Quốc hội bàn thảo nhiều nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước

Việt Hoàng

Tiếp tục ngày họp thứ ba, Phiên họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành họp phiên toàn thể nghe các báo cáo về kinh tế -  xã hội, ngân sách nhà nước (NSNN); Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025...

Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực, chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, NSNN 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, NSNN 6 tháng cuối năm 2021.

Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo tại nghị trường
Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo tại nghị trường

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021 đạt khoảng 5,64%, cao hơn mức tăng cùng kỳ của năm 2020 (1,82%), đây là kết quả khá cao so với các nước trên thế giới; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất ổn định. 

Đặc biệt, thu NSNN đạt kết quả tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Chi NSNN được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, bảo đảm nhu cầu chi cho phòng chống dịch, an ninh, quốc phòng và các nhiệm vụ cấp bách khác.Cân đối ngân sách trung ương được bảo đảm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng tăng 32,2% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 7,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt trên 9,2 tỷ USD, tăng 6,8%.

Công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường; thương mại điện tử phát triển mạnh, trở thành kênh phân phối quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh, hỗ trợ tích cực cho tiêu thụ nông sản...

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp, khó lường đã tác động nặng nề đến nền kinh tế, đặc biệt đợt dịch thứ 4 với sự xuất hiện của chủng mới Delta có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, nguy hiểm hơn, đã tác động mạnh đến một số tỉnh, thành phố phía Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, TP. Hà Nội và nghiêm trọng đến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh.

Trước diễn biến đó, Chính phủ đã nỗ lực thực hiện mục tiêu kép; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn bất cập theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính. Thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến...

Đặc biệt là nỗ lực của Chính phủ trong việc tiếp cận các nguồn vắc xin. Trong 6 tháng qua, Chính phủ đã ban hành chính sách về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19; nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vắc xin qua nhiều kênh khác nhau: làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất vắc xin, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước, đại sứ Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng Đề án về nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vắc xin và bố trí, huy động nguồn lực để thực hiện; thành lập Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ mua và tự nghiên cứu, sản xuất vắc xin, tiêm phòng miễn phí cho người dân...

Đồng bộ giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm

Trước những thách thức hiện hữu, Chính phủ đã thống nhất thực hiện đồng bộ giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm. Trong đó, đầu tiên là quyết tâm kiềm chế, không để dịch tiếp tục bùng phát và lây lan rộng, nhanh chóng ổn định tình hình. Tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp chủ động phòng ngừa, triển khai hiệu quả chiến lược vắc xin và nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch vẫn là cơ bản, chiến lược, có tính chất quyết định; Chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống, nhất là khi dịch đang xâm nhập vào khu công nghiệp, khu đô thị có mật độ dân số cao, khu đông dân cư. Trước mắt, tập trung lực lượng để dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh đang bùng phát mạnh...

Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục quán triệt các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội; tích cực triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, theo dõi sát diễn biến tình hình, có giải pháp kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp và tổ chức chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả; quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”; Tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các đột phá chiến lược; Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu...

Trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, NSNN 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, NSNN 6 tháng cuối năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh tán thành với nhận định trong Báo cáo của Chính phủ.

Về các giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2021, Ủy ban Kinh tế đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả từ các giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các đối tượng, doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, Chính phủ cần chủ động xây dựng các kịch bản, chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra. Đồng thời, quan tâm một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như xác định ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu; kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên, kiên trì thực hiện thắng lợi mục tiêu kép phù hợp với tình hình thực tiễn và địa bàn cụ thể. Thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển Quỹ vaccine...

Cùng với đó, tăng cường kiểm soát hoạt động xuất, nhập cảnh, các trường hợp cư trú bất hợp pháp. Rà soát, hoàn thiện các quy định, quy trình, hướng dẫn để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả phòng, chống dịch bệnh. Xây dựng kịch bản phòng, chống dịch bệnh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, hạn chế thấp nhất các khu vực bị phong tỏa, ảnh hưởng đến sản xuất.

Triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Duy trì và phục hồi hoạt động DN nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động. Nghiên cứu chính sách phù hợp cho mô hình hộ kinh doanh...

Có các biện pháp điều hành xuất, nhập khẩu hợp lý, thúc đẩy, tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước và các nguyên vật liệu sản xuất; tăng cường kiểm tra, điều hành để bảo đảm cung -cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả thị trường; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tích trữ, tăng giá bất thường.

Thực hiện tốt công tác quản lý thu, điều hành chi NSNN chặt chẽ; cảnh báo về các yếu tố tăng, giảm số thu NSNN, mức trần nợ công, có biện pháp điều hành thu, chi NSNN kịp thời; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; Thực hiện nghiêm Luật Quản lý thuế, các luật thuế, chống lạm thu, chống thất thu, chống chuyển giá, giảm nợ đọng thuế, tạo dư địa phát triển nhiều hơn cho DN, nuôi dưỡng nguồn thu.

Nghiêm túc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ cao, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả giải ngân.

Chú trọng đầu tư cho hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến cơ sở, củng cố hệ thống y tế công cộng, y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe người dân;Kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc mua sắm công, nhất là vắc xin, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19...

Theo chương trình, buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở Tổ về kinh tế - xã hội, NSNN và kế hoạch phát triển kinh tế -  xã hội 5 năm 2021-2025.