Để xử lý tốt nợ xấu, cần cơ chế thoáng hơn
Trải qua 15 năm hoạt động, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã có nhiều đóng góp quan trong xử lý nợ, lãnh mạnh hóa tài chính, cổ phần hóa, đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Để phát huy thế mạnh này, trong bối cảnh hiện nay, cần tiếp tục có cơ chế thoáng hơn, để tạo sức bật cho DATC…
Yêu cầu từ thực tiễn
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, mục tiêu tăng trưởng dư nợ cho vay bình quân 16%/năm, số nợ xấu phát sinh trong 5 năm tới (2017 - 2022) dự kiến khoảng 350.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu duy trì nợ xấu dưới ngưỡng 3% thì tổng nợ xấu trong 5 năm tới tương đương mức 640.000 tỷ đồng.
Cùng với xu thế phát triển, nắm bắt yêu cầu thực tiễn, trong những năm qua DATC đã có bước mở rộng phạm vi hoạt động mua bán, xử lý nợ. Nếu như, khi mới đi vào hoạt động (năm 2004), hoạt động của DATC chủ yếu hỗ trợ DNNN, thì hiện nay khi số lượng DNNN ngày càng thu hẹp, nền kinh tế xuất hiện nhiều DN ngoài nhà nước có nhu cầu xử lý nợ, tái cơ cấu lớn và phạm vi phục vụ khách hàng của DATC cũng ngày càng được mở rộng. Những kết quả hoạt động của DATC đã được công đồng xã hội đánh giá cao.
DATC đã trực tiếp tham gia tái cơ cấu cho 173 DN, trong đó có 33 DNNN không đủ điều kiện cổ phần hóa. Nhiều DN đứng bên bờ vực phá sản đã được DATC giải cứu thành công, phát triển mạnh mẽ trở lại. Qua đó, DATC không chỉ giúp các DN phục hồi sản xuất kinh doanh, tiếp tục đóng góp cho NSNN mà còn tạo điều kiện để hàng ngàn lao động có việc làm, góp phần ổn định an sinh xã hội.
Như vậy, với bức tranh tổng thể về nhu cầu xử lý nợ xấu trên thị trường mua bán nợ Việt Nam hiện nay và khả năng của DATC đã được minh chứng thì vị thế của DATC cần được phát huy.
Cần tạo cơ chế thoáng hơn cho DATC
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, thực tế hoạt động xử lý nợ gắn với tái cơ cấu DN của DATC còn rất nhiều vướng mắc do thiếu cơ chế mua nợ để tái cơ cấu phục hồi DN.
Khó khăn lớn nhất là đa phần các DN có nhiều chủ nợ (không chỉ 1 ngân hàng), một số ngân hàng là chủ nợ đồng ý bán nợ nhưng một số khác lại chỉ tập trung thu nợ của mình, dẫn đến việc thu tài sản, khiến DN rơi vào tình trạng phá sản. Để thực hiện xử lý nợ và tái cơ cấu DN thành công, cần phải có sự đồng thuận từ các chủ nợ, từ đó dành đủ chênh lệch giữa giá mua và giá trị nợ để xử lý.
Thực tiễn, hiện chưa có cơ chế hỗ trợ DN sau tái cơ cấu để phục hồi ổn định sản xuất kinh doanh. Phần lớn DN sau tái cơ cấu vẫn còn yếu về tài chính nhưng không tiếp cận được nguồn vốn từ phía ngân hàng đề đầu tư phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, DATC cũng chưa có cơ chế để bảo lãnh hoặc hỗ trợ vốn cho những DN này, cùng với đó, chưa có cơ chế buộc các chủ nợ khác phối hợp để tái cơ cấu cho DN.
Bên cạnh đó, chưa có cơ chế phù hợp cho DATC trong mua và xử lý nợ xấu đối với DN không đủ điều kiện để tái cơ cấu tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội. Vì vậy, không ít DN buộc phải phá sản và thu hồi được rất ít nếu so với bán nợ cho DATC để tái cơ cấu vì tài sản bị xuống cấp, mất mát, mất giá trong quá trình xử lý, thi hành án… Điều này không chỉ khiến cho nhà nước mất nguồn thu mà còn kéo theo hệ lụy người lao động mất việc làm...
Do vậy, để tạo thuận lợi phát huy hiệu trong xử lý nợ, tái cơ cấu DN, cần bổ sung quyền hạn cho DATC trong thực hiện các biện pháp phục hồi DN tái cơ cấu dưới hình thức cung cấp tài chính tương tự như VAMC, quyền bảo lãnh vay vốn tín dụng.
Đây là điều hết sức quan trọng, bởi đối tượng DATC hỗ trợ là các DN khó khăn về tài chính, thua lỗ, không thể huy động được vốn lưu động để sản xuất kinh doanh và xác định đây là một trong những giải pháp, nghiệp vụ tái cơ cấu, xử lý tài chính cho DN (tạo điều kiện để DN sử dụng đòn bẩy tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh).
Việc thực hiện các nghiệp vụ trên phải gắn với phương án tái cơ cấu được phê duyệt trên nguyên tắc hiệu quả, an toàn và phải hỗ trợ cho việc thu hồi nợ và vốn của DATC khi chuyển nhượng, đồng thời phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật.