Phát huy vai trò dự trữ quốc gia trong tình hình mới
Nhằm sẵn sàng chủ động đáp ứng yêu cầu dự trữ quốc gia theo Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia (DTQG) đến năm 2030, thời gian qua, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) phối hợp với các bộ, ngành thực hiện tốt hoạt động DTQG và đạt nhiều kết quả tích cực. Đây là nền tảng quan trọng để Tổng cục DTNN tiếp tục phát huy sứ mệnh đảm bảo an sinh xã hội trong tình hình mới.
Sẵn sàng, chủ động đáp ứng yêu cầu dự trữ quốc gia
Nhằm sẵn sàng chủ động đáp ứng yêu cầu DTQG, hàng năm, Tổng cục DNTN tham mưu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG rà soát, cân đối, tổng hợp trình Chính phủ quyết định Danh mục chi tiết cụ thể hàng DTQG, đảm bảo các mặt hàng đưa vào DTQG là các mặt hàng tiên tiến, hiện đại, có tần suất sử dụng nhiều, thời gian lưu kho dài.
Đến nay, quy mô DTQG đã từng bước được phát triển và củng cố. Tổng mức DTQG cuối năm 2023 là khoảng 13.000 tỷ đồng, tăng 1,18 lần so với năm 2020 (10.982 tỷ đồng) và khoảng 1,43 lần so với năm 2016 (9.034 tỷ đồng). Việc tăng dần quy mô hàng DTQG góp phần tạo sự chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý, điều hành, xuất cấp, phân phối, sử dụng hàng DTQG.
Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN đã tham mưu Bộ Tài chính căn cứ dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch DTQG được duyệt, đảm bảo nguồn tài chính cho các hoạt động DTQG của các bộ, ngành quản lý hàng DTQG; thẩm định và tổng hợp, tham mưu Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền bố trí tăng mức ngân sách nhà nước cho hoạt động DTQG.
Nhờ đó, quy mô DTQG ngày càng phát triển và lớn mạnh. Trong giai đoạn từ năm 2020 đến hết năm 2023, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành quản lý hàng DTQG báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời bổ sung kinh phí mua bù hàng DTQG đã xuất cấp, tổng kinh phí mua bù, mua bổ sung được bố trí khoảng gần 4.034 tỷ đồng.
Bình quân xuất cấp hàng DTQG khoảng hơn 2.000 tỷ đồng/1 năm
Trong quản lý, điều hành DTQG, Tổng cục DTNN đã phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG và các cơ quan có liên quan trong triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, nhập, xuất, mua, bán, bảo quản, bảo vệ hàng DTQG.
Trong giai đoạn từ năm 2020 - 2023, bình quân mỗi năm các bộ, ngành quản lý hàng DTQG đã xuất cấp các mặt hàng DTQG với giá trị 2.190 tỷ đồng/1 năm để thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cứu đói, cứu trợ, hỗ trợ nhân dân phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai và phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Việc xuất cấp hàng DTQG nhanh chóng, kịp thời đã giúp Nhân dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống; qua đó, tạo sự tin tưởng của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cấp, các ngành.
Bảo quản an toàn, đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng
Bên cạnh thực hiện kịp thời việc xuất cấp hàng DTQG theo quyết định của cấp có thẩm quyền, ngành DTNN và các bộ, ngành luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng và bảo quản hàng DTQG. Do đó, hàng DTQG luôn được bảo quản theo đúng quy chuẩn kỹ thuật, khi xuất ra đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng.
Trong những năm qua, công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ bảo quản của Tổng cục DTNN đạt được nhiều kết quả tích cục. Theo đó, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đã được các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục triển khai, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng hàng DTQG.
Điển hình như: Nghiên cứu ứng dụng thành công và áp dụng diện rộng công nghệ bảo quản khí Nitơ duy trì nồng độ ≥ 98% đối với thóc, gạo DTQG; thóc bảo quản kéo dài đến 30 tháng, gạo bảo quản kéo dài đến 18 tháng; giảm tỷ lệ hao hụt; đem lại hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng hàng DTQG.
Bên cạnh chú trọng vào công tác bản quản, Tổng cục DTNN cũng luôn quan tâm hoàn thiện Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật theo quy định. Đến nay, đã có tổng số 72/155 mặt hàng đang quản lý đã có Quy chuẩn kỹ thuật...
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới
Để thực hiện tốt nhiệm vụ DTQG cũng như hiện thực hóa mục tiêu trong Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2030, thời gian tới, Tổng cục DTNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tích cực tham gia xây dựng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về DTQG theo hướng khuyến khích, huy động và quản lý, sử dụng nguồn lực xã hội hóa DTQG. Tích cực triển khai thực hiện Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2030 đảm bảo theo mục tiêu đã đề ra.
Hai là, tăng cường tiềm lực DTQG theo hướng tập trung rà soát, xây dựng kế hoạch, dự toán ngân sách nhà nước 5 năm và hàng năm; trong đó ưu tiên mua sắm những mặt hàng chiến lược, tiên tiến, hiện đại, có tính năng, kỹ thuật cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Ba là, đề xuất cấp có thẩm quyền bố trí vốn đầu tư xây dựng hệ thống kho DTQG với công nghệ bảo quản tiên tiến, hiện đại theo hướng cơ giới hóa trong quá trình nhập, xuất, bảo quản nhằm kéo dài thời hạn bảo quản hàng DTQG, sẵn sàng xuất cấp khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.
Bốn là, xây dựng hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ cho công tác bảo quản hàng DTQG, cũng như công tác xây dựng kế hoạch, danh mục và dự toán NSNN hàng năm cho hoạt động DTQG.
Năm là, xây dựng kế hoạch mua sắm các mặt hàng thiết yếu, chiến lược đưa vào DTQG và kế hoạch bố trí dự trữ tại các địa bàn trọng điểm, các khu vực chiến lược trên cả nước để bảo đảm chủ động ứng phó nhanh, hiệu quả khi có tình huống đột xuất, cấp bách xảy ra.
Sáu là, phát huy tốt sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch DTQG 5 năm, hàng năm và các nhiệm vụ DTQG khác được giao.
Bảy là, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, từng bước ứng dụng các thành tựu nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao vào bảo quản hàng DTQG, nhằm bảo đảm chất lượng, giảm tỷ lệ hao hụt hàng DTQG, tiết kiệm chi phí, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Trong giai đoạn từ năm 2020 - 2023, bình quân mỗi năm các bộ, ngành quản lý hàng DTQG đã xuất cấp các mặt hàng DTQG với giá trị 2.190 tỷ đồng/1 năm để thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cứu đói, cứu trợ, hỗ trợ nhân dân phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai và phòng chống dịch bệnh COVID-19.