Đề xuất miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn chính sách đối với doanh nghiệp quốc phòng an ninh và người lao động tại doanh nghiệp quốc phòng, an ninh quy định tại Điều 16 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp.
Đề xuất chính sách tài chính hỗ trợ đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh
Theo Dự thảo, trong quá trình hoạt động, ngoài những quy định của Nhà nước về đầu tư thành lập doanh nghiệp, quy định chung về khuyến khích và hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh được được miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất đối với diện tích đất được giao quản lý và sử dụng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định tại Luật Đất đai và Nghị định số 26/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết số 132/2020/QH14 của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
Đồng thời, sẽ được Nhà nước đảm bảo các khoản chi phí gồm: Quân trang cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng, hạ sĩ quan, công nhân công an; chi cho nhiệm vụ diễn tập, huấn luyện chiến đấu, huấn luyện dự bị động viên; Các khoản chi cho công tác quốc phòng, an ninh, công tác phục vụ quốc phòng, quan hệ quân dân bao gồm: Chi hỗ trợ cho công tác chính sách xã hội, công tác tuyên truyền vận động quần chúng như: Đào tạo, dạy nghề cho lao động là người dân tộc với thời gian không quá 6 tháng; xoá đói giảm nghèo, định canh, định cư theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Bên cạnh đó, được Nhà nước cấp kinh phí cho việc duy trì, bảo dưỡng, sửa chữa vận hành các dây chuyền sản xuất quốc phòng, an ninh trong trường hợp tạm ngừng sản xuất mà không có khả năng tự bù đắp chi phí. Được hỗ trợ 02 quỹ khen thưởng và phúc lợi bằng 02 tháng lương thực hiện trong trường hợp không đủ nguồn để trích lập. Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí nhà trẻ, giáo dục tại địa bàn chưa có trường lớp theo hệ thống giáo dục công lập. Cụ thể, hỗ trợ kinh phí đầu tư ban đầu cho việc xây dựng trường lớp, mua sắm trang bị bàn, ghế và đồ dùng dạy học không quá 200 triệu đồng/lớp.
Ngoài ra, còn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí y tế đối với những nơi do điều kiện đặc biệt phải duy trì bệnh xá, cụ thể: Hỗ trợ kinh phí để đầu tư, trang bị vật chất lần đầu với mức tối đa không quá 300 triệu đồng/1 bệnh xá dưới 10 giường bệnh; 400 triệu đồng/1 bệnh xá có từ 10 đến dưới 20 giường bệnh và 500 triệu đồng/1 bệnh xá từ 20 giường bệnh trở lên.
Quy định mới với người lao động tại doanh nghiệp quốc phòng, an ninh
Dự thảo quy định, tiền lương của lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan được tính phù hợp với quy định về chế độ, chính sách của pháp luật đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan và căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Khi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, người lao động nếu bị thương hoặc bị chết mà đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì được xem xét, xác nhận là người có công theo quy định của pháp luật về người có công; người lao động bị tai nạn lao động thì xét hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Nhà nước đảm bảo kinh phí trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong thời gian chuẩn bị nghỉ hưu; thanh toán các khoản chi ra quân, xuất ngũ, phục viên, thôi việc theo chế độ hiện hành; hỗ trợ trả lương cho số lượng người lao động tối thiểu cần phải duy trì để doanh nghiệp vận hành các dây chuyền sản xuất quốc phòng an ninh trong trường hợp tạm ngừng sản xuất mà không có khả năng tự bù đắp chi phí.
Ngoài các quy định trên, dự thảo Thông tư cũng nêu rõ nội dung lập dự toán, cấp phát và thanh quyết toán kinh phí đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh.