thu nhập bền vững cho khu vực nông nghiệp.
Đánh giá về lợi ích mà xăng sinh học có thể đem lại cho Việt Nam, TS. Steve Williams (Công ty Energy Solutions - Mỹ) - một chuyên gia đầu ngành về nhiên liệu sinh học chia sẻ: “Đất nước các bạn sở hữu cơ cấu dân số với nông dân chiếm một phần lớn. Mà thực tế cũng chứng minh, chỉ những quốc gia mạnh về nông nghiệp mới thành công với năng lượng sinh học. Như vậy, nếu năng lượng sinh học phát triển, người nông dân là tầng lớp được hưởng lợi đầu tiên. Mục tiêu thứ hai là giảm lượng phát thải vào không khí, cải thiện môi trường sống cho Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Thứ đến mới là việc giảm thêm lượng xăng dầu truyền thống nhập khẩu hằng năm. Không khó để nhận ra, cứ mỗi % ethanol các bạn phối trộn được vào là từng đó % giảm sự phụ thuộc vào xăng truyền thống”.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều người tiêu dùng bày tỏ những lo ngại về ảnh hưởng của xăng sinh học với động cơ thế hệ cũ. Trước những lo ngại này, các chuyên gia Viện Cơ khí động lực (thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) và Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (thuộc Viện Dầu khí Việt Nam) đã có những thử nghiệm xăng sinh học trên động cơ thế hệ cũ và khẳng định: xăng E5, thậm chí E10, E20 trên động cơ thông thường đang phổ biến tại Việt Nam không gây bất kỳ ảnh hưởng nào tới tính năng của phương tiện. Thậm chí, dùng các loại xăng sinh học còn giúp các loại xe máy, ôtô khởi động và tăng tốc tốt hơn.
Đẩy nhanh lộ trình
Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển xăng sinh học. Hiện nay, cả nước có 6 nhà máy sản xuất ethanol sinh học từ nguyên liệu sắn lát với tổng công suất thiết kế lên tới 535 triệu lít ethanol/năm, đủ để phối trộn 8,35 triệu tấn xăng E5 hoặc 4,17 triệu tấn xăng E10, đáp ứng yêu cầu cho thị trường cả nước bằng xăng E5 từ cuối năm 2014.
Theo lộ trình của Chính phủ, từ ngày 1/12/2014, 7 tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu) bắt buộc phải sử dụng xăng E5 và đến ngày 1/12/2015, xăng sinh học E5 sẽ được sử dụng rộng rãi cho các loại phương tiện cơ giới đường bộ trên toàn quốc. Còn xăng sinh học E10 sẽ được sử dụng tại 7 tỉnh thành phố từ ngày 1/12/2016 và áp dụng trên toàn quốc từ ngày 1/12/2017.
Tuy nhiên, với sự thờ ơ và thiếu quan tâm của doanh nghiệp, người dân về xăng sinh học như hiện nay thì đòi hỏi Chính phủ cần có những chính sách dài hạn nhằm thu hút đầu tư của doanh nghiệp cũng như sự hiểu biết, tiêu dùng của người dân với xăng sinh học.
Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần có chính sách khuyên khích các doanh nghiệp đầu tư vào xăng sinh học như: miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị vật tư tồn trữ, vận chuyển, pha chế, phân phối nhiên liệu trong nước chưa sản xuất được; miễn thuế môi trường đối với phần xăng nền để pha chế xăng E5; giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 đưa vào lưu thông (bao gồm cả phần xăng nền dùng để pha chế xăng E5)…
Bên cạnh đó, hiện nay việc phát triển các vùng nguyên liệu vẫn chưa được mở rộng, vì vậy Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ phát triển nguồn trồng sắn nguyên liệu cho người dân để tăng năng suất, đạt hiệu quả cao, đáp ứng đủ nguyên liệu cho đầu vào sản xuất ethanol.
Thêm vào đó, để xăng sinh học đi đúng lộ trình thì trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là không nhỏ. Bên cạnh mục tiêu lợi nhuận thì các doanh nghiệp còn phải có trách nhiệm xã hội – môi trường mà việc tiến hành sản xuất, kinh doanh xăng sinh học chính là biểu hiện rõ nét của trách nhiệm ấy.
Mặc dù có nhiều tiềm năng để phát triển xăng sinh học nhưng chỉ những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, sự nỗ lực của doanh nghiệp thì chưa đủ. Điều quan trọng là phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của loại xăng này đối với kinh tế - xã hội và môi trường, kích thích nhu cầu tiêu dùng của họ.
Kinh nghiệm quốc tế
Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện nay, nhiên liệu sinh học đang được sử dụng rộng rãi ở hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục và đã minh chứng rằng hỗn hợp xăng pha ethanol có thể sử dụng tốt cho các loại xe máy, ô tô mà không cần thay đổi về kết cấu động cơ.
Tại Mỹ, sau khi bắt đầu thử nghiệm sử dụng xăng sinh học E10 (pha trộn với 10% ethanol tùy theo thể tích) vào năm 1976, đến năm 1978, Quốc hội Mỹ đã công nhận những lợi ích của ethanol trong nhiên liệu và bắt đầu áp dụng biện pháp giảm thuế đối với xăng pha ethanol để khuyến khích phát triển thị trường nhiên liệu này. Theo đó, Quốc hội Mỹ đã có những chính sách bắt buộc nhằm phát triển ngành công nghiệp ethanol và duy trì việc sử dụng xăng sinh học. Đồng thời, Mỹ cũng đưa ra một loạt các đạo luật về môi trường như cấm sử dụng phụ gia hoá học tăng trị số ốctan gây độc hại môi trường; bắt buộc sử dụng nhiên liệu chứa ôxy ở các vùng đông dân cư; miễn thuế cho nhiên liệu pha cồn… nhằm bắt buộc các doanh nghiệp cũng như người dân phải sử dụng xăng sinh học. Năm 2005, Chính phủ Mỹ đã thông qua một đạo luật về tỷ lệ phối trộn ethanol bắt buộc vào xăng thông thường. Theo đó, các công ty kinh doanh xăng dầu sẽ được phân bổ chỉ tiêu cố định thường niên về tỷ lệ phối trộn, nếu không tuân thủ sẽ phải chịu mức phạt rất cao.
Brazil cũng là một quốc gia đã thành công với việc đưa xăng sinh học vào sử dụng rộng rãi với hơn 80% phương tiện vận tải sử dụng năng lượng sinh học… Khi triển khai chương trình đưa xăng sinh học vào sử dụng, Chính phủ Brazil không công bố tỷ lệ % ethanol và người tiêu dùng hoàn toàn không biết chỉ số ethanol cụ thể trong xăng sinh học. Thêm vào đó, họ cũng không quy định tỷ lệ bắt buộc phối trộn ethanol, nhưng quy định tối thiểu là 25% và các công ty có thể tăng lên 26% hoặc cao hơn nữa.
Nước láng giềng Thái Lan cũng đi tiên phong về sử dụng xăng sinh học trong khu vực và chiếm 71% tổng sản lượng sử dụng ethanol toàn thế giới hiện nay. Ở Thái Lan, thời gian đầu triển khai chương trình năng lượng sinh học gặp rất nhiều khó khăn do chính sách chưa phù hợp. Tuy nhiên, sau đó họ đã rất thành công với việc chỉ cho tồn tại xăng sinh học có pha ethanol, không còn xăng khoáng thông thường và bắt buộc người tiêu dùng phải lựa chọn xăng pha ethanol. Khi đó, nhiều nhà máy sản xuất cồn sinh học ở Thái Lan đã có đầu ra ổn định, công suất nhà máy luôn đạt ở mức tối đa.