DATC và những khó khăn trong thoái vốn

Thanh Hoàng

Hoạt động thoái vốn đầu tư tại doanh nghiệp có vốn góp là một trong những nhiệm vụ quan trọng luôn được Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đăt lên hàng đầu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện DATC đã găp phải không ít khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ, kế hoạch thoái vốn...

Không chỉ tái cơ cấu thành công Công ty Mía đường Sơn La, DATC còn giúp vực dậy vùng nguyên liệu, tạo thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.
Không chỉ tái cơ cấu thành công Công ty Mía đường Sơn La, DATC còn giúp vực dậy vùng nguyên liệu, tạo thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.

Bên cạnh hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp (DN), đồng thời thực hiện quy định về thoái vốn, thời gian qua, DATC đã tập trung rà soát các khoản vốn góp thông qua hoạt động mua bán nợ, tái cơ cấu DN để thoái vốn theo quy định, kể cả thoái vốn các DN chưa đủ thời gian 5 năm kể từ thời điểm DATC trở thành cổ đông nhưng có nhà đầu tư quan tâm.

Riêng năm 2018, DATC đã triển khai các thủ tục thoái vốn tại 22 DN. Kết thúc năm, Công ty hoàn thành thoái vốn/hoàn thành thoái vốn từng phần tại 6 DN với doanh thu 18 tỷ đồng. Để thoái vốn thành công, DATC đã triển khai nhiều giải pháp, tìm kiếm đối tác, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, về cơ chế thoái vốn cả lô cổ phần và thoái vốn cả lô cổ phần kèm nợ phải thu (đặc thù riêng của Công ty), bởi do chưa có hướng dẫn nên ảnh hưởng đến hoạt động thoái vốn của Công ty về số DN hoàn thành thoái vốn, doanh thu và lợi nhuận từ các phương án thoái vốn năm 2018.

Hoạt động chuyển nhượng vốn của DATC là hoạt động đặc thù, khác với hoạt động chuyển nhượng vốn nói chung của DNNN thông thường do phần vốn góp của DATC phát sinh từ nghiệp vụ xử lý nợ (chuyển nợ DATC đã mua thành vốn góp) mà không phải từ hoạt đồng đầu tư thông thường, nên đối tượng chuyển nhượng không chỉ là phần vốn góp mà là vốn góp kèm nợ phải thu. Trước khi Nghị định số 32/2018/ NĐ-CP ngày 08/3/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN có hiệu lực, DATC thực hiện thoái vốn theo quy định tại Quyết định số 51/2014/ QĐ-TTg ngày 15/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN.

Theo đó, Quyết định số 51/2014/ QĐ-TTg cho phép DNNN được quyết định điều chỉnh giá khởi điểm trong trường hợp chuyển nhượng vốn không thành – giảm giá khởi điểm\ để tiếp tục bán đấu giá. Mặc dù, pháp luật cho phép được giảm giá khởi điểm để tiếp tục chuyển nhượng, nhưng thực tế triển khai còn vướng do nhiều trường hợp DATC đã phải giảm giá khởi điểm nhiều lần song quá trình chuyển nhượng vẫn không thành công.

Bên cạnh đó, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP không cho phép DATC được giảm giá khởi điểm; Giá khởi điểm được xác định theo giá thẩm định của tổ chức có chức năng thẩm định giá, mức giá này được sử dụng trong thời gian tối đa là 6 tháng kể từ ngày chứng thư thẩm định có hiệu lực tới ngày giao dịch cuối cùng đối với từng phương thức chuyển nhượng và áp dụng cho cả 3 phương thức (đấu giá, chào bán cạnh tranh và bán thỏa thuận).

Hết thời hạn 6 tháng, nếu chuyển nhượng vốn không thành thì thẩm định lại để xác định giá khởi điểm để tiếp tục chuyển nhượng. Điều này làm chậm kế hoạch thoái vốn và hiệu quả hoạt động của DATC.