Đề xuất bổ sung một số loại tài sản thuộc đối tượng xác lập sở hữu toàn dân
Tại dự thảo Nghị định nhằm thay thế Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung một số loại tài sản thuộc đối tượng xác lập sở hữu toàn dân.
Theo Bộ Tài chính, Nghị định số 29/2018/NĐ-CP được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc thực hiện xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Sau hơn 3 năm thực hiện, Bộ Tài chính đã có Công văn số 1067/BTC-QLCS ngày 06/9/2021 đề nghị các Bộ, ngành, địa phương báo cáo tình hình thực hiện Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ.
Qua thực hiện rà soát các quy định tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP và tổng hợp các phản ánh, kiến nghị của một số bộ, ngành, địa phương, theo Bộ Tài chính, việc triển khai thực hiện văn bản nêu trên tại các Bộ, ngành, địa phương đã thu được những kết quả ban đầu. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Nghị định như: Phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 29/2018/NĐ-CP rất rộng, bao gồm rất nhiều loại tài sản khác nhau nên việc Nghị định số 29/2018/NĐ-CP quy định chung một trình tự, thủ tục lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản dẫn đến một số vướng mắc, không phù hợp đối với một số loại tài sản...
Dự thảo Nghị định được xây dựng nhằm thay thế Nghị định số 29/2018/NĐ-CP, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung để phù hợp với các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017. Các nội dung sửa đổi, bổ sung để đồng bộ với các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công đã được Chính phủ ban hành.
Một nội dung quan trọng tại dự thảo đó chính là việc điều chỉnh đối tượng, phạm vi. Cụ thể, tại Điều 1, Điều 2 dự thảo Nghị định quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng trên cơ sở kế thừa quy định tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP; đồng thời, rà soát, bổ sung một số loại tài sản thuộc đối tượng xác lập sở hữu toàn dân nhưng chưa được quy định tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP, gồm:
- Tài sản thuộc về nhà nước theo quy định tại Khoản 4 Điều 218 Bộ Luật Dân sự. Cụ thể, một trong các chủ sở hữu chung đối với bất động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc về Nhà nước, trừ tường hợp sở hữu chung của cộng đồng thì thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu còn lại.
- Tài sản là hàng tạm gửi hành lý hải quan không nhận lại quy định tại khoản 6 Điều 59 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 27/01/2015 của Chính phủ về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Cụ thể, trong thời hạn tạm gửi hành lý, nếu người xuất cảnh, nhập cảnh có văn bản từ bỏ hành lý tạm gửi hoặc quá thời hạn tạm gửi hành lý nhưng người xuất cảnh, nhập cảnh không nhận lại, thì bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tiền thu được từ việc thanh lý hàng hóa được nộp vào ngân sách nhà nước sau khi trừ đi các chi phí phát sinh theo quy định của pháp luật.
Cùng với nội dung trên, Điều 3 dự thảo Nghị định quy định nguyên tắc xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân là trên cơ sở kế thừa các nguyên tắc quy định tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP; đồng thời, có bổ sung một số nguyên tắc sau:
Một là, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân và được xử lý theo hình thức giao, điều chuyển thì việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản sau khi tiếp nhận được thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan; không quản lý, xử lý theo Nghị định này.
Hai là, trường hợp trong điều ước quốc tế do nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc là thành viên có quy định về việc xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
Ba là, việc phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện bằng hình thức Quyết định.
Bốn là, việc xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được thực hiện đối với tài sản của từng vụ việc. Trường hợp giá trị tài sản của một vụ việc dưới 100 triệu đồng/01 vụ việc thì đơn vị chủ trì quản lý tài sản có thể tổng hợp tài sản của nhiều vụ việc để xử lý một lần nhưng thời hạn xử lý tối đa không quá 06 tháng kể từ ngày có quyết định tịch thu của cơ quan, người có thẩm quyền.