Đề xuất giữ nguyên cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV
Tiếp tục chương trình nghị sự, sáng ngày 22/7, Chính phủ trình Quốc hội cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 với 22 cơ quan, gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ.
Giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 là cần thiết, phù hợp
Trình bày trước Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, căn cứ kết quả công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ đã được Quốc hội đánh giá chung tại Nghị quyết số 161/2021/QH14, việc trước mắt giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 là cần thiết, phù hợp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng cho biết, trong quá trình xây dựng cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV, cũng có những ý kiến đề xuất phương án đổi tên một số bộ, ngành và sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối một số bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng.
Chính phủ đã nghiên cứu, thảo luận rất kỹ lưỡng, khoa học, thận trọng. Trong bối cảnh khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ nhận thấy, sự cần thiết phải tập trung chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt chống dịch, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, chăm lo, giải quyết an sinh xã hội, ổn định đời sống, an toàn cho Nhân dân, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Do vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV có 22 cơ quan, gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ như khóa XIV.
Hiện nay, tổ chức của Chính phủ gồm 18 bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế. 04 cơ quan ngang bộ gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.
Phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, sau khi được Quốc hội xem xét và có Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chính phủ sẽ sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Chính phủ, bảo đảm phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giữa Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, bảo đảm bộ máy hành chính thống nhất, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trong thời gian tới, Chính phủ nghiên cứu ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ; Thực hiện nghiêm Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về việc không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế vào các luật, pháp lệnh chuyên ngành không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước.
Chính phủ sẽ chỉ đạo tiến hành tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ từ khóa XII đến khóa XV một cách bài bản, khoa học, tổng thể, toàn diện. Trên cơ sở đó, xác định rõ hơn phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của các bộ, ngành. Đồng thời, nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành trong tình hình mới.
Trình bày Báo cáo thẩm tra về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật nhất trí phương án giữ cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV như nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Việc giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ sẽ là cơ sở để tiếp tục phát huy ưu điểm và kết quả hoạt động của Chính phủ đã đạt được trong nhiệm kỳ khóa XIV, bảo đảm yêu cầu chỉ đạo, điều hành trong điều kiện Chính phủ tập trung thực hiện “mục tiêu kép”.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ quan tâm xây dựng lộ trình tiếp tục thực hiện việc kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) và Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội.
Đặc biệt, cần lưu ý đến yêu cầu “một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”, “tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới…
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc “đẩy mạnh phân cấp, phân quyền” cần gắn với các điều kiện bảo đảm thực hiện, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, đề cao trách nhiệm của các bộ, tăng tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền...
Cũng trong sáng ngày 22/7, sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu tiến hành thảo luận ở đoàn về nội dung này.
Theo chương trình, sáng ngày 23/7, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 bằng hệ thống biểu quyết điện tử.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sau khi thông qua cơ cấu tổ chức Chính phủ, Quốc hội sẽ tiến hành kiện toàn 27 chức danh của Chính phủ, giảm một Phó Thủ tướng so với nhiệm kỳ 2016 – 2021. Cụ thể, Quốc hội sẽ bầu Thủ tướng; phê chuẩn 4 Phó Thủ tướng, 18 Bộ trưởng và 4 thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Nhân sự được giới thiệu vào các chức danh này hầu hết là tái cử từ khóa XIV.