Đề xuất chuyển đổi Vụ Thanh tra - Kiểm tra thành Thanh tra Tổng cục Dự trữ Nhà nước
Để tăng cường quản lý nhà nước về hoat động dự trữ quốc gia (DTQG) đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, cũng như phù hợp với pháp luật hiện hành, Bộ Tài chính đề xuất chuyển đổi mô hình Vụ Thanh tra - Kiểm tra thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) thành Thanh tra Tổng cục DTNN.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 36/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục DTNN thuộc Bộ Tài chính.
Tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra theo đúng kế hoạch
Theo Bộ Tài chính, bám sát định hướng của Thanh tra Chính phủ, trên cơ sở hướng dẫn của Thanh tra Bộ Tài chính, hàng năm, Tổng cục DTNN đã trình Bộ Tài chính phê duyệt Kế hoạch thanh tra chuyên ngành tại các bộ, ngành quản lý, đơn vị bảo quản hàng DTQG và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong tiếp nhận, sử dụng hàng DTQG; xây dựng, phê duyệt các kế hoạch kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ, kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng và xác minh tài sản, thu nhập.
Đồng thời, Tổng cục DTNN triển khai, ban hành văn bản định hướng các Cục DTNN khu vực xây dựng kế hoạch kiểm tra nội bộ tại đơn vị mình; kết hợp giữa kiểm tra thường xuyên và kiểm tra đột xuất.
Triển khai Kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã được phê duyệt, Tổng cục DTNN (Vụ Thanh tra - Kiểm tra) đã triển khai, tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra theo đúng kế hoạch và thực hiện các nhiệm vụ khác được giao.
Từ năm 2013 đến năm 2023, Tổng cục DTNN đã thực hiện 19 cuộc thanh tra chuyên ngành; trong đó: năm 2013: 1 cuộc, năm 2014: 2 cuộc, năm 2015: 2 cuộc, năm 2016: 2 cuộc, năm 2017: 2 cuộc, năm 2018: 1 cuộc, năm 2019: 2 cuộc, năm 2020: 2 cuộc, năm 2021: 2 cuộc, năm 2022: 2 cuộc, năm 2023: 1 cuộc.
Về kiểm tra chuyên ngành, từ năm 2015 đến năm 2023, Tổng cục DTNN đã thực hiện 15 cuộc kiểm tra chuyên ngành, trong đó năm 2015: 2 cuộc, năm 2016: không, năm 2017: 3 cuộc, năm 2018: 1 cuộc, năm 2019: 2 cuộc, năm 2020: 2 cuộc, năm 2021: 2 cuộc, năm 2022: 1 cuộc, năm 2023: 1 cuộc theo kế hoạch, 1 cuộc đột xuất theo yêu cầu của Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN (Vụ Thanh tra - Kiểm tra) tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra nội bộ, kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng hàng năm (từ 4 - 5 đơn vị/nội dung kiểm tra).
Sau thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị (150 kiến nghị về thanh tra, 54 kiến nghị về kiểm tra) tới đối tượng thanh tra, các cơ quan quản lý nhà nước về cơ chế chính sách, về mặt tài chính.
Bên cạnh đó, trên cơ sở báo cáo kết quả công tác kiểm tra tại các Cục DTNN khu vực, Tổng cục DTNN có đánh giá, tổng hợp, kiến nghị đối với các đơn vị để nâng cao chất lượng thực hiện.
Qua thanh tra, kiểm tra, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã phát hiện nhiều hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật và đưa ra các kiến nghị về cơ chế chính sách, về kinh tế, về quản lý.
Cùng với đó, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã tham mưu Tổng cục DTNN thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý về DTQG đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân thuộc phạm vi quản lý; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát trong công tác điều hành DTQG của các bộ, ngành quản lý hàng DTQG.
Đồng thời, các đoàn thanh tra, kiểm tra tích cực đôn đốc, phối hợp với các bộ, ngành quản lý, các địa phương và cơ quan liên quan trong thực hiện các kết luận thanh tra, thông báo kết quả kiểm tra đã ban hành; đảm bảo lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Kiện toàn tổ chức thanh tra theo hướng chuyên nghiệp
Theo ông Vũ Ngọc Khánh - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra – Kiểm tra (Tổng cục DTNN) sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Quyết định số 36/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Vụ Thanh tra - Kiểm tra đã làm tốt công tác tham mưu, triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ và các nhiệm vụ khác liên quan theo phân công nhiệm vụ được giao. Qua đó, giúp công tác điều hành và sử dụng hàng DTQG được thông suốt, hiệu quả.
Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Vụ Ngọc Khánh, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục DTNN, Bộ Tài chính đề xuất chuyển đổi mô hình Vụ Thanh tra - Kiểm tra thành Thanh tra Tổng cục DTNN phù hợp với quy định tại Luật DTQG năm 2012, Luật Thanh tra năm 2022, Nghị định số 03/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Bên cạnh đó, trước yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước ngày càng lớn theo từng giai đoạn và phạm vi, đối tượng quản lý ngày càng mở rộng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước đặt ra yêu cầu từng bước tăng cường công tác thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động DTQG; tăng cường hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động DTQG.
Việc thành lập Thanh tra Tổng cục DTNN, các hoạt động thanh tra chuyên ngành về DTQG sẽ được tăng cường theo hướng chuyên nghiệp, vừa bảo đảm tính chủ động và tự chịu trách nhiệm, vừa bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN; đáp ứng yêu cầu tăng cường quy mô DTQG theo từng giai đoạn.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, Thanh tra Tổng cục DTNN là tổ chức thuộc Tổng cục DTNN thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về DTQG; kiểm tra nội bộ; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực DTQG theo quy định của pháp luật.
Thanh tra Tổng cục DTNN chịu sự chỉ đạo, điều hành của Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN và chịu sự chịu đạo về công tác thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ của Thanh tra Bộ Tài chính.
Để thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về DTQG, vận dụng quy định về tổ chức bộ máy đối với Thanh tra Bộ, Tổng cục DTNN dự kiến tổ chức Thanh tra Tổng cục DTNN gồm 03 phòng: Phòng Tổng hợp; Phòng Thanh tra; Phòng Kiểm tra nội bộ.
Như vậy, việc thành lập Thanh tra Tổng cục DTNN trên cơ sở kiện toàn Vụ Thanh tra - Kiểm tra, nhằm tập trung chuyên môn hóa, nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra giúp Tổng cục DTNN thực hiện tốt, hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về DTQG; phù hợp với quy định tại Luật DTQG năm 2012, Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 03/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Sau hơn 4 năm triển khai Quyết định số 36/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Vụ Thanh tra - Kiểm tra (Tổng cục DTNN) đã làm tốt công tác tham mưu và triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ và các nhiệm vụ khác liên quan theo phân công nhiệm vụ được giao. Qua đó, giúp công tác điều hành và sử dụng hàng DTQG được thông suốt, hiệu quả.