Đề xuất giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán và VSD

Thùy Dương

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân về Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 127/2018/TT-BTC ngày 27/12/2018 quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Dự thảo Thông tư nêu rõ, giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán quy định tại Thông tư này không chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng và văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Đối với các dịch vụ khác không quy định tại Biểu giá, Sở giao dịch chứng khoán, VSD được tự định giá dịch vụ do mình cung ứng, phù hợp với thực tế cung ứng dịch vụ và quy định của pháp luật về giá, pháp luật có liên quan.

Sở giao dịch chứng khoán, VSD phải thực hiện niêm yết giá, công khai giá, chấp hành theo quy định của pháp luật về giá, pháp luật về chứng khoán và văn bản hướng dẫn có liên quan.

Các tổ chức, cá nhân thực hiện ưu đãi về giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán liên quan đến trái phiếu xanh theo quy định tại Điều 150 Luật Bảo về môi trường năm 2020.

Theo đó, khi thực hiện đăng ký niêm yết, giao dịch và lưu ký đối với trái phiếu xanh thì mức giá áp dụng bằng 50% mức giá dịch vụ đăng ký niêm yết, giao dịch và lưu ký quy định tại Biểu giá ban hành kèm theo Thông tư này.

Dự thảo Thông tư quy định chi tiết mức giá dịch vụ áp dụng tại thị trường chứng khoán cơ sở và thị trường chứng khoán phái sinh.

- Tại thị trường chứng khoán cơ sở: Dự thảo Thông tư quy định giá dịch vụ quản lý thành viên giao dịch tại SGDCK Việt Nam áp dụng mức giá dịch vụ quản lý thành viên giao dịch là 20 triệu đồng/năm đối với các thành viên giao dịch gồm công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại.

Giá dịch vụ áp dụng tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh đối với 9 dịch vụ gồm: (1) Đăng ký niêm yết; (2) Quản lý niêm yết; (3) Giao dịch; (4) Kết nối trực tuyến; (5) Sử dụng thiết bị đầu cuối; (6) Đấu giá, chào bán cạnh tranh, dựng sổ; (7) Đấu thầu phát hành trái phiếu chính phủ, công trái xây dựng Tổ quốc, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương; (8) Đấu thầu mua lại công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương; (9) Đấu thầu hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương.

Dự thảo Thông tư cũng quy định chi tiết mức giá áp dụng đối với mỗi dịch vụ trên. Mức giá dịch vụ đăng ký niêm yết lần đầu đối với cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ đầu tư, công cụ nợ theo quy định tại Luật Quản lý nợ công là 10 triệu đồng.

Giá dịch vụ đăng ký niêm yết lần đầu đối với chứng quyền có bảo đảm là 5 triệu đồng; đối với chứng quyền có bảo đảm áp dụng mức giá 5 triệu đồng.

Giá dịch vụ giao dịch thông thường: Đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư niêm yết là 0,027% giá trị giao dịch; đối với trái phiếu doanh nghiệp là 0,0054% giá trị giao dịch; đối với chứng quyền có bảo đảm là 0,018% giá trị giao dịch.

Giá dịch vụ kết nối trực tuyến lần đầu 150 triệu đồng/thành viên. Giá dịch vụ duy trì kết nối định kỳ 50 triệu đồng/thành viên/năm…

Ngoài ra, Dự thảo Thông tư nêu rõ, tại VSD giá dịch vụ áp dụng với các dịch vụ gồm: Quản lý thành viên lưu ký; Đăng ký chứng khoán, hủy đăng ký chứng khoán một phần; Lưu ký chứng khoán; Chuyển khoản chứng khoán; Thực hiện quyền; Xử lý lỗi sau giao dịch; Chuyển quyền sở hữu chứng khoán không qua hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán; Vay, cho vay chứng khoán qua hệ thống VSD...

Mức giá cụ thể đối với dịch vụ đăng ký niêm yết lần đầu đối với cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ đầu tư, công cụ nợ theo quy định tại Luật Quản lý nợ công là 10 triệu đồng. Giá dịch vụ đăng ký niêm yết lần đầu đối với chứng quyền có bảo đảm là 5 triệu đồng.

Giá dịch vụ giao dịch thông thường: Đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư niêm yết là 0,027% giá trị giao dịch; đối với trái phiếu doanh nghiệp là 0,0054% giá trị giao dịch; đối với chứng quyền có bảo đảm là 0,018% giá trị giao dịch.

Giá dịch vụ kết nối trực tuyến lần đầu 150 triệu đồng/thành viên. Giá dịch vụ duy trì kết nối định kỳ 50 triệu đồng/thành viên/năm…

- Tại thị trường chứng khoán phái sinh: Dự thảo Thông tư quy định mức giá dịch vụ áp dụng tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch Chứng khoán  TP. Hồ Chí Minh.

Cụ thể, mức giá dịch vụ đăng ký thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh là 20 triệu đồng; giá dịch vụ quản lý thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh là 20 triệu đồng/năm; giá dịch vụ giao dịch chứng khoán phái sinh là 2.700 đồng/hợp đồng tương lai chỉ số và 4.500 đồng/hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ.

Dự thảo Thông tư cũng nêu chi tiết mức giá dịch vụ áp dụng tại VSD. Cụ thể, mức giá dịch vụ đăng ký thành viên bù trừ là 20 triệu đồng; Mức giá quản lý thành viên bù trừ là 30 triệu đồng/năm; Giá dịch vụ bù trừ là 2.550 đồng/hợp đồng/tài khoản/ngày; Giá dịch vụ quản lý tài sản ký quỹ là 0,0024% giá trị lũy kế số dư tài sản ký quỹ (tiền + giá trị chứng khoán tính theo mệnh giá)/tài khoản/tháng (tối đa không quá 1.600.000 đồng/tài khoản/tháng, tối thiểu không thấp hơn 320.000 đồng/tài khoản/tháng); giá dịch vụ sửa lỗi sau giao dịch là 500.000 đồng/giao dịch sửa lỗi.

Ngoài quy định chi tiết mức giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán, Dự thảo Thông tư cũng ban hành kèm theo Phụ lục hướng dẫn giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán tại Biểu giá. Trong đó, quy định rõ về giá dịch vụ áp dụng tại thị trường chứng khoán cơ sở và giá dịch vụ tại thị trường chứng khoán phái sinh.